Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhân lực ngành du lịch có nhiều biến động. Do đó, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố đang tích cực chuẩn bị nguồn lao động để đáp ứng lộ trình phục hồi du lịch.
Nhân viên lễ tân Khách sạn New Orient Đà Nẵng (bên trái), đường Đống Đa, quận Hải Châu đang đón khách. Ảnh: NHẬT HẠ |
Mong sớm quay trở lại với nghề
Hơn 6 tháng nghỉ ở nhà, anh Nguyễn Văn Tuyên (một hướng dẫn viên tự do, trú phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) rất nhớ nghề, nhớ những lần đi tour, giới thiệu cho khách những danh lam, thắng cảnh, điểm đến đẹp của thành phố Đà Nẵng. Dịch bệnh đã khiến anh và rất nhiều lao động trong ngành du lịch bị mất việc. “Dù biết là khó khăn nhưng nhiều anh em làm hướng dẫn viên vẫn động viên nhau cố gắng vượt qua. Ngành du lịch thành phố đang có kế hoạch khởi động trở lại việc đón khách theo giai đoạn cũng là một tín hiệu vui, chúng tôi rất mong sớm được quay trở lại với những chuyến đi, những đoàn khách tấp nập như trước đây”, anh Tuyên nói.
Mới đi làm trở lại gần nửa tháng, anh Lê Kim Vương, Quản lý nhà hàng Cội Nguồn (khu Đảo Xanh, quận Hải Châu) cho biết, qua nhiều đợt dịch, nhà hàng có biến động về nhân sự, nhiều nhân viên làm trong nhà hàng đã nghỉ việc. Theo anh Vương, khi hoạt động du lịch trở lại thì vấn đề nhân lực là quan trọng. Để có lao động tốt, lành nghề thì đơn vị lao động phải tuyển dụng, đào tạo lại từ đầu để phù hợp với tiêu chí riêng của đơn vị mình.
Theo thống kê của Sở Du lịch, trải qua các đợt dịch, đến nay, 90% doanh nghiệp du lịch tạm dừng hoạt động, khoảng 42.000 lao động trực tiếp ngành du lịch (tương đương 80%) và hàng trăm ngàn lao động gián tiếp liên quan đến du lịch đã và đang thất nghiệp. Qua khảo sát sơ bộ cho thấy, nhiều người đã phải chuyển hướng, tìm kiếm thêm nghề khác để trang trải cuộc sống. Thành phố cũng đã có các chính sách ưu đãi cho vay vốn, triển khai chi trả các gói hỗ trợ để giúp người lao động trong giai đoạn dịch bệnh nên rất nhiều người đang mong các hoạt động du lịch sớm phục hồi để được quay lại với nghề.
Khi hoạt động du lịch được phục hồi, các doanh nghiệp cần chủ động nguồn nhân lực phục vụ cho ngành. TRONG ẢNH: Nhân viên Khách sạn Altara Suites Đà Nẵng (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) (bên trái) đang giới thiệu các dịch vụ tại khách sạn cho du khách. Ảnh: Q.H |
Tăng cường bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ
Bà Huỳnh Thị Kim Lương, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Du lịch Công đoàn Đà Nẵng chia sẻ, dịch bệnh làm cho các doanh nghiệp gặp khó về tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất… Để duy trì được nguồn nhân lực, công ty đã phối hợp Sở Du lịch, Hiệp hội Khách sạn tổ chức, tham gia các chương trình đào tạo trực tuyến cho đội ngũ lao động. Để trau dồi kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên, công ty mở 2 lớp đào tạo kỹ năng cho các vị trí của khách sạn nhằm chuẩn bị cho công tác phục hồi du lịch. Bên cạnh đó, công ty tiếp tục phối hợp với Hội Khách sạn để mở các lớp đào tạo nghiệp vụ bồi dưỡng cho các nhân viên đã chuyển đổi ngành nghề muốn quay lại với ngành du lịch.
Ở góc độ cơ sở lưu trú, ông Lê Đình Nam, Phó Tổng Giám đốc khu nghỉ dưỡng Furama Đà Nẵng nhìn nhận sau mấy đợt dịch, đội ngũ lao động của Furama bị giảm khá nhiều (từ gần 800 lao động còn 244 lao động). Số còn lại là nhân lực chủ chốt được doanh nghiệp giữ lại, đủ để duy trì các các hoạt động của khách sạn và khu nghỉ dưỡng. Nhiều lao động đã và đang phải nghỉ việc, hưởng trợ cấp thất nghiệp. Vì vậy, nếu các hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ thì doanh nghiệp cũng phải tuyển dụng lại và đào tạo lại cho lao động để kịp thời thích ứng với công việc.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng nhìn nhận, khi hoạt động du lịch phục hồi sẽ phải đối mặt với khó khăn về nguồn lực kinh tế và nguồn khách, một mối lo cũng khiến rất nhiều doanh nghiệp quan tâm chính là lực lượng lao động. Số lao động đã dừng việc, nghỉ việc quá lớn (chiếm tới 80%), nên nếu khôi phục các hoạt động du lịch thì cần có thêm lao động. Ngoài các lao động tại địa phương, còn rất nhiều lao động là người ngoại tỉnh, do vậy làm sao để đưa người lao động quay trở lại trong bối cảnh phòng, chống dịch như hiện nay là điều cần quan tâm. Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch cũng đang phối hợp Liên đoàn Lao động thành phố, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức các khóa đào tạo nâng cao tay nghề, duy trì lao động, đào tạo kỹ năng… cho lao động để các doanh nghiệp có ngay nhân sự làm việc.
Được biết, để chuẩn bị cho công tác phục hồi ngành du lịch, Sở Du lịch đang có các bước chuẩn bị nguồn nhân lực và bảo đảm chất lượng phục vụ. Trong đó, nâng cao tỷ lệ số lao động trong ngành được tiêm vắc-xin, bảo đảm 100% lao động phục vụ khách được tiêm đủ liều trong năm 2021. Sở tổ chức rà soát thực trạng nguồn nhân lực du lịch; đồng thời xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch giai đoạn 2021-2025, phát triển đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới bằng cách tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng mềm; số hóa các chương trình đào tạo bồi dưỡng… Song song với đó tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cộng đồng dân cư tham gia kinh doanh du lịch…
NHẬT HẠ