Chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết

.

Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán là thời điểm kinh doanh sôi động nhất trong năm và cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tăng doanh thu. Hiện các nhà cung ứng, phân phối đã bắt tay vào làm hàng, dự trữ nguồn hàng cũng như cân đối các mặt hàng phục vụ Tết.

Hiện nay, các doanh nghiệp, nhà phân phối đang chuẩn bị nguồn hàng phục vụ mua sắm cuối năm. TRONG ẢNH: Khách hàng mua sắm tại siêu thị Co.opmart Đà Nẵng (quận Thanh Khê). Ảnh: QUỲNH TRANG
Hiện nay, các doanh nghiệp, nhà phân phối đang chuẩn bị nguồn hàng phục vụ mua sắm cuối năm. TRONG ẢNH: Khách hàng mua sắm tại siêu thị Co.opmart Đà Nẵng (quận Thanh Khê). Ảnh: QUỲNH TRANG

Hàng hóa dồi dào

Tại siêu thị Vinmart (tầng 2, Vincom Plaza), dù còn gần 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng siêu thị đã trang trí các kệ hàng rực rỡ sắc màu, trưng bày hàng ngàn mặt hàng để người tiêu dùng lựa chọn.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Giám đốc Vinmart cho hay, siêu thị đã chuẩn bị hơn 1.000 tấn hàng hóa với tổng trị giá hơn 30 tỷ đồng để phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Trong đó, nhóm hàng thực phẩm tươi sống như rau củ, trái cây, các loại thịt, cá cùng nhóm hàng bánh, kẹo, mứt, nước giải khát, bia… được dự báo sẽ tiêu thụ cao nhất.

Tương tự, tại siêu thị Co.opmart Đà Nẵng (quận Thanh Khê), ngay từ đầu tháng 12, siêu thị đã chuẩn bị gần 4.000 tấn hàng hóa với tổng trị giá hơn 90 tỷ đồng để phục vụ Tết Nguyên đán, tương đương so với cùng kỳ năm 2020. Ông Phan Thống, Giám đốc siêu thị Co.opmart Đà Nẵng cho biết, để chuẩn bị tốt nguồn hàng phục vụ Tết, từ giữa năm 2021, siêu thị đã có kế hoạch phối hợp các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp chuẩn bị kế hoạch tăng cường lượng hàng thiết yếu lên gấp đôi, tập trung vào nguồn hàng trong nước, đặc biệt chú trọng các mặt hàng truyền thống.

“Chúng tôi đã chuẩn bị nhiều phương án vận chuyển, phân phối hàng hóa để kịp thời ứng phó với chuyển biến của dịch bệnh. Điều này giúp bảo đảm số lượng hàng thiết yếu phục vụ người dân với giá tốt nhất và không bị thiếu hàng”, ông Thống thông tin thêm.

Trong khi đó, các cửa hàng, đại lý của Trung tâm Kinh doanh thời trang Hòa Thọ đã trưng bày các sản phẩm thời trang phục vụ Tết của đơn vị như: áo len, vest, áo sơ mi, quần tây, quần jean… Theo ông Nguyễn Đức Trị, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, để chuẩn bị nguồn hàng ổn định và không tăng giá trong dịp Tết, đơn vị đã chủ động đàm phán với các đối tác, nhà cung cấp và nhập hàng dự trữ từ đầu tháng 11. Các mặt hàng thời trang năm nay của Hòa Thọ đa dạng mẫu mã, giá không tăng so với mọi năm.

Ông Nguyễn Thành Nhuận, Giám đốc Công ty CP Vissan Việt Nam Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, trung bình một tháng, công ty cung cấp cho thị trường Đà Nẵng 150-170 tấn hàng hóa là thực phẩm chế biến sẵn các loại như: đồ hộp, xúc xích, giò, chả, lạp xưởng… Riêng một tháng trước Tết Nguyên đán, sản lượng hàng bán ra khoảng 250 tấn.

