Chủ động cung ứng lương thực, thực phẩm cho thị trường cuối năm

.

Cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng nhiều mặt hàng tăng cao, do đó, các hợp tác xã (HTX), đơn vị đầu mối, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất… trên địa bàn đang tăng tốc chuẩn bị nguồn hàng cung ứng bảo đảm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Các đơn vị đã chủ động nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng lớn dịp cuối năm. TRong Ảnh: Khách hàng mua sắm tại Trung tâm MM Mega Market. Ảnh: QUỲNH TRANG
Các đơn vị đã chủ động nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng lớn dịp cuối năm. TRONG ẢNH: Khách hàng mua sắm tại Trung tâm MM Mega Market. Ảnh: QUỲNH TRANG

Tập trung chuẩn bị nguồn rau, củ, quả

Với tổng diện tích 7,5 ha, vùng rau an toàn La Hường (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) là một trong những vùng sản xuất rau, củ, quả lớn cung cấp chủ yếu cho người dân trên địa bàn thành phố. Qua ghi nhận, nhiều nông dân đang tổng lực vệ sinh đồng ruộng, cày xới đất chuẩn bị cho vụ mùa lớn nhất trong năm.

Đang sửa lại khung lưới, ông Mai Văn Phu, nông dân tại vùng rau cho biết: “Tôi đang chuẩn bị diện tích khoảng 3.000m2 trồng các loại rau cải, xà lách, mồng tơi, rau ngắn ngày… để đưa ra thị trường. So với năm ngoái, tình trạng ngập lụt tại vùng rau ít hơn, tuy nhiên thời điểm hiện tại vẫn chưa thật sự phù hợp để trồng trọt vì thời tiết vẫn rất thất thường. Phải sau ngày 23-10 âm lịch, nông dân chúng tôi mới ra đồng, tập trung sản xuất cho vụ đông xuân, vụ Tết”.

Theo ông Trần Văn Hoàng, Giám đốc HTX sản xuất rau an toàn La Hường, sản lượng trung bình mỗi ngày của vùng rau cung ứng cho thị trường thành phố đạt khoảng 1 tấn rau, củ, quả các loại.

Tương tự, các cơ sở sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao tại xã Hòa Ninh, Hòa Phú, Hòa Khương… cũng đang chuẩn bị kế hoạch đáp ứng cho thị trường thành phố trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Ông Lê Văn Tuấn, Giám đốc Công ty CP Xây dựng GreenTech (GreenTech Farm) cho hay, doanh nghiệp đang có kế hoạch tăng cường sản xuất, khoảng trước Tết Nguyên đán 2 tháng, trang trại sẽ tiến hành xuống giống các loại rau, củ, quả.

Trong khi đó, đối với lĩnh vực chăn nuôi, tính đến ngày 31-10, trên địa bàn thành phố đang có 21.789 con heo, 3.886 con bò, 194.000 con gà, 17.993 con vịt, ngan, ngỗng… Cũng theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, tình hình Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, đồng thời dịch tả heo châu Phi đang xảy ra trên địa bàn gây không ít khó khăn và thách thức lớn cho ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng.

Chuẩn bị nguồn hàng cho thị trường cuối năm

Đến nay, các đơn vị đầu mối cung ứng lớn, trung tâm thương mại trên địa bàn cũng như ngành công thương đang triển khai kế hoạch nhằm bảo đảm nguồn hàng hóa, phục vụ nhu cầu mua sắm bình ổn giá.

Ông Nguyễn Thành Nhuận, Giám đốc Chi nhánh khu vực miền Trung Công ty CP Vissan Việt Nam thông tin, đến thời điểm này, kế hoạch cung ứng nguồn hàng cho thị trường khu vực miền Trung nói chung, Đà Nẵng nói riêng đã sẵn sàng và ổn định về giá cả. Dự kiến, đơn vị sẽ dự trữ 820 tấn sản lượng, tương đương 70 tỷ đồng. Với tình hình hiện tại thì thị trường 3 tháng cuối năm vô cùng khó khăn với cả người kinh doanh lẫn người tiêu dùng. Người dân buộc phải thắt chặt chi tiêu nên khả năng sức tiêu thụ cuối năm nay cũng như dịp Tết Nguyên đán 2022 sẽ không tăng cao. Mặc dù đánh giá thị trường khá ảm đạm, chi nhánh Vissan Đà Nẵng đã chủ động giữ nguyên giá tất cả các mặt hàng để người tiêu dùng có cơ hội mua sắm các mặt hàng thiết yếu cho gia đình.

Những ngày qua, lượng rau hành, laghim về chợ đầu mối Hòa Cường ổn định với 250-400 tấn/ngày. Theo ông Phạm Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng (đơn vị cung ứng hơn 80% sản lượng heo hơi cho thị trường thành phố), nguồn thịt heo cung ứng chủ yếu đến từ các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi… Nguồn cung thịt heo từ đây cho đến cuối năm sẽ khá dồi dào, giá ít biến động.

“Hiện giá heo hơi đang có dấu hiệu tăng trở lại (tăng 5.000-10.000 đồng/kg) nhờ dịch tả heo châu Phi tại các tỉnh, thành phố cơ bản được kiểm soát. Giá thịt heo tại các chợ truyền thống cũng bình ổn, thậm chí giảm nhẹ do sức mua yếu. Từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trung bình mỗi ngày, đơn vị cung ứng ra thị trường 900-1.000 con heo. Người dân yên tâm không lo thiếu thịt heo”, ông Tuấn Anh nói.

Hiện Sở Công Thương đã có văn bản gửi Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, các đầu mối phân phối hàng hóa lớn trên địa bàn thành phố nhằm nắm bắt kịp thời kế hoạch triển khai chi tiết của từng đơn vị, từ đó, chủ động có phương án điều tiết thị trường khi có vấn đề phát sinh lớn.

Sở Công Thương cũng đề nghị các đơn vị dự báo tình hình nguồn cung, sức tiêu thụ, giá cả các mặt hàng đơn vị sản xuất, kinh doanh trong 3 tháng cuối năm 2021, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; thông tin về chương trình giảm giá, bình ổn thị trường; đồng thời, tiếp nhận và nhanh chóng xử lý các kiến nghị, vướng mắc của các đơn vị trong quá trình triển khai kế hoạch.

Tổ chức 3 phiên chợ hàng Việt tại các xã trên địa bàn huyện Hòa Vang
Nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường nông thôn, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thành phố tổ chức 3 phiên chợ hàng Việt tại các xã Hòa Bắc (từ ngày 12-11 đến 14-11 tại UBND xã Hòa Bắc), xã Hòa Ninh (từ ngày 19-11 đến 21-11 tại sân vận động xã Hòa Ninh), xã Hòa Tiến (từ ngày 3-12 đến 5-12 tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Hòa Vang). Tham gia 3 phiên chợ hàng Việt có 55 lượt doanh nghiệp với 75 gian hàng gồm các doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối với nhiều mặt hàng như: thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm, quần áo thời trang, hàng gia dụng... với nhiều chương trình khuyến mại.

QUỲNH TRANG - VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích