Kinh tế

Nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng cuối năm

08:13, 03/12/2021 (GMT+7)

Mọi năm, vào thời điểm này, gần đến Noel và Tết Dương lịch, thị trường bán lẻ hoạt động khá sôi nổi. Tuy nhiên năm nay, tác động của Covid-19 khiến hoạt động thương mại - dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để tăng sức mua, kích cầu thị trường, các đơn vị, địa phương đang triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước phục hồi và phát triển kinh tế.

Các ngành chức năng đang đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại siêu thị Vinmart (tầng 2, Vincom Plaza).  Ảnh: QUỲNH TRANG
Các ngành chức năng đang đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm. TRONG ẢNH: Khách hàng mua sắm tại siêu thị Vinmart (tầng 2, Vincom Plaza). Ảnh: QUỲNH TRANG

Thu hút khách đến chợ truyền thống

Chợ Cẩm Lệ vốn là khu chợ lớn, tấp nập nhất quận Cẩm Lệ với hơn 600 hộ tiểu thương kinh doanh. Thế nhưng, qua ghi nhận tại chợ trong những ngày này lượng khách đến chợ thưa thớt. Ngoài khu vực bán hàng thiết yếu như trái cây, rau củ, quả, thịt, cá... vẫn có lượng khách nhất định; còn tại khu kinh doanh quần áo, giày dép thời trang, lượng khách giảm rõ rệt, nhiều ki ốt “cửa đóng, then cài”, treo biển chuyển nhượng, cho thuê lại.

Các quầy đồ tạp hóa, đồ khô, đồ gia dụng... phía trong chợ vắng bóng khách, chủ yếu là tiểu thương ngồi nói chuyện với nhau. Chị Tân Nhi (lô 86 hàng thịt, chợ Cẩm Lệ) nói: “Hàng mô cũng ế hết, nhưng ế nhất là hàng thịt, bán chỉ bằng 1/10 so với hồi xưa. Từ hồi dịch, nhiều người mở quầy bán tại nhà, hàng xóm, người thân, bạn bè mua giúp rồi thành mối quen, họ không cần đi chợ nữa”. Tương tự, tiểu thương Thanh Dung (quầy rau xanh ở chợ Cẩm Lệ) góp lời: “Buổi sáng còn có lai rai người mua chớ chiều là vắng tanh, bày biện, dọn hàng ra rồi ngồi chờ khách miết. Trong khi mặt hàng thực phẩm tươi sống không để qua ngày được”.

Cũng như chợ truyền thống, hiện nhà hàng, quán ăn, uống cũng gặp rất nhiều khó khăn do lượng khách đến hạn chế. Bà Hương (chủ quán bún bò, đường Thủ Khoa Huân, quận Sơn Trà) than thở: “Hồi xưa, mỗi sáng bán 15-17kg bún, bán từ 6-9 giờ sáng là xong, chừ chỉ bán 5-7kg mà đến hơn 10 giờ mới hết. Một phần vì người dân còn ngại ra đường sợ dịch lây lan trở lại, một phần vì kinh tế khó khăn nên nhiều người hạn chế ra đường ăn uống, chi tiêu”.

Theo ghi nhận, hầu hết các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn từ sau khi được hoạt động trở lại vắng khách đến ăn uống. Khu nhà hàng, quán nhậu trên đường Chương Dương (quận Ngũ Hành Sơn) trước đây nhộn nhịp khách ra, vào thì nay cũng rơi vào cảnh vắng vẻ, lượng bàn trống chiếm đa số. Nhiều chủ quán treo bảng sang nhượng, trả mặt bằng thuê.

Ông Đoàn Văn Hòa, Trưởng ban quản lý các chợ quận Cẩm Lệ cho biết: “Từ giữa tháng 10 đến nay, từ sự chỉ đạo của quận, các đơn vị liên quan như ban quản lý chợ, chính quyền địa phương, công an khu vực quyết liệt ra quân đẩy, đuổi hàng rong, vỉa hè, tạo đường thông, hè thoáng nhằm tạo sự công bằng trong kinh doanh cho tiểu thương bên trong chợ.

Ngoài ra, chúng tôi cũng rà soát các hạng mục, ki-ốt bỏ trống tại các chợ để sửa sang lại, cố gắng khai thác hết công năng. Đơn cử như tại chợ Cẩm Lệ, chúng tôi đang gấp rút hoàn thiện 2 ki-ot để sắp tới trở thành điểm bán sản phẩm OCOP của địa phương. Cách làm này không chỉ tạo nguồn thu để trả lương cho anh em mà có thêm điểm bán hàng, thu hút khách trở lại với chợ truyền thống”.

