Hỗ trợ chương trình đổi mới sáng tạo và thu hút nguồn lực đầu tư

.

Năm 2021, thành phố thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2021 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đạt những kết quả bước đầu.

Khu vực quy hoạch tại phía tây thành phố với khu công nghiệp hỗ trợ Khu Công nghệ cao bảo đảm thu hút đầu tư để hình thành khu đổi mới sáng tạo. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Khu vực quy hoạch tại phía tây thành phố với khu công nghiệp hỗ trợ Khu Công nghệ cao bảo đảm thu hút đầu tư để hình thành khu đổi mới sáng tạo. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Linh hoạt thu hút đầu tư, tạo nguồn lực phát triển

Báo cáo số 397/BC-UBND ngày 16-12-2021 của UBND thành phố Đà Nẵng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, từ ngày 1-1-2021 đến ngày 15-11-2021, thành phố cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất cho 24 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn hơn 6.808 tỷ đồng, gồm 7 dự án ngoài khu công nghiệp với tổng vốn hơn 6.145 tỷ đồng và 17 dự án trong các khu công nghiệp, Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung với tổng vốn 663,4 tỷ đồng; cấp mới 34 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 149,503 triệu USD, tăng 21% về vốn so với năm 2020. Lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố có 911 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư trên 3,866 tỷ USD.

Theo UBND thành phố Đà Nẵng, tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn trong năm 2021 bị ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của Covid-19. Cùng với đó, doanh nghiệp trên địa bàn buộc phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động, hoạt động cầm chừng hoặc tạm ngừng do thiếu nguồn nguyên vật liệu, thị trường trong nước và xuất khẩu bị thu hẹp…

Hoạt động trong các ngành, lĩnh vực như: thương mại - dịch vụ, giáo dục, lữ hành, dịch vụ ăn uống, khách sạn, căn hộ, dệt may, da giày… gặp khó khăn nhất và chịu tác động lớn bởi ảnh hưởng của dịch bệnh. Các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ, siêu thị, nhà hàng, vận tải… bị ảnh hưởng do lượng khách du lịch giảm, người tiêu dùng hạn chế mua sắm, tụ tập ở những nơi công cộng đông người, do lo ngại lây nhiễm dịch bệnh.

Nền kinh tế thành phố năm 2021 không thể duy trì mức tăng trưởng như những năm trước, nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng sụt giảm và có mức tăng trưởng khá thấp; quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2021 ước đạt 105.050 tỷ đồng (năm 2020 đạt 103.224 tỷ đồng, tương đương quy mô năm 2018); GRDP bình quân đầu người ước đạt 87,9 triệu đồng (3.753USD).

Trong bối cảnh các chương trình xúc tiến đầu tư, hoạt động xúc tiến đầu tư trực tiếp tại các thị trường thế giới bị tạm hoãn do Covid-19 nên thành phố đã tăng cường việc tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng, chiến lược thông qua các hoạt động xúc tiến trực tuyến. Nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng chuyển hướng đi mới, thực hiện nhiều giải pháp để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, như đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử; chuyển đổi sản phẩm, dịch vụ chủ lực; tích cực tìm kiếm thị trường...

Lấy đổi mới sáng tạo làm chìa khóa phát triển

Để tiếp tục thúc đẩy phát triển hiệu quả và đi vào chiều sâu trong thời gian đến, thành phố Đà Nẵng đã đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ KH&ĐT hỗ trợ nâng cao hiệu quả chương trình đổi mới sáng tạo và thu hút nguồn lực đầu tư.

Cụ thể, UBND thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ KH&CN hỗ trợ thành phố thí điểm mô hình đặc khu đổi mới sáng tạo (Innovation Zone). Đây là đặc khu có các hoạt động đầu tư, tài chính và thí điểm những mô hình công nghệ và kinh tế mới để góp phần đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến quốc gia về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Năm 2021, tại thành phố Đà Nẵng, Covid-19 trở thành thách thức lớn đối với các doanh nghiệp trong giai đoạn đã qua và hiện nay.

Do vậy, UBND thành phố Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhất là các chính sách về vốn, lãi suất, thuế, phí, lệ phí. Đồng thời khẩn trương rà soát, đề xuất điều chỉnh các chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt là các vướng mắc, chồng chéo giữa các luật để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện; rà soát, rút gọn và đẩy mạnh phân cấp cho địa phương đối với các thủ tục liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, tài nguyên và môi trường...

Báo cáo số 397/BC-UBND ngày 16-12-2021 của UBND thành phố Đà Nẵng nêu: “Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp các địa phương xử lý nhanh các kiến nghị của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh; nghiên cứu xây dựng chính sách phát triển doanh nghiệp nhằm hình thành lực lượng doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế, tạo ra các sản phẩm chiến lược của quốc gia, khẳng định thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế”.

Đặc biệt, UBND thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ KH&CN hỗ trợ thành phố tham gia và trở thành đầu mối quốc gia tham gia mạng lưới và là điểm đến quốc gia về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thị trường đổi mới sáng tạo mở cho khu vực AESAN, các nền kinh tế tham gia APEC và các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đồng thời kiến nghị hỗ trợ thành phố Đà Nẵng thí điểm mô hình đặc khu đổi mới sáng tạo, là đặc khu có các hoạt động từ công nghệ cho đến kinh doanh mở, đầu tư tài chính và thí điểm những mô hình công nghệ và kinh tế mới; hỗ trợ thành phố Đà Nẵng hợp tác với các đối tác nước ngoài để thu hút vốn, công nghệ cũng như mang các sản phẩm khởi nghiệp Việt Nam sang Hoa Kỳ.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.