Đà Nẵng đề nghị Trung ương tháo gỡ vướng mắc về phát triển du lịch

.

ĐNO - Ngày 25-12, tại tỉnh Nghệ An, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức hội thảo du lịch năm 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam, phục hồi và phát triển” và truyền trực tuyến đến điểm cầu Văn phòng Chính phủ và 19 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch của Việt Nam.

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường và Phó Chủ tịch HĐND thành phố Cao Thị Huyền Trân đồng chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn trình bày tham luận với chủ đề “Thực tế xây dựng, triển khai thực hiện chính sách, cơ chế đặc thù của địa phương trong thu hút đầu tư, phát triển du lịch và đề xuất, kiến nghị” tại hội thảo từ điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: PV
Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn trình bày tham luận tại hội thảo từ điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: PV

Với chủ đề “Thực tế xây dựng, triển khai thực hiện chính sách, cơ chế đặc thù của địa phương trong thu hút đầu tư, phát triển du lịch và đề xuất, kiến nghị”, bài tham luận do Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn trình bày tại hội thảo từ điểm cầu Đà Nẵng nhấn mạnh, du lịch được xác định là 1 trong 3 trụ cột chính theo Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong 2 năm 2020 và 2021, diễn biến phức tạp của Covid-19 đã gây thiệt hại cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và lao động ngành du lịch, khiến cho các chỉ tiêu về phát triển du lịch đều sụt giảm nghiêm trọng, qua đó ảnh hưởng lớn đến chỉ tiêu tăng trưởng GRDP của thành phố.

Thời gian qua, bên cạnh các chính sách hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19 của Trung ương, thành phố Đà Nẵng cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động như: miễn phí tham quan các khu, điểm du lịch do Nhà nước quản lý trong năm 2021 và 2022; tổ chức các chương trình kích cầu du lịch; đào tạo, bồi dưỡng miễn phí nguồn nhân lực; hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng; hỗ trợ nhu cầu vay vốn của người lao động ngành du lịch...

Đà Nẵng đã thành lập Quỹ xúc tiến phát triển du lịch nhằm huy động nguồn lực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch; triển khai hợp tác chuyển đổi số trong xúc tiến, quảng bá du lịch với các doanh nghiệp...

Để tiếp tục có giải pháp hỗ trợ ngành du lịch phục hồi và phát triển, thành phố Đà Nẵng đề nghị Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ngành xem xét rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến du lịch.

Cụ thể là ban hành quy định hướng dẫn chi tiết quản lý tài sản kết cấu hạ tầng du lịch; quy định về quản lý, kinh doanh bất động sản du lịch như condotel (căn hộ du lịch), shophouse (nhà vừa ở, vừa kinh doanh), officetel (văn phòng du lịch) và các loại hình mới; quy định hướng dẫn về bảo đảm an toàn tại các khu vui chơi, giải trí có trò chơi mạo hiểm; hướng dẫn về quản lý phương tiện và hoạt động vui chơi giải trí dưới nước.

Về cơ chế chính sách cho đầu tư phát triển du lịch, Trung ương cần sớm ban hành cơ chế chính sách ưu đãi về đất, thuế, tín dụng để thúc đẩy đầu tư vào du lịch, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch (sân bay, cảng biển, bến tàu), chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Trung ương sớm ban hành một số cơ chế đột phá thí điểm phát triển du lịch như: chính sách phát triển kinh tế ban đêm; cho phép thí điểm để doanh nghiệp thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, tiện ích, điện chiếu sáng, điện trang trí và tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí… phục vụ cộng đồng kết hợp kinh doanh du lịch tại một số khu vực đất công cộng, đất bãi bồi ven sông, ven biển theo phê duyệt của tỉnh, thành phố.

Cùng với đó là nhanh chóng bố trí nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp, hình thành hệ thống đường bộ cao tốc nối Đà Nẵng với các địa phương trong vùng và các vùng trong cả nước, cũng như hệ thống đường bộ, cửa khẩu đi Lào.

Về cơ chế chính sách để thu hút khách du lịch, đề nghị Trung ương sử dụng một phần ngân sách hỗ trợ để khôi phục lại các đường bay quốc tế, đặc biệt là miễn, giảm giá các dịch vụ tại sân bay quốc tế như: dẫn tàu bay, thang ống, thuê băng chuyển, xử lý hành lý tự động, hệ thống làm thủ tục hành khách, dịch vụ cầu ống, nước sạch…

Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực, cho phép khôi phục lại việc miễn thị thực đối với du khách du lịch từ một số thị trường (chính sách đã có trước khi Việt Nam đóng cửa vào tháng 3-2020); tiếp tục đẩy mạnh việc miễn thị thực cho khách du lịch tại những thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam để tạo nhu cầu cho du khách và tăng khả năng cạnh tranh với các điểm đến quốc tế trong khu vực.

Bộ Công an cần nhanh chóng thành lập lại cơ quan đại diện của Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) tại Đà Nẵng vì hiện nay, cả khu vực rộng lớn, khách Việt Nam đi nước ngoài, khách quốc tế đến khu vực ngày càng nhiều, nhu cầu về duyệt nhân sự, lấy thị thực, gia hạn thị thực, cấp hộ chiếu… rất cao mà phải chuyển đi Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh, làm mất nhiều thời gian, chi phí của người dân và doanh nghiệp.

Về cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động kinh doanh, đề nghị Trung ương tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp (vay vốn lãi suất ưu đãi, khoanh nợ, giãn nợ, giảm thuế...); giảm giá điện cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch (được giảm giá bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất).

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.