Do ảnh hưởng Covid-19, thành viên các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn thành phố gặp rất nhiều khó khăn, nhất là HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Một số HTX nông nghiệp đã và đang có những giải pháp thích ứng với dịch bệnh, tạo chỗ dựa vững chắc cho nông dân.
Nông dân xã Hòa Châu thu hoạch vụ lúa hè thu năm 2021. Ảnh: NAM TRÂN |
* Ông Phan Ngọc Hưng, Giám đốc HTX dịch vụ sản xuất và kinh doanh tổng hợp Hòa Châu 1, huyện Hòa Vang: Bao tiêu 50 tấn lúa tươi giá cao
Bên cạnh việc động viên, khuyến khích nông dân sản xuất các giống lúa mới trung, ngắn ngày phù hợp tình hình thời tiết và nước tưới, cho năng suất cao, HTX luôn thực hiện các dịch vụ sản xuất cho các thành viên với giá thấp hơn thị trường. Trong thời gian thu hoạch lúa vụ hè thu vừa qua, dù lúa rất được mùa nhưng HTX tiếp tục giảm thêm 1 giá dịch vụ thu hoạch, rẻ hơn thị trường 2 giá để hỗ trợ cho nông dân gặp khó khăn do Covid-19. Đặc biệt, HTX đã kết nối, hỗ trợ tiêu thụ hơn 50 tấn lúa tươi cho nông dân ngay sau khi gặt xong với giá hơn 7.000 đồng/kg, trong khi giá lúa khô trên thị trường lúc đó là 6.800 đồng/kg, làm tăng doanh thu 25%. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho các nông dân.
* Ông Ngô Văn Sinh, Giám đốc HTX dịch vụ sản xuất và kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1, huyện Hòa Vang: Sản xuất lúa giống mang giá trị cao cho nông dân
Thời gian qua, HTX đã thể hiện tốt vai trò “bà đỡ” cho thành viên thông qua việc tổ chức hướng dẫn thực hiện tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao và áp dụng cơ giới vào sản xuất. HTX đã sản xuất nhiều giống lúa ngắn ngày như: HT1, Thiên ưu 8, OM4900, Hà Phát 3… được nhiều nông dân các xã trên địa bàn huyện Hòa Vang sử dụng cho các “mùa vàng” bội thu vừa qua. HTX chuẩn bị sản xuất giống lúa chủ lực trong vụ đông xuân đến là ĐH12, Hà Phát 3, OM4900, 13/2 lai.
Đặc biệt, lần đầu tiên HTX sản xuất giống 13/2 lai là loại giống lúa trung ngày với kỳ vọng giúp cho nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế khi thay thế giống lúa dài ngày (gạo dùng làm bún, mỳ Quảng...). Tuy nhiên, hiện HTX gặp rất nhiều khó khăn trong thu hút cán bộ trẻ về HTX làm việc cũng như việc áp dụng kiến thức mới và công nghệ số vào thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh nên rất cần có những hỗ trợ.
* Ông Nguyễn Thông, Giám đốc HTX nấm Tây An, quận Ngũ Hành Sơn: Tạo điều kiện vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất
Trong thời gian toàn thành phố tập trung phòng, chống Covid-19, HTX gặp rất nhiều khó khăn về tiêu thụ sản phẩm. Chúng tôi đã liên hệ với nhiều cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ nấm cho các thành viên. Từ việc này, chúng tôi nhận thấy, nếu áp dụng tốt công nghệ thông tin thì sẽ lan tỏa, chia sẻ thông tin về sản phẩm nhiều hơn đến người tiêu dùng, giúp tiêu thụ sản phẩm.
Hiện HTX gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, cần đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, các loại máy móc... để mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất. Chúng tôi mong muốn được các quỹ, ngân hàng tạo điều kiện vay vốn tín chấp từ 150-200 triệu đồng để đầu tư, không phải đem thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình để vay vốn cho HTX.
Nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19 đối với các HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, Liên minh HTX Việt Nam vừa đề nghị các địa phương thống kê, đánh giá và thông tin kịp thời về sản lượng sản xuất, tiêu thụ, tồn kho của các HTX, nhất là lương thực, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu để có giải pháp giải quyết cụ thể. Các địa phương thực hiện các chính sách hỗ trợ theo thẩm quyền để các HTX giảm chi phí đầu vào, tăng năng lực cạnh tranh như: hỗ trợ lãi suất tiền vay, bảo lãnh tín dụng, bổ sung vốn cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX và mở rộng điều kiện cho HTX vay vốn... |
QUỐC HẢI