Sản phẩm OCOP 3 sao tạo chỗ đứng trên thị trường

.

Hiện nay, các cơ sở sản xuất, HTX có sản phẩm OCOP trên địa bàn nhanh chóng khôi phục hoạt động sau dịch bệnh. Làm thế nào để vừa duy trì sản xuất, vừa bảo đảm tiêu thụ sản phẩm là vấn đề không đơn giản đối với nhiều cơ sở trên địa bàn trong bối cảnh này.

Sản phẩm chả cá Bích Chi tham gia Chương trình “Kết nối, giao thương trực tuyến giới thiệu, quảng bá hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP giữa thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Phú Yên, Kon Tum” vào sáng 22-10, tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Đà Nẵng. Ảnh: QUỲNH TRANG
Sản phẩm chả cá Bích Chi tham gia Chương trình “Kết nối, giao thương trực tuyến giới thiệu, quảng bá hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP giữa thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Phú Yên, Kon Tum” vào sáng 22-10, tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Đà Nẵng. Ảnh: QUỲNH TRANG

Khoảng 10 ngày nay, không khí làm việc tại cơ sở giò chả Thảo Sinh (phường Hòa Khê, quận Thanh Khê) rộn ràng hơn hẳn. Những mẻ chả bò, chả heo, chả gà nóng hổi mới ra lò nhanh chóng được những người thợ đóng gói, dán nhãn, chuyển đến các đại lý trên địa bàn hay đi gửi cho các nhà phân phối ở các tỉnh, thành phố khác.

Ông Nguyễn Phi Sinh, chủ cơ sở cho biết, trong những ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm giảm 80%, tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian vợ chồng ông mày mò, nghiên cứu thêm một số sản phẩm mới, đáp ứng đa dạng nhu cầu khách hàng. Trong đó, chả da là sản phẩm mà ông ưng ý nhất.

“Trước đây, chúng tôi cung ứng các sản phẩm chả cá, chả bò, chả gà, nem cho sân bay, khách sạn, nhà hàng. Dịch bệnh khiến các đại lý đầu mối cũ đều chưa hoạt động trở lại. Vì vậy, chúng tôi đang nỗ lực giới thiệu sản phẩm đến các nhà phân phối mới như siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Hy vọng, trong thời gian đến, sản phẩm của cơ sở sẽ có mặt ở các hệ thống phân phối hiện đại”, ông Sinh nói.

Tương tự, cơ sở sản xuất chả cá Bích Chi (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) những ngày này “đỏ lửa” từ sáng đến tối. Bà Hồ Thị Chi, chủ cơ sở cho biết, sản lượng sản xuất mỗi ngày của cơ sở đã hồi phục bằng 70% so với thời điểm chưa có dịch bệnh. Mặt hàng chủ lực là chả cá chiên, chả cá hấp nhận được nhiều lời khen từ “bạn hàng” cũng như những khách mua lẻ.

Mới đây, bà đã nhận được một số lời mời hợp tác, trưng bày, cung ứng sản phẩm cho các cửa hàng, siêu thị và đang trong quá trình trao đổi thông tin với các đơn vị. “Hiện sản phẩm chả cá của chúng tôi đã được chứng nhận OCOP 3 sao năm 2020. Tôi cũng đầu tư vào mẫu mã, thay vì chỉ tập trung vào chất lượng như trước đây. Hy vọng thời gian tới sẽ có cơ hội hợp tác với các đơn vị lớn hơn, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm”, bà Chi bày tỏ.

Thực tế cho thấy, mặc dù các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng địa phương đã được công nhận về chất lượng và được nhiều cửa hàng thực phẩm đón nhận nhưng rất ít sản phẩm vào hệ thống bán lẻ lớn. Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng Lê Quang Thanh cho biết, đơn vị luôn ưu tiên và tìm kiếm đưa những mặt hàng sản phẩm OCOP, sản phẩm thương mại đặc trưng của các địa phương vào hệ thống các siêu thị của Co.opmart trên toàn quốc.

Song, các sản phẩm OCOP thường thiếu một số yếu tố như: hồ sơ sản phẩm không đầy đủ, mẫu mã/bao bì chưa bắt mắt, đóng gói sơ sài, chưa bảo đảm quy trình bảo quản thực phẩm… “Sau khi nhận được một số lời giới thiệu sản phẩm từ các đơn vị liên quan, chúng tôi đã chủ động liên hệ với một vài chủ thể OCOP để trao đổi các điều kiện, quy trình đưa hàng hóa vào siêu thị. Nếu các cơ sở đáp ứng được yêu cầu thì siêu thị sẵn sàng hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, mở gian hàng trưng bày, quảng bá”, ông Thanh chia sẻ.

Những cửa hàng thực phẩm sạch, cửa hàng bán sản phẩm OCOP, sản phẩm thương mại đặc trưng trên địa bàn thành phố ngày càng nhiều, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân về sử dụng thực phẩm sạch, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ. Hơn nữa, chất lượng sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng địa phương ngày càng ổn định và có chỗ đứng đối với người tiêu dùng.

Theo bà Võ Thị Thu Thủy, Giám đốc Siêu thị Go!, đơn vị luôn có chính sách hỗ trợ về diện tích trưng bày cũng như làm chương trình cho các cơ sở sản xuất tại địa phương. Tuy nhiên, một số cơ sở thường hoạt động theo kiểu “cha truyền con nối”, nhân công là những thành viên trong gia đình nên thỉnh thoảng gây ra sự cố cung cấp thiếu hụt sản phẩm dù trước đó đã ký hợp đồng cam kết. Trong khi đó, các kênh bán lẻ hiện đại rất chặt chẽ khâu nhập, xuất, duy trì sự ổn định của hàng hóa. Vì vậy, để sản phẩm địa phương tạo được chỗ đứng tại các siêu thị thì các đơn vị phải khắc phục tình trạng này.

Bên cạnh đó, đối với các sản phẩm OCOP 3 sao thì sản phẩm rau ăn lá của HTX Dịch vụ, sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) có thị trường tiêu thụ khá rộng. Các loại rau, củ của đơn vị có mặt ở nhiều kênh bán lẻ hiện đại và nhận được sự tin tưởng của khách hàng.

Ông Bùi Dũng, Giám đốc HTX cho biết, đơn vị luôn tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản trong hợp đồng đã ký với các nhà phân phối về số lượng, chủng loại đến chất lượng. Sau khi vào hệ thống bán lẻ, định kỳ các đơn vị sẽ lên kiểm tra, đánh giá lại, nếu đủ tiêu chuẩn mới tiếp tục duy trì hợp tác. Việc có mặt tại các kênh bán lẻ hiện đại sẽ giúp đơn vị duy trì chuỗi cung ứng, tránh tình trạng “được mùa mất giá”.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.