Ngành thương mại (nay là công thương) Đà Nẵng gặt hái nhiều thành công song cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Để phát triển tương xứng với vị thế là trung tâm kinh tế trọng điểm của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, thành phố sẽ tiếp tục phát huy thành quả đạt được, chú trọng lựa chọn những đột phá mới để phát triển.
25 năm qua, ngành thương mại thành phố có những bước phát triển đột phá năng động. TRONG ẢNH: Trung tâm thương mại Vincom (quận Sơn Trà) tọa lạc ở vị trí đắc địa, là một trong những điểm tham quan, mua sắm, vui chơi của người dân và du khách. Ảnh: QUỲNH TRANG |
Nhiều đổi thay về thương mại,dịch vụ
Năm 1997 là năm mà Việt Nam chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tiền tệ, sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại cả nước gặp rất nhiều thách thức, khó khăn. Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII (nhiệm kỳ 1997-2000) đã đánh giá đúng thắng lợi đạt được và dự báo khó khăn, đề ra mục tiêu sát với thực tiễn của thành phố, trong đó phát triển công nghiệp được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Qua các nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ thành phố, tầm quan trọng của phát triển công nghiệp - thương mại dịch vụ tiếp tục được khẳng định, tạo thế và lực mới cho sự phát triển của ngành công thương thành phố.
Còn nhớ, cách đây chừng 10 năm, người tham gia giao thông trên tuyến quốc lộ 14B (đoạn phía trước UBND xã Hòa Khương) luôn gặp cảnh chợ tự phát, người bán, người mua nhốn nháo, tràn ra lòng đường. Dù được chính quyền địa phương yêu cầu vào họp chợ phía bên trong đường nhưng vì vị trí không thuận lợi, đường nhỏ nên hộ kinh doanh không chịu vào.
Giờ đây, nếu có dịp ghé chợ Hòa Khương, hẳn những người khách vãng lai năm xưa không tránh khỏi sự trầm trồ bởi đình chợ khang trang, sạch sẽ. Theo UBND huyện Hòa Vang, hiện trên địa bàn huyện có hơn 19 chợ hoạt động khá ổn định, trong đó có ba chợ hạng 2 là chợ Túy Loan (xã Hòa Phong), chợ Miếu Bông (xã Hòa Phước) và chợ Lệ Trạch (xã Hòa Tiến) quy mô hơn cả.
Hầu hết các chợ trước đây được hình thành nơi trục đường có mật độ xe qua lại nhiều, đơn cử như chợ Mới Ba Xã cũ (trên quốc lộ 1A). Đến nay, chợ Mới Ba Xã (mới) được dời vào khu tái định cư đã giải quyết tình trạng mất an ninh trên tuyến quốc lộ 1A. Với các chợ ở trung tâm thành phố như chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa thì sự đổi thay không chỉ về diện mạo, cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ mà nay đã khác biệt về nét văn hóa, văn minh của con người Đà Nẵng.
Điều này thể hiện rõ nhất khi du khách đến tham quan và mua sắm tại các chợ sẽ không còn bị chen lấn, chặt chém mà thay vào đó là hệ thống các quầy hàng được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, lối đi thông thoáng, giá cả niêm yết công khai. Có thể nhận thấy các chợ ở Đà Nẵng, đặc biệt là những chợ truyền thống quen thuộc với khách du lịch thì việc quản lý và ý thức của các tiểu thương đã được đổi mới.
Theo Sở Công Thương thành phố, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ Đà Nẵng những năm qua có tốc độ tăng trưởng khá cao. Số liệu cho thấy, mức bán lẻ chia bình quân đầu người của Đà Nẵng vượt qua Hà Nội và chỉ đứng sau Thành phố Hồ Chí Minh. Song song với quá trình chỉnh trang đô thị, hạ tầng thương mại trên địa bàn thành phố từng bước được đầu tư đồng bộ; các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tự chọn phân phối theo chuỗi với phương thức mua bán mới, hiện đại văn minh tham gia vào hệ thống phân phối thành phố như: Siêu thị Lotte Mart, Trung tâm Thương mại Indochina, Vincom, Mega Market... Hiện thành phố có 8 Trung tâm thương mại, 71 siêu thị, hơn 400 cửa hàng tiện lợi, tự chọn và 74 chợ các loại, trong đó có 8 chợ loại 1).