Trong khi đó, qua khảo sát các hộ kinh doanh ngành hàng lương thực, thực phẩm tại các chợ lớn như chợ Cồn, chợ Đống Đa, nguồn cung hàng hóa hiện dồi dào, kịp thời cung ứng cho người tiêu dùng khi cần thiết từ các đơn vị cung ứng hàng hóa. Các hộ kinh doanh đánh giá, thị trường Tết năm nay khó dự đoán hơn các năm do tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, vì vậy, hộ kinh doanh chưa dự trữ hàng hóa mà chỉ đặt vấn đề với nhà cung cấp để giữ giá bình ổn, dễ bán cho người tiêu dùng.

Tại chợ đầu mối Hòa Cường, sản lượng rau hành, laghim, trái cây về chợ những ngày này đã tăng bằng với giai đoạn trước, bình quân 390-410 tấn/ngày. Các hộ kinh doanh tại chợ cho biết, từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao nên sản lượng rau củ về chợ sẽ dồi dào, bảo đảm nguồn cung cho người dân.

Ông Chu Văn Phong (chủ trại gà ở thôn Phước Sơn, xã Hòa Khương) cho biết, hiện trại gà của ông chỉ còn 300 con gà để bán từ nay cho đến cuối năm. Ông dự định, khoảng giữa tháng 11 âm lịch sẽ nhập 500 con gà giống (gà có trọng lượng trên 1kg) về nuôi theo quy trình của trại để xuất bán Tết. “Tình hình Tết nguyên đán năm nay khá khó đoán nên tôi không dám nuôi nhiều như mọi năm. Mọi năm thời điểm này, trại gà của tôi luôn sẵn hơn 2.000 con gà, vừa bán sỉ, vừa bán lẻ với giá 130.000 đồng/kg, năm nay thì khả năng giá sẽ giảm”, ông Phóng nói.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị MM Mega Market (quận Cẩm Lệ). Ảnh: QUỲNH TRANG
Khách hàng mua sắm tại siêu thị MM Mega Market (quận Cẩm Lệ). Ảnh: QUỲNH TRANG

Đẩy mạnh bán hàng qua nhiều kênh

Nhận định thói quen của người tiêu dùng có nhiều thay đổi nên phương thức bán hàng online được nhiều công ty triển khai trong dịp Tết năm nay. Ông Phan Hải, Giám đốc Công ty TNHH Giày BQ nhìn nhận: “Ảnh hưởng của Covid-19 khiến khách hàng có nhu cầu chuyển đổi sang mua online nhiều hơn. Vì vậy năm nay, chúng tôi đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến với những chương trình khuyến mãi, giảm giá, tặng kèm sản phẩm cùng với chính sách giao hàng tại nhà”.

Theo ông Phan Hải, dự kiến sức mua trong tháng cuối năm sẽ giảm so với cùng kỳ. Khách hàng cũng mong đợi các đợt khuyến mãi mạnh vào cuối năm và có tâm lý chọn mua những sản phẩm đang có khuyến mãi. Để thu hút người tiêu dùng, công ty đã cắt giảm toàn bộ chi phí quảng cáo, cắt bỏ các chương trình quà tặng không cần thiết để giảm giá thành sản phẩm.

Tương tự, Trung tâm Kinh doanh Thời trang Hòa Thọ đã có kế hoạch đa dạng hóa kênh bán hàng từ gia tăng trải nghiệm tại cửa hàng/đại lý đến tối ưu mua sắm trên kênh online qua website, thương mại điện tử, mạng xã hội… vừa đáp ứng nhu cầu nhanh chóng vừa bảo đảm an toàn trong phòng, chống Covid-19 cho khách hàng.

Đến thời điểm này, Sở Công Thương đã có văn bản đề nghị các trung tâm thương mại, siêu thị, Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng… báo cáo công tác dự trữ hàng hóa cũng như các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn giá năm nay.

Có thể thấy, sự chủ động của doanh nghiệp, nhà phân phối và ngành công thương trong việc chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết sẽ góp phần thúc đẩy tiêu dùng dịp cuối năm, bảo đảm nguồn hàng chất lượng, phong phú, đa dạng chủng loại, mẫu mã để người dân chọn lựa trong dịp đón năm mới 2022.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.