Kinh tế

Ngành khách sạn thay đổi để thích ứng với tình hình mới

09:03, 24/12/2021 (GMT+7)

Hai năm qua, dịch bệnh đã làm thay đổi hoạt động của ngành du lịch, trong đó có dịch vụ lưu trú. Vì thế, những người làm trong lĩnh vực này phải điều chỉnh theo xu hướng mới bằng cách chuẩn bị nhân sự, đầu tư hạ tầng chuyển đổi số, mở rộng hoạt động kinh doanh để thu hút khách...

Thời gian tới, Hội Khách sạn thành phố sẽ có các khóa bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ cho lao động. Trong ảnh: Đại diện các khách sạn tham quan sản phẩm trưng bày dành cho khách sạn tại Đại hội Hội Khách sạn Đà Nẵng lần thứ 3 giữa tháng 12-2021.  Ảnh: THU HÀ
Thời gian tới, Hội Khách sạn thành phố sẽ có các khóa bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ cho lao động. TRONG ẢNH: Đại diện các khách sạn tham quan sản phẩm trưng bày dành cho khách sạn tại Đại hội Hội Khách sạn Đà Nẵng lần thứ 3 giữa tháng 12-2021. Ảnh: THU HÀ

Trước những khó khăn do dịch bệnh gây ra, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn phải tạm thời đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Theo thống kê của Hội Khách sạn Đà Nẵng, thành phố có 1.272 cơ sở lưu trú với 44.810 phòng, trong đó có 216 cơ sở lưu trú du lịch hạng 3-5 sao, tương đương với 26.822 phòng, chiếm khoảng 60% tổng số phòng trên địa bàn thành phố. Hiện có khoảng 250 cơ sở lưu trú hoạt động trở lại, chiếm 20-30%, trong đó có khoảng 40 cơ sở 4-5 sao và tương đương, 125 cơ sở thuộc quản lý của sở; các cơ sở còn lại thuộc khối ủy quyền quận, huyện quản lý.

Giám đốc điều hành khách sạn Danaciti (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) Phạm Thị Thanh Tuyền cho biết, các khách sạn đều gặp khó khăn về nhân sự và chất lượng dịch vụ. Khách sạn quy mô càng lớn đòi hỏi dịch vụ càng đa dạng, chất lượng càng cao nhưng nhiều khách sạn đóng cửa, nhân viên nghỉ việc lâu ngày, chưa kể dịch bệnh kéo dài khiến các sinh viên ngành du lịch không đi học trực tiếp, không có thời gian thực hành nghề…

Vì thế, bà Tuyền cho rằng nên có những lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thường xuyên cho những người làm khách sạn từ cấp quản lý đến các bộ phận trực tiếp phục vụ khách. Điều này vừa giúp nhân sự trong ngành khách sạn trau dồi lại kỹ năng, nghiệp vụ, vừa giúp nhân viên của ngành cập nhật xu hướng phục vụ khách phù hợp với từng hoàn cảnh, giai đoạn của dịch bệnh.

“Để duy trì hoạt động cũng như tạo sự khác biệt cho doanh nghiệp mình, các khách sạn cần chú trọng vào các dịch vụ tiểu tiết, tạo ra điểm nhấn khác biệt và bắt kịp xu hướng nhằm thu hút đối tượng khách phù hợp. Song song đó, doanh nghiệp cũng cần hướng tới chất lượng dịch vụ, không nên chỉ giảm giá”, bà Tuyền gợi ý.

Ông Nguyễn Hùng Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Biệt thự và Khách sạn Biển Đông Phương (quận Ngũ Hành Sơn) chia sẻ, các gánh nặng về chi phí lãi vay, chi phí bảo trì, chi phí để tiếp tục duy trì bộ máy tối thiểu để vận hành, bảo quản cơ sở vật chất đến khi dịch bệnh được khống chế khiến các chủ đầu tư rất chật vật.

Trước thực tế đó, ông Hùng Anh mong muốn thành phố có những chính sách cụ thể hỗ trợ để khôi phục hoạt động du lịch thông qua việc xem xét miễn giảm tiền thuê đất cho các khách sạn. Đồng thời, thành phố nên có chính sách ưu đãi lãi suất để các khách sạn bổ sung dòng tiền, phục hồi kinh doanh; thực hiện các chiến dịch quảng bá, tiếp thị điểm đến Đà Nẵng mạnh mẽ để thu hút khách nội địa và quốc tế trong thời gian đến…

Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng Nguyễn Đức Quỳnh cho hay, sắp tới, hội có chiến lược để khôi phục nhân sự, có tầm nhìn dài hạn, ổn định, tránh bị động, nhất là lưu ý về kỹ năng quản lý của các nhân sự chủ chốt tại cơ sở lưu trú bằng cách khảo sát nhu cầu thực tế của các khách sạn để tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo. Đồng thời phối hợp trường đại học, cao đẳng, trường nghề, học viên lựa chọn các khóa học cần thiết và hợp tác với chuyên gia trong ngành tổ chức các khóa học. Một trong những điểm mới là tới đây hội sẽ mở rộng các ban chuyên môn, tập trung xây dựng và quảng bá sản phẩm, mở rộng kinh doanh, tư vấn cho cơ quan quản lý Nhà nước về định vị thị trường mục tiêu, các thị trường ngắn hạn và dài hạn, các thị trường có khả năng phát triển bền vững để từ đó thúc đẩy xúc tiến điểm đến; áp dụng chuyển đổi số các dịch vụ để thích ứng và phù hợp với nhu cầu du lịch không điểm chạm, không tiếp xúc của khách mà vẫn giữ được tinh thần mến khách của địa phương…

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Tán Văn Vương, Hội Khách sạn Đà Nẵng nên phối hợp chặt chẽ với Sở Du lịch triển khai các giải pháp khôi phục hiệu quả hoạt động du lịch, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc khôi phục nguồn nhân lực và chuyển đổi số ngành khách sạn nhằm tăng tính cạnh tranh, tăng doanh thu, lượng khách, giảm chi phí vận hành, nâng cao hiệu quả quản lý, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất giải pháp xúc tiến, quảng bá, định hướng thị trường, chọn lọc xây dựng các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, phù hợp với từng nhu cầu, thị hiếu của du khách trong tình hình mới.

THU HÀ

.