Đà Nẵng triển khai nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người kinh doanh đổi mới công nghệ, góp phần tăng năng suất, mở rộng thị trường, phục hồi sau dịch bệnh...
Nhiều chính sách mới được triển khai đã nhanh chóng được đưa vào thực tiễn, hỗ trợ thiết thực, kịp thời cho doanh nghiệp phục hồi sau dịch bệnh. TRONG ẢNH: Đại diện cơ sở kinh doanh Tâm Nguyên (thứ 2, trái sang) giới thiệu thiết bị mới được đầu tư từ nguồn hỗ trợ khuyến công năm 2021. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Nguồn hỗ trợ thiết thực cho sản xuất
Ông Nguyễn Lên, chủ cơ sở sản xuất Trà gừng Tâm Nguyên (quận Ngũ Hành Sơn) vui mừng cho biết, việc vận hành lại dây chuyền sản xuất từ cuối tháng 9 vừa qua đã giúp tăng năng suất sản phẩm lên gấp đôi so với thời điểm đầu năm. Đây là hiệu quả từ việc cơ sở đầu tư 10 đầu máy móc mới với tổng trị giá 220 triệu đồng, trong đó có 90 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ từ Nghị quyết số 324/2020/NQ-HĐND của HĐND thành phố quy định chính sách khuyến công và phát triển sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố.
Hệ thống máy móc tân tiến này không chỉ giúp cơ sở Trà gừng Tâm Nguyên đạt mục tiêu đến cuối năm 2021 nâng công suất lên 7.000 chai, mỗi chai tương đương 250ml, (trước đây làm bằng thủ công, chỉ đạt 5.000 chai/năm), mà còn tạo điều kiện để cơ sở sản xuất thêm 3 dòng sản phẩm đóng chai từ gừng và nghệ tươi gồm loại 100ml, 150ml và 200ml cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm dinh dưỡng có nguyên liệu từ nông sản vốn đang rộng mở.
Là 1 trong 3 doanh nghiệp sản xuất hàng lưu niệm phục vụ du lịch được thụ hưởng nguồn vốn hỗ trợ 300 triệu đồng từ chương trình khuyến công địa phương theo Nghị quyết số 324/2020/NQ-HĐND, ông Hồ Nguyên Trường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Giải pháp và ứng dụng công nghệ Inteltech (quận Cẩm Lệ) bày tỏ, sau thời gian bị ngưng trệ hoạt động do ảnh hưởng bởi Covid-19, đơn vị đầu tư gần 1 tỷ đồng mua sắm máy móc để tạo sản phẩm du lịch mới như in phun tạo hình 2D, 3D trên thủy tinh, pha lê. Nguồn vốn 300 triệu đồng từ chương trình khuyến công địa phương là sự hỗ trợ thực chất nhất đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa sau thời gian chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch bệnh.
Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, Nghị quyết số 324/2020/NQ-HĐND (có hiệu lực từ ngày 1-1-2021) ra đời từ sự tích hợp 3 chính sách độc lập thành 1 chính sách chung gồm: chính sách khuyến công, chính sách phát triển sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch và chính sách hỗ trợ phát triển các cụm công nghiệp, nhằm linh hoạt và mở rộng đối tượng được thụ hưởng từ nguồn vốn khuyến công, trong đó có các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh các sản phẩm lưu niệm du lịch.
Trước khi Nghị quyết số 324/2020/NQ-HĐND được xây dựng, chính sách khuyến công địa phương chỉ áp dụng cho đối tượng thụ hưởng tại huyện nông thôn Hòa Vang và một số phường đặc thù của thành phố. Đơn vị không nằm ở khu vực này không được thụ hưởng chính sách, trong khi thực tế có nhiều doanh nghiệp nhỏ hay cơ sở kinh doanh có tiềm năng phát triển nhưng khó tiếp cận nguồn vốn để phục vụ việc mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trên cơ sở nghị quyết, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thành phố đã gấp rút hoàn thiện mọi hồ sơ, thủ tục để nhanh chóng bàn giao máy móc thiết bị hỗ trợ theo chương trình khuyến công địa phương cho 9 đơn vị với tổng vốn đầu tư hơn 2,83 tỷ đồng, trong đó, riêng nguồn hỗ trợ khuyến công 1,125 tỷ đồng vào cuối tháng 10 vừa qua.
Máy khắc laser được Công ty TNHH MTV Giải pháp và ứng dụng công nghệ Inteltech đầu tư gần 1 tỷ đồng, trong đó có 300 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Nhiều chính sách đi vào thực tiễn
Nghị quyết số 324/2020/NQ-HĐND là một trong nhiều chính sách được nhanh chóng triển khai và phát huy hiệu quả trong thực tiễn thời gian qua; góp phần hỗ trợ thiết thực, kịp thời cho doanh nghiệp phục hồi sau dịch bệnh. Từ nhiều năm nay, Sở Khoa học và Công nghệ luôn đồng hành doanh nghiệp thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của thành phố như Nghị quyết số 328/NQ-HĐND về Quy định nội dung và mức chi từ ngân sách Nhà nước để thực hiện hỗ trợ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025; Quyết định số 3836/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên…
Bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ nhìn nhận, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do sở triển khai thực hiện chủ yếu tập trung vào chuyển giao đổi mới công nghệ, mua máy móc thiết bị có hàm lượng công nghệ cao, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; giúp doanh nghiệp, đơn vị sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng, mang lại doanh thu, duy trì và phát triển sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Ở lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, từ đầu năm đến nay, từ các chính sách nói trên đã hỗ trợ 11 doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với tổng kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2020 đến nay đã hỗ trợ 18 doanh nghiệp với tổng kinh phí hơn 2,8 tỷ đồng, có 137 dự án và trên 50 doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được hình thành thông qua các chương trình ươm tạo và hỗ trợ. Ở lĩnh vực đổi mới công nghệ, từ đầu năm đến nay, thành phố đã hỗ trợ cho 16 lượt doanh nghiệp với tổng kinh phí 1,71 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2017 đến nay, đã hỗ trợ 42 lượt doanh nghiệp với tổng kinh phí hỗ trợ 6,11 tỷ đồng.
Cùng với các chính sách riêng của địa phương, thành phố đã nỗ lực triển khai các chủ trương, chính sách từ Trung ương để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người lao động. Theo thống kê từ UBND thành phố, đến cuối tháng 9-2021, thành phố đã chi hơn 76,7 tỷ đồng hỗ trợ các đối tượng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19; hỗ trợ riêng của thành phố cho 12.527 người lao động không có giao kết hợp đồng với số tiền hơn 18,5 tỷ đồng. Mới đây nhất, UBND thành phố Đà Nẵng đã quyết định kiện toàn Tổ công tác đặc biệt về hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên địa bàn thành phố; đồng thời giao một phó chủ tịch UBND thành phố làm tổ trưởng. Đây là động thái thể hiện quyết tâm của thành phố trong việc đưa các chính sách của Trung ương cũng như địa phương nhanh chóng đi vào thực tiễn nhằm góp phần giúp doanh nghiệp, người kinh doanh vượt qua khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh nói riêng, nền kinh tế nói chung phát triển.
KHÁNH HÒA