Thích ứng linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh

.

Trước tình hình số lượng công nhân là F0 tăng, nhiều doanh nghiệp chủ động và linh hoạt trong điều tiết kế hoạch sản xuất, kinh doanh cũng như bố trí nguồn lao động hợp lý nhằm bảo đảm tiến độ đơn hàng.

Các doanh nghiệp chủ động các phương án phòng, chống dịch để ổn định sản xuất.  Trong ảnh: Công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam.Ảnh: KHÁNH HÒA
Các doanh nghiệp chủ động các phương án phòng, chống dịch để ổn định sản xuất. TRONG ẢNH: Công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam. Ảnh: KHÁNH HÒA

Không phát sinh điểm “nóng”

Từ sau Tết đến nay, nhiều doanh nghiệp ở Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCNC&