Dịch vụ mâm cúng ông Công, ông Táo

.

Theo phong tục, gần đến ngày cúng tiễn ông Công, ông Táo về trời, các chợ trên địa bàn thành phố lại nhộn nhịp các dịch vụ cung ứng sản phẩm để phục vụ người dân.

Người dân đang mua đồ cúng ông Táo tại chợ An Hải Đông, quận Sơn Trà.Ảnh: NHẬT HẠ
Người dân đang mua đồ cúng ông Táo tại chợ An Hải Đông, quận Sơn Trà. Ảnh: NHẬT HẠ

Đôi bàn tay nhanh thoăn thoắt soạn bộ đồ cúng ông Táo cho khách, bà Nguyễn Thị Hạnh, một tiểu thương bán hàng mã chợ An Hải Đông, quận Sơn Trà, cho biết, dịp này người dân đã bắt đầu đi sắm sửa đồ cúng nên các mặt hàng liên quan bán khá chạy. Một bộ đồ cúng ông Táo gồm bộ tượng bằng đất, đường, bánh tráng, nến, bộ áo, mũ, hài, giấy tiền các loại có giá dao động 60.000 - 80.000 đồng/bộ.

Ngoài bộ đồ mã còn có xôi, chè nên các tiệm bán xôi, chè cũng rất bận rộn. Chị Thảo Nhi, tiểu thương ở chợ Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà cho hay, những ngày cuối năm này, nhu cầu mua xôi, chè của người dân dùng để cúng thổ thần, ông Táo tăng cao nên gia đình chị cũng tranh thủ nấu thêm để bán. Mỗi chén chè có giá từ 5.000 đồng, xôi thì tùy kích thước có giá khác nhau nhưng dao động từ 10.000 - 40.000 đồng/dĩa...

Đang sửa soạn mua gà cúng, bà Đỗ Thị Yến, trú đường Nguyễn Đức Trung, quận Thanh Khê chia sẻ, tùy mỗi gia đình sẽ soạn mâm cúng chay hay mặn để làm lễ tiễn ông Táo. Như gia đình bà lâu nay thường cúng mặn nên mâm lễ gồm có đồ vàng mã không thể thiếu con gà trống, thịt heo luộc, các món xào, xôi gấc, chè... Gà để cúng ông phải là gà trống tơ, được làm sạch sẽ... 

Là người có kinh nghiệm nhiều năm bán gà cúng tại chợ Nại Hiên Đông, chị Hương thông tin, giá một con gà cúng năm nay dao động từ 200.000 - 400.000, tùy vào trọng lượng mỗi con. Để lựa được con gà tốt, khách thường chú ý tới mào, chân gà đẹp không có vết chì. Khách có thể mua gà sống về tự luộc hoặc có thể đặt trước để người bán luộc giúp. Theo đó, giá gà sống và gà chín không chênh lệch nhau nhiều mà chỉ tầm vài chục ngàn đồng/con.

Được biết, theo quan niệm dân gian, mâm lễ cúng ông Công, ông Táo với ý nghĩa tiễn các vị quan cai quản đất đai và bếp núc lên báo cáo với Ngọc Hoàng về việc làm tốt, xấu của gia chủ trong suốt một năm qua.

Thông qua mâm cơm cúng, thể hiện được tấm lòng của gia chủ trước bàn thờ vị thần cai quản đất đai, bếp núc. Thông thường, để tiễn ông Táo nhiều người dân còn có thói quen cúng cá chép sống thả trong chậu nước với ngụ ý cá chép sẽ đưa ông Táo về trời. Sau khi cúng, cá sẽ được gia chủ phóng sinh, thả ra hồ, ao, sông…

Tuy nhiên, người dân Đà Nẵng ít cúng cá chép nên tiểu thương bán hàng mã tại các chợ cho biết, nhiều người đã dùng cá chép làm bằng giấy để hóa vàng cùng với quần áo, mũ, hài cho ông Táo. Theo văn hóa của người Việt, lễ tiễn ông Công, ông Táo là một trong những nét văn hóa không thể thiếu trong những ngày cuối năm với mong ước năm cũ qua đi, sẽ có một năm tiếp theo bếp nhà nhà luôn đỏ lửa, ấm áp, đủ đầy...

NHẬT HẠ

;
;
.
.
.
.
.