Kinh tế

Sức bật mạnh mẽ của du lịch Đà Nẵng

06:30, 03/01/2022 (GMT+7)

Kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã có những bước phát triển mạnh và đạt được những thành tựu to lớn. Trên chặng đường phát triển đó, ngành du lịch ngày càng thể hiện được vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quảng bá hình ảnh thành phố Đà Nẵng, thu hút đầu tư, tạo nhiều việc làm, nâng cao chất lượng sống cho người dân, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Nhờ có sự quan tâm đầu tư bài bản về sản phẩm du lịch, cơ sở hạ tầng, Đà Nẵng trở thành điểm đến được khách quốc tế yêu thích.  (Ảnh chụp khi không có Covid-19) Ảnh: N.H
Nhờ có sự quan tâm đầu tư bài bản về sản phẩm du lịch, cơ sở hạ tầng, Đà Nẵng trở thành điểm đến được khách quốc tế yêu thích. (Ảnh chụp khi không có Covid-19) Ảnh: N.H

Định vị thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới

Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã trở thành cơ sở nền tảng, là “kim chỉ nam”, tạo điều kiện cho du lịch Đà Nẵng phát triển và được định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.

Một trong những thay đổi đáng kể nhất là hệ thống cơ sở lưu trú phát triển cả về số lượng và chất lượng, từ 58 khách sạn vào năm 1997 với 1.948 phòng, đến nay đã có 1.231 cơ sở lưu trú với 44.505 phòng (trong đó có 212 cơ sở lưu trú 3-5 sao với 26.050 phòng, chiếm khoảng 59% tổng số phòng trên địa bàn thành phố).

Năm 2019, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch tại Đà Nẵng đạt 8,6 triệu lượt, trong đó, khách quốc tế ước đạt 3,5 triệu lượt. Tổng thu du lịch ước đạt 30.973 tỷ đồng. Đà Nẵng có 35 đường bay quốc tế với tần suất 496 chuyến/tuần và 10 đường bay nội địa đến thành phố với tần suất 662 chuyến/tuần.

Toàn thành phố có 4.646 hướng dẫn viên, 376 đơn vị kinh doanh lữ hành…

Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh nhìn nhận, diện mạo du lịch Đà Nẵng thay đổi như ngày hôm nay là nhờ thành phố ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hệ thống giao thông, cầu, sân bay quốc tế, đường thủy nội địa, có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, kêu gọi thu hút nhiều nhà tập đoàn, đầu tư chiến lược về du lịch như Sun Group, VinaCapital, Vingroup, BRG, DHC group... Nhiều thương hiệu quốc tế như Intercontinental, Hyatt, Pullman, Sheraton, Marriott, Hilton, Novotel… đã có mặt tại Đà Nẵng.

Trong đó, Sun Group đầu tư hàng loạt dự án lớn như: Khu du lịch Sun World Ba Na Hills (có hệ thống cáp treo đạt nhiều kỷ lục thế giới, khu vui chơi giải trí trong nhà Fantastic, lễ hội hoa, lễ hội bia, vũ hội đường phố, cầu Vàng…); sân golf Bà Nà Hills… Đặc biệt, khách sạn InterContinental Sơn Trà liên tục được Tổ chức Du lịch thế giới trao tặng các danh hiệu đã tạo thương hiệu cho nhà đầu tư cũng như hiệu ứng quảng bá thương hiệu du lịch Đà Nẵng.

Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, Đà Nẵng là thành phố trẻ nhưng đã tạo được dấu ấn riêng bằng cách xây dựng các sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, phong phú, nâng cao về chất lượng. Nhiều khu, điểm tham quan du lịch đã được các doanh nghiệp đầu tư bổ sung phục vụ du khách như Công viên Suối khoáng nóng Núi Thần Tài, khu giải trí Helio Center, Khu nghỉ dưỡng Mikazuki Spa & Hotel Resort...

Ngoài ra, Đà Nẵng còn định hình thương hiệu bằng việc tổ chức thành công nhiều lễ hội lớn mang tầm cỡ quốc tế, có dấu ấn như Lễ hội pháo hoa quốc tế, đại hội Thể thao bãi biển châu Á ABG5-2016, Tuần lễ Cấp cao APEC 2017… Thành phố cũng được nhiều tổ chức, đơn vị vinh danh trong đó nổi bật nhất là giải thưởng Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á 2016. Nhờ có những giải thưởng này mà vị thế của du lịch Đà Nẵng ngày càng được khẳng định và tạo được uy tín trên bản đồ du lịch quốc tế.