Kỳ vọng trở thành trung tâm thương mại đầu tàu
Những năm gần đây, Đà Nẵng được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá là môi trường kinh doanh tiềm năng. Đón đầu cho sự phát triển, thành phố đã quy hoạch trong lĩnh vực thương mại bán lẻ với việc hình thành chợ đêm Sơn Trà và 15 tuyến phố chuyên doanh: phố chuyên doanh mua sắm thời trang Phan Châu Trinh, Lê Duẩn; phố ẩm thực Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Hồng Thái, Lê Thanh Nghị; phố cây cảnh, thủ công mỹ nghệ Nguyễn Đình Tựu; tuyến phố bán hàng lưu niệm Huyền Trân Công Chúa; tuyến phố hải sản Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp...
Ngoài ra, việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư các điểm vui chơi đã góp phần thu hút du khách đến với không gian ẩm thực Ngũ Hành, khu ăn uống giải trí đêm Helio, khu phố tây An Thượng… Hoạt động xúc tiến thương mại cũng được chú trọng và mở rộng hơn, đóng vai trò nòng cốt trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, giới thiệu sản phẩm làm ra thông qua các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế, các chương trình tuyên truyền, quảng bá sản phẩm...
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được tổ chức với nhiều hình thức, đạt kết quả tích cực; công tác kết nối cung cầu được quan tâm chú trọng, bước đầu tạo mối liên kết tiêu thụ hàng hóa của nhau giữa các doanh nghiệp khu vực miền Trung - Tây Nguyên và một số tỉnh, thành trong cả nước. Năm 2020, Đà Nẵng có 3 doanh nghiệp đạt danh hiệu thương hiệu quốc gia gồm: Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ (với các sản phẩm áo sơ-mi, quần kaki nam, veston Merriman), Công ty CP Dược Danapha (sản xuất đông dược), Công ty CP Cao su Đà Nẵng (sản xuất, kinh doanh săm lốp cao su và các sản phẩm từ cao su).
Hưởng ứng chương trình của Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh trong và hậu Covid-19, ngành công thương Đà Nẵng tập trung hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thành phố nâng cao nhận thức và chuyển đổi số thành công, tăng hiệu quả sản xuất và kinh doanh.
Tính đến nay, 85,27% doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cập nhật thường xuyên thông tin giới thiệu và bán sản phẩm của doanh nghiệp trên internet, 75,02% doanh nghiệp thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua thư điện tử, 23% đặt hàng trên nền tảng di động, ngoài ra, có đến 7,46% doanh nghiệp có nhận đặt hàng thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại thực hiện lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng.
Tuy nhiên, Đà Nẵng rất cần một chiến lược thương mại và dịch vụ theo hướng kinh tế mở - một chiến lược nhằm làm cho thành phố nhanh chóng bứt phá, trở thành một trong những trung tâm giao lưu kinh tế lớn nhất cả nước, có sức hấp dẫn, lôi cuốn khách hàng trong và ngoài nước.
Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương nhìn nhận, vào những thập niên đầu của thế kỷ 21 - thế và lực của Việt Nam sẽ khác hẳn và có lợi thế hơn so với thập kỷ qua. Đó là Việt Nam đã có quan hệ song phương và đa phương với hơn 200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới; là thành viên chính thức của các tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và đã ký Hiệp định song phương về thương mại với nhiều nước như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA)...
Ngành công thương phát triển sẽ góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, nâng cao đời sống nhân dân. Đà Nẵng có vị trí quan trọng, phải sớm trở thành một thị trường cạnh tranh và liên kết, một thị trường phong phú, sống động, vừa phục vụ việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của thành phố, vừa góp phần định hướng và dẫn dắt sự phát triển thị trường của khu vực.
QUỲNH TRANG