Chợ truyền thống bảo đảm hoạt động an toàn, linh hoạt

.

Đang vào mùa cao điểm bán hàng Tết nhưng tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp khiến người dân ngại đến chợ, tiểu thương gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, ban quản lý các chợ trên địa bàn thành phố thực hiện phòng dịch nghiêm ngặt, linh hoạt, bảo đảm chợ hoạt động an toàn, thu hút người dân mua sắm Tết.

Ban quản lý chợ Phước Mỹ (quận Sơn Trà) triển khai tốt các biện pháp phòng, chống Covid-19, bảo đảm an toàn cho tiểu thương và người mua hàng.  Ảnh: QUỲNH TRANG
Ban quản lý chợ Phước Mỹ (quận Sơn Trà) triển khai tốt các biện pháp phòng, chống Covid-19, bảo đảm an toàn cho tiểu thương và người mua hàng. Ảnh: QUỲNH TRANG

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố ngày 13-1, Phó chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến chỉ đạo ngành công thương phải bảo vệ các chợ trước dịch bệnh để phục vụ người dân mua sắm Tết Nguyên đán. Do ghi nhận các ca mắc là tiểu thương nên một số chợ tạm thời đóng cửa một phần hoặc đóng toàn bộ chợ trong vài ngày để khử khuẩn, xét nghiệm. Do đó, lượt người đến chợ truyền thống mua sắm giảm. Bà Mai (quầy quần áo Dũng Mai, chợ Cồn) bày tỏ, mọi năm, thời điểm này mà đi chợ Cồn là không có chỗ chen chân bởi đây là một trong những khu chợ bán sỉ lớn nhất miền Trung. Năm nay, dịch bệnh kéo dài khiến việc mua bán giảm so với trước.  Hiện nay, các biện pháp chống dịch được ban quản lý (BQL) chợ cũng như tiểu thương thực hiện rất nghiêm ngặt để người dân  đến chợ mua sắm Tết.

Theo ông Nguyễn Đình Mâng, Trưởng Ban quản lý chợ quận Ngũ Hành Sơn, thực hiện theo Quyết định 5619/QĐ-BYT về “Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, nhà hàng”, đối với các chợ có ca mắc Covid-19 sẽ thực hiện khoanh vùng hẹp theo khu vực có F0 để phun khử khuẩn, còn lại các khu vực khác vẫn hoạt động bình thường để phục vụ người dân, nhất là dịp Tết. Trừ trường hợp chợ có nhiều F0 thì phải tạm dừng hoạt động trong thời gian ngắn để phun khử khuẩn và có thời gian cho tiểu thương đi xét nghiệm.

“Đơn cử như khi chợ Bắc Mỹ An xuất hiện một số ca mắc Covid-19, chúng tôi không đóng toàn bộ chợ vì các hộ dương tính với Covid-19 chủ yếu hàng thịt cá, ăn uống, còn khu kinh doanh quần áo, giày dép, bánh kẹo hàng Tết không có hộ mắc Covid-19 sau 3 lần xét nghiệm liên tục với tần xuất 3 ngày/lần nên vẫn kinh doanh bình thường”, ông Nguyễn Đình Mâng cho hay.

Theo thông tin từ Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng, công ty đã có văn bản triển khai, yêu cầu các BQL chợ chủ động liên hệ với Trung tâm y tế dự phòng quận Hải châu và Trung tâm y tế phường nơi có chợ tổ chức lấy mẫu xét nghiệm nhanh Covid-19 tại chợ để sàng lọc F0. Đồng thời, giao các BQL thông báo và vận động hộ kinh doanh và các thành phần khác đang hoạt động tại chợ từ nguyện tham gia xét nghiệm Covid-19 định kỳ để sàng lọc và tự thanh toán chi phí xét nghiệm. Ngoài ra, tuyên truyền vận động tất cả các thành phần hoạt động tại chợ tự test nhanh và yêu cầu khi có các biểu hiện ho, sốt, nhức mỏi thì phải khai báo y tế và tự test nhanh…

Giám đốc Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng Đàm Văn Tẩu cho biết, hằng ngày, tại các BQL có một bộ phận chuyên rà soát, theo dõi các hộ kinh doanh, các thành phần hoạt động tại chợ bị F0 hoặc F1 thì yêu cầu đóng quầy tạm nghỉ đối với hộ đó và những hộ xung quanh. Khu vực nào bị F0 thì đóng cửa phong tỏa khu vực đó để phun thuốc khử khuẩn (khi cần thiết, nếu  hộ kinh doanh bị F0 nhiều thì công ty chỉ đạo BQL chủ động thông báo đóng cửa chợ tạm thời theo thời gian phù hợp để khử khuẩn toàn bộ chợ và yêu cầu hộ kinh doanh về địa phương khai báo y tế, xét nghiệm có kết quả âm tính mới được đi bán (chi phí xét nghiệm hộ kinh tự chịu). BQL các chợ tăng cường tuyên tuyền vận động, kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý nghiêm các hộ kinh doanh và các thành phần khác hoạt động tại chợ không chấp hành các quy định về phòng dịch.

Ghi nhận những ngày này, lượng nông sản về chợ Đầu mối Hòa Cường ổn định khoảng 300-350 tấn/ngày. Cụ thể: rau, hành, lagim: 140 tấn, trái cây: 180 tấn. Theo khảo sát, tất cả các mặt hàng nhu yếu phẩm cung ứng và dự trữ bảo đảm khi nhu cầu tăng; nguồn hàng hóa dồi dào, kịp thời cung ứng cho người tiêu dùng khi cần thiết từ các đơn vị cung cấp hàng hóa. Giám đốc Sở Công Thương Lê Thị Kim Phương cho biết: “Việc duy trì hoạt động của chợ truyền thống trong những ngày cuối năm là rất quan trọng để phục vụ nhân dân mua sắm Tết. Tổng giá trị hàng Tết mà các tiểu thương tại chợ dự trữ là khoảng 500 tỷ đồng. Quan điểm của ngành công thương là thực hiện chặt chẽ các biện pháp phòng dịch thông qua việc vận động bà con tiểu thương xét nghiệm định kỳ để khoanh vùng hẹp nhất có thể, bảo đảm chợ truyền thống hoạt động thông suốt”.

Sở Công Thương vừa có văn bản thông tin về hoạt động bình thường của các chợ trên địa bàn thành phố. Theo đó, sở đề nghị UBND các quận, huyện thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến người dân trên địa bàn về chủ trương của thành phố “không ngăn sông cấm chợ”, bảo đảm hoạt động của các siêu thị, chợ truyền thống; cân đối cung cầu một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết. Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng, Ban Quản lý các chợ trên địa bàn thành phố duy trì hoạt động của các chợ; áp dụng phương án chỉ đóng quầy hàng có tiểu thương F0 và các F liên quan có nguy cơ lây nhiễm cao, không đóng cửa cả chợ như trước đây, không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh; đồng thời, tổ chức cách ly kịp thời, khoanh vùng trong phạm vi hẹp nhất nhằm bảo đảm hoạt động cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.