Tìm giải pháp để du lịch phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới

.

“Du lịch bền vững trong kỷ nguyên mới” là chủ đề của phiên thảo luận trực tuyến trưa 27-10, ngày thứ 2 của Hội nghị thượng đỉnh các thành phố châu Á - Thái Bình Dương 2021 (APCS 2021). Tại phiên này, đại diện các thành phố tham dự hội nghị đã thảo luận, tìm ra các giải pháp phát triển phù hợp với thành phố mình đang hướng tới.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn chia sẻ về những kinh nghiệm, giải pháp phát triển du lịch bền vững của Đà Nẵng. Ảnh: THU HÀ
Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn chia sẻ về những kinh nghiệm, giải pháp phát triển du lịch bền vững của Đà Nẵng. Ảnh: THU HÀ

Đà Nẵng đồng hành với các mục tiêu phát triển du lịch bền vững

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn đã giới thiệu, thông tin về những tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch của Đà Nẵng. Theo đó, thành phố là cửa ngõ kết nối các di sản thế giới trong khu vực; có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, có sân bay quốc tế kết nối hàng không trực tiếp với các trung tâm tài chính, thương mại, du lịch trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương... Đà Nẵng còn sở hữu bờ biển dài và đẹp cùng nhiều sản phẩm du lịch nổi bật, độc đáo như cầu Vàng, cầu Rồng, di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Khu du lịch Sun World Ba Na Hills... Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để Đà Nẵng phát triển du lịch.

Với chủ trương phát triển Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường và các nỗ lực cụ thể về phát triển bền vững, Đà Nẵng vinh dự được lựa chọn là một trong 33 thành phố đầu tiên tham gia “Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu” do Quỹ Rockefeller khởi xướng. Hiện nay, Đà Nẵng đã lựa chọn phát triển du lịch là một trong 5 hướng đột phá phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trong đó, Đà Nẵng xác định rõ mục tiêu phát triển du lịch theo hướng nâng cao chất lượng và bền vững bằng những chủ trương, chính sách và hành động.

Cụ thể, thành phố quy hoạch không gian phát triển du lịch đồng bộ với cấu trúc đô thị, ưu tiên nguồn lực, dành quỹ đất phù hợp với đặc thù phát triển du lịch và hài hòa với các ngành kinh tế khác, bảo đảm giữ gìn tài nguyên và cảnh quan tự nhiên. Đà Nẵng cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông minh trong hoạt động du lịch, hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh; đầu tư cơ sở hạ tầng đúng các quy chuẩn kỹ thuật, gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử đặc trưng của thành phố, không gây phá vỡ cảnh quan, kiến trúc. Đà Nẵng cũng tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người dân trực tiếp tham gia và hưởng lợi từ du lịch, xây dựng cộng đồng văn minh, thân thiện trong ứng xử với khách du lịch. Thành phố đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực du lịch chuyên môn cao, thu hút các chuyên gia về quản lý và kinh doanh du lịch ở trong và ngoài nước...; xây dựng các sản phẩm du lịch liên vùng đặc trưng, phát huy thế mạnh, tài nguyên du lịch của các địa phương...

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn bày tỏ: “Để phát triển du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng hiệu quả, bền vững trong thời gian tới, thành phố rất mong muốn học hỏi và tiếp thu kinh nghiệm của các đại biểu và các thành phố. Những chia sẻ của đại biểu tại hội nghị sẽ góp phần giúp hiện thực hóa và hiện đại hóa các chủ trương chính sách về phát triển bền vững. Thành phố Đà Nẵng cam kết sẽ đồng hành với các mục tiêu phát triển bền vững tại hội nghị, trong đó có du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, bảo đảm phát triển kinh tế song hành với bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên tự nhiên - xã hội”.

Đà Nẵng đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, giao thông thuận lợi để phát triển du lịch bền vững. TRONG ẢNH: Một góc thành phố Đà Nẵng. 				             Ảnh: XUÂN SƠN
Đà Nẵng đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, giao thông thuận lợi để phát triển du lịch bền vững. TRONG ẢNH: Một góc thành phố Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN SƠN

Phát triển ngành công nghiệp du lịch bền vững

Phát triển du lịch bền vững là vấn đề trọng tâm mà Ban tổ chức Hội nghị các thành phố châu Á - Thái Bình Dương 2021 đặt ra cho các thành phố tham gia tại phiên thảo luận. Thị trưởng thành phố Fukuoka (Nhật Bản) ông Takashima Soichiro cho biết, APCS 2021 là cơ hội để các nhà lãnh đạo các thành phố, các nhà nghiên cứu thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, cách thức đương đầu với Covid-19, cách bảo vệ người dân của mình cũng như chia sẻ về các tiềm năng của thành phố sau dịch bệnh từ đó tìm ra các giải pháp, sáng kiến để tăng cường hợp tác giữa các thành phố trong khu vực.

Tại phiên thảo luận, đại diện các thành phố Thái Châu (Trung Quốc), Fukuoka, Nagashaki, Miyazaki (Nhật Bản), Vlastock (Liên bang Nga), thủ đô Viêng Chăn (Lào)... đã chia sẻ các kinh nghiệm cũng như cách thức làm du lịch của địa phương nước bạn hướng tới phát triển ngành công nghiệp du lịch bền vững. Trong đó, chú trọng các vấn đề liên quan như chuyển đổi một số giá trị mới trong ngành du lịch như tăng cường chuyển đổi số/số hóa các hoạt động văn hóa, sự kiện lễ hội truyền thống để tiệm cận gần hơn với du khách; chú trọng phát triển văn hóa truyền thống, yếu tố con người (nhân lực); kết hợp du lịch cộng đồng, bảo đảm sự cân bằng giữa người dân và du khách; ẩm thực truyền thống; xây dựng các loại hình du lịch mới như phát triển du lịch thân thiện với môi trường, sức khỏe con người...

Đại biểu của các thành phố tham dự cũng rất quan tâm đến cách Đà Nẵng tạo sự mến khách, thân thiện của người dân địa phương với du khách, cách Đà Nẵng nâng cao trách nhiệm của người dân trong hoạt động du lịch cũng như xây dựng, tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch sau Covid-19. Trả lời về những vấn đề này, đại diện của Đà Nẵng cho rằng, người dân là những người được hưởng lợi từ hoạt động du lịch. Do đó, người dân tham gia vào các hoạt động du lịch, có trách nhiệm cùng đồng hành với hoạt động du lịch của địa phương. Đà Nẵng có một số những chiến dịch, đơn cử như chiến dịch “Nụ cười Đà Nẵng” nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp thân thiện, với du khách. Đà Nẵng cũng có một số đề án phát triển du lịch cộng đồng dựa vào chính những người dân địa phương, người dân có thể là chủ thể tham gia các hoạt động du lịch như các ngư dân, người nông dân...

THU HÀ - HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.