Thành phố đang triển khai nhiều biện pháp xúc tiến thương mại nhằm kích cầu kinh tế cuối năm.   TRONG ẢNH: Người dân tham gia mua sắm tại hội nghị kết nối cung cầu - Đà Nẵng 2021 do Sở Công Thương tổ chức vào ngày 26-11 vừa qua. Ảnh: VĂN HOÀNG
Thành phố đang triển khai nhiều biện pháp xúc tiến thương mại nhằm kích cầu kinh tế cuối năm. TRONG ẢNH: Người dân tham gia mua sắm tại hội nghị kết nối cung cầu - Đà Nẵng 2021 do Sở Công Thương tổ chức vào ngày 26-11 vừa qua. Ảnh: VĂN HOÀNG

Kích cầu mua sắm cuối năm

Thực hiện Kế hoạch số 185/KH-UBND ngày 26-10-2021 của UBND thành phố về việc phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19, hiện nay các quận, huyện đều xây dựng kế hoạch phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Qua trao đổi, hầu hết các địa phương kiến nghị thành phố tiếp tục hỗ trợ giảm tiền thuê mặt bằng cho tiểu thương. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ tiếp cận nguồn vốn vay; cơ cấu lại thời hạn trả nợ (khoanh nợ, bởi trong giai đoạn hiện nay, giảm lãi suất chưa đủ để cứu doanh nghiệp - PV).

Theo ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, người dân gặp nhiều khó khăn, địa phương khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ cá thể trên địa bàn tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, các hoạt động kết nối giao thương, các chương trình khuyến mại kích cầu mua sắm.

Bên cạnh đó, quận cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các chương trình khuyến mại, giảm giá, tri ân khách hàng, chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu... phù hợp với bối cảnh và tình hình kiểm soát dịch bệnh. “Địa phương tiếp tục duy trì việc lưu thông hàng hóa, liên kết hỗ trợ tiêu thụ và cung ứng hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố khác, nhất là đối với vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu trong tình hình dịch bệnh”, ông Nguyễn Thành Nam thông tin thêm.

Ông Võ Kim Tú, Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Khê cho biết, nhằm sớm khôi phục lại kinh tế, quận đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như tập trung cung ứng hàng hóa thiết yếu để phục vụ nhu cầu người dân. Trong đó tiếp tục mở lại hoạt động các chợ truyền thống trên địa bàn, khuyến khích, hỗ trợ các trung tâm thương mại, siêu thị, các cửa hàng tiện lợi trên địa bàn quận tiếp tục tổ chức hoạt động 100% công suất. Ngoài ra, xây dựng kế hoạch bảo đảm công tác dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường, phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân trên địa bàn vào các thời điểm lễ, Tết, mùa mưa lũ và trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.

Trong khi đó, theo thông tin từ Sở Công Thương, từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đơn vị sẽ liên tục tổ chức các chương trình kết nối giao thương, khuyến mại kích cầu tiêu dùng, đưa hàng Việt về nông thôn, các cụm, khu công nghiệp. Ngoài ra, trong năm nay, lần đầu tiên chương trình “Rực rỡ ánh sáng, khởi sắc tuyến phố chuyên doanh” sẽ được tổ chức tại một số tuyến phố chuyên doanh trên địa bàn các quận, huyện (thí điểm tại quận Hải Châu và Thanh Khê).

Đặc biệt, từ ngày 16 đến 21-12, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thành phố sẽ tổ chức Hội chợ Hành lang kinh tế Đông Tây Đà Nẵng năm 2021 (EWEC 2021) với quy mô 350-400 gian hàng tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc tế Đà Nẵng. Đây sẽ là sự kiện lớn thu hút các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia giao thương, tiêu thụ sản phẩm...  

Hiện Bộ Công Thương cũng đang phát động chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2021 - Vietnam Grand Sale 2021” (tổ chức từ ngày 1-12 đến ngày 1-1-2022 trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại có thể lên đến 100% tùy vào lựa chọn của doanh nghiệp, thay cho việc bị giới hạn như trong các điều kiện khuyến mại thông thường.

QUỲNH TRANG

.