Lan tỏa, thúc đẩy tăng trưởng các ngành kinh tế khác

Nhiều năm đồng hành ngành du lịch Đà Nẵng, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cho rằng, nhờ có sự nỗ lực, quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, du lịch Đà Nẵng đã vươn lên thành cánh chim đầu đàn, là ngành kinh tế mũi nhọn có sức lan tỏa lớn của thành phố và là mô hình phát triển du lịch kiểu mẫu của cả nước.

Theo ông Dũng, sự thay đổi “thần kỳ” của Đà Nẵng ngoài giá trị cốt lõi về tài nguyên du lịch còn nhờ vào tư duy đột phá của các cấp lãnh đạo thành phố. Từ một thành phố trẻ, qua 25 năm với những bước đi sáng tạo, khẩn trương, đi tắt đón đầu, Đà Nẵng đã không ngừng phát triển và trở thành một trong những đô thị có sức hấp dẫn nhất Việt Nam. Sức hấp dẫn đó đến từ việc chú trọng phát triển hạ tầng khang trang, sạch đẹp và thân thiện; quy hoạch đô thị hướng ra sông, biển, xen kẽ các khu vực đồi núi tạo nên một diện mạo vừa hiện đại vừa hấp dẫn.

Bên cạnh việc tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho đầu tư phát triển du lịch, thành phố còn không ngừng tìm tòi khai thác, kiến tạo ra những sản phẩm du lịch mới lạ và hấp dẫn. Đà Nẵng cũng rất chủ động trong việc liên kết các địa phương, vừa hỗ trợ du lịch phát triển, vừa cùng nhau tạo nên các sản phẩm liên kết vùng miền đặc sắc.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh cho rằng, du lịch không chỉ đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế chung của địa phương mà còn góp phần làm diện mạo đô thị trở nên khang trang, hiện đại, lan tỏa, thúc đẩy tăng trưởng phát triển các ngành khác; tăng nguồn thu cho ngân sách và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Thành phố nhanh chóng nắm bắt thời cơ, ban hành nhiều chương trình hành động, xây dựng các đề án có tầm nhìn dài hạn nhằm triển khai cụ thể hóa từng chính sách, cơ chế ưu đãi… Đặc biệt, sự đồng thuận của người dân đã tạo nên thương hiệu về sự thân thiện, mến khách, điểm đến an toàn giúp du lịch Đà Nẵng phát triển nhanh trong thời gian qua.

Còn theo ông Cao Trí Dũng, Đà Nẵng còn rất nhiều dư địa để phát triển du lịch. Đó là hệ thống dịch vụ du lịch đa dạng, chất lượng cao, có thể đón tối đa công suất tới 25-30 triệu du khách/năm; là các dự án rất lớn mang đến diện mạo mới cho du lịch thành phố; là các nguồn khách mới rất tiềm năng sẽ đến Đà Nẵng bằng cả đường hàng không, đường bộ và đường biển…

Để khai thác tối đa được dư địa này cần có các quy hoạch tổng thể phát triển du lịch thành phố, có các chiến lược phát triển trong dài hạn, sự chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo thành phố và việc khai thông, phối hợp nhiều nguồn lực từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Hiện nay, ngành du lịch thành phố đang nỗ lực phục hồi tăng trưởng sau những tác động rất lớn của Covid-19. Hy vọng, du lịch Đà Nẵng sẽ tiếp tục khởi sắc mạnh mẽ hơn để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Giai đoạn 2016-2019, ngành du lịch có sự phát triển mạnh mẽ với nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch có chất lượng, được du khách đánh giá cao. Các chí tiêu tăng trưởng đều vượt bậc; tốc độ tăng trưởng bình quân về khách du lịch đến Đà Nẵng trong giai đoạn 2016-2019 đạt 16,73%; tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng thu du lịch giai đoạn 2016-2019 đạt 24,6%. Đóng góp của ngành du lịch vào GRDP thành phố hằng năm đều tăng và chiếm tỷ trọng lớn. Cụ thể, năm 2016 là 23,72%; năm 2017 là 24,1%; năm 2018 là 26,35% và năm 2019 là 31,4%. Ngành du lịch thành phố cũng tạo ra nhiều việc làm với 50.963 lao động trong năm 2019, tăng gấp 2,2 lần so với năm 2016.

NHẬT HẠ

.