Giá xăng, dầu tăng:Tác động mạnh đến người tiêu dùng, doanh nghiệp

.

Sau 5 lần tăng liên tiếp, hiện giá xăng đã lên sát 25.000 đồng/lít khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất, vận tải rơi vào tình trạng khó khăn. Với sức ép từ giá cước vận tải, nhiều mặt hàng tiêu dùng cũng khó tránh khỏi tăng giá, đặc biệt là trong bối cảnh phục hồi sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tăng mạnh vào dịp cuối năm.

Do tác động của giá xăng, dầu tăng, hiện giá một số mặt hàng tiêu dùng đã có xu hướng tăng. Trong ảnh: Khách mua hàng tại siêu thị Co.opmart Đà Nẵng. Ảnh: QUỲNH TRANG
Do tác động của giá xăng, dầu tăng, hiện giá một số mặt hàng tiêu dùng đã có xu hướng tăng. TRONG ẢNH: Khách mua hàng tại siêu thị Co.opmart Đà Nẵng. Ảnh: QUỲNH TRANG

Một số mặt hàng tăng giá

Ghi nhận tại các chợ, tiệm tạp hóa trong ngày 17-11, nhiều mặt hàng đồng loạt tăng giá. Cụ thể, mỳ ăn liền tăng 2.000-20.000 đồng/thùng tùy loại, gạo thường và gạo nếp tăng 500-1.000 đồng/10kg, dầu ăn tăng 10.000-20.000 đồng/lít tùy loại, cá thu tăng 20.000 đồng/kg, chả heo tăng 10.000 đồng/kg, thịt gà ta tăng 10.000 đồng/kg, cà rốt và khoai tây Đà Lạt tăng 5.000 đồng/kg…

Theo các tiểu thương tại chợ Cồn, mặt bằng giá mới tăng chủ yếu thuộc nhóm ngành gia vị, thực phẩm khô. Đây là nhóm hàng chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ việc xăng, dầu tăng giá. Bà Lê Thị Hương, chủ đại lý gạo Xướng Hương (quận Sơn Trà) cho biết, hiện giá gạo các loại bình ổn, song giá cước vận chuyển tăng đã “đánh” vào chi phí sau cùng khiến giá gạo “nhích” lên từ 1.000 đồng/10kg gạo.

Trong khi đó, đại diện các siêu thị cho hay, do siêu thị thường ký hợp đồng cung ứng hàng hóa từ đầu năm hoặc đầu quý nên giá xăng tăng tạm thời không ảnh hưởng đến hợp đồng vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, do giá nguyên liệu đầu vào cùng nhiều chi phí nhà máy tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất nên giá một số mặt hàng trong siêu thị đã bắt đầu lên…

Ngoài ra, không ít hệ thống bán lẻ đang phải đối diện với lựa chọn tạm ngưng nhập hàng có mức tăng giá quá cao, sau khi đánh giá mức độ hấp dẫn của sản phẩm với thị trường. Trong bối cảnh sức mua rất thấp, chưa hồi phục thì việc tăng giá là mạo hiểm, buộc họ phải tính toán kỹ trước các đợt tăng giá. Hiện sức mua trên thị trường đang giảm mạnh vì trường học chưa mở cửa, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cũng hoạt động hạn chế...

Theo đại diện chi nhánh Công ty CP Acecook Việt Nam tại Đà Nẵng, chi phí xăng, gas... tăng giá đang và sẽ gây áp lực lớn đến chi tiêu đối với người tiêu dùng; đồng thời tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh khôi phục sản xuất, kinh doanh sau thời gian dài giãn cách xã hội. Tuy nhiên, công ty vẫn giữ giá bình ổn, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, không thể tăng giá bán trong bối cảnh thu nhập người dân giảm mạnh.

Ảnh hưởng của dịch bệnh cộng với xăng, dầu tăng giá khiến hoạt động của nhiều doanh nghiệp vận tải khó khăn. (Ảnh chụp trên đường Võ Văn Kiệt tháng 11-2021)  Ảnh: THÀNH LÂN
Ảnh hưởng của dịch bệnh cộng với xăng, dầu tăng giá khiến hoạt động của nhiều doanh nghiệp vận tải khó khăn. (Ảnh chụp trên đường Võ Văn Kiệt tháng 11-2021). Ảnh: THÀNH LÂN

Doanh nghiệp vận tải “tiến thoái lưỡng nan”

Không chỉ ngành lương thực, thực phẩm cảm nhận được “sức nóng” của giá nguyên liệu tăng vọt mà doanh nghiệp vận tải cũng trong tình cảnh lao đao bởi chưa kịp phục hồi sau đợt Covid-19 thứ 4 vừa qua thì lại phải đối diện với tác động kép từ việc tăng giá xăng, dầu. Ông Phạm Thế Vỹ, Giám đốc hãng taxi Đà Nẵng cho hay, sau nhiều tháng đóng cửa do dịch bệnh, đơn vị vừa mới mở cửa hoạt động trở lại thì gặp thời điểm giá xăng, dầu tăng.

Tương tự, ông Nguyễn Khắc Hậu, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Khải Hoàng (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) cho biết, từ đầu năm đến nay, xăng, dầu tăng liên tiếp hơn 7.000 đồng (từ mốc 17.000 đồng lên đến sát mốc 25.000 đồng/lít); giá dầu tăng từ 12.600 đồng lên 18.700 đồng/lít. Đây là mức tăng khá cao trong khi các doanh nghiệp đang đứng trước hàng loạt áp lực từ dịch bệnh.

Theo tính toán, trong cơ cấu chi phí hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ vận tải đường bộ, xăng, dầu chiếm tỷ lệ khá lớn, từ 30-40%. Do đó, với mức tăng hơn 7.000 đồng (từ đầu năm đến nay) buộc doanh nghiệp phải tính toán lại giá cước. Song, điều này không dễ vì nhiều hợp đồng đã ký kết từ trước nên doanh nghiệp đành chấp nhận. Còn trên thực tế, ngoài hoạt động vận tải hàng hóa đang triển khai cầm chừng, các hoạt động vận tải khách khác gần như “đóng băng”.

Hoạt động vận tải nội đô như xe buýt, vận tải du lịch cũng chưa có dấu hiệu khởi sắc. Lãnh đạo Công ty TNHH Dịch vụ - du lịch Vũ Xuyên (quận Sơn Trà) cho hay, hơn 1 năm qua, 30 đầu xe du lịch hơn 45 chỗ của đơn vị gần như nằm im một chỗ, trong khi các khoản chi phí khác đều phải đóng, bến bãi, phí sử dụng đường bộ, lãi vay... Cùng với đó, hàng nghìn xe khách đang phủ bạt nằm chờ tại các bến, bãi trên địa bàn. Nhiều tháng qua, hai bãi đất trống ở gần cầu Thuận Phước không còn chỗ trống. Nhiều xe khách 40-45 chỗ trong tình trạng nằm chờ, 4 bãi gửi xe trên tuyến đường Võ Văn Kiệt (quận Sơn Trà) cũng ken kín các xe du lịch chở khách loại lớn…

Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó

Nhiều doanh nghiệp ở lĩnh vực xuất khẩu cho biết luôn nhạy cảm trước diễn biến tăng, giảm của giá xăng, dầu. Bởi lẽ, giá xăng, dầu tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất và vận chuyển hàng hóa. Ông Nguyễn Văn Chín, Giám đốc Công ty TNHH Bắc Đẩu (Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, quận Sơn Trà) cho biết, chi phí vận tải chiếm hơn 5% tổng chi phí hoạt động của công ty nên khi giá xăng, dầu tăng làm gia tăng chi phí của đơn vị.

“Sau thời gian dài chịu tác động từ dịch bệnh nay giá xăng liên tục tăng cao lại gây sức ép cho doanh nghiệp trong việc nỗ lực phục hồi lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn đang tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng bởi nhu cầu đi lại, vận chuyển chưa phục hồi 100% công suất như lúc chưa có dịch nên thời gian vận chuyển container kéo dài hơn khiến việc lưu chuyển dòng vốn chậm hơn. Đây cũng là yếu tố gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Văn Chín nói.

Theo ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (quận Sơn Trà), giá xăng tăng như vừa qua ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu vốn yếu năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, nhất là những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Tác động rõ nhất của việc xăng tăng giá là giá vận tải sẽ tăng.

Riêng doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực thủy hải sản, nguồn nguyên liệu đầu vào chủ yếu phụ thuộc vào việc đánh bắt ở ngoài khơi nên khi xăng, dầu tăng giá sẽ làm đội chi phí của nguyên liệu đầu vào. Điều cần thiết lúc này là phải làm sao để “tiếp sức” doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh chứ không phải gồng gánh thêm nhiều chi phí đội thêm như từ việc tăng giá xăng, dầu mang lại.

THÀNH LÂN - KHÁNH HÒA - QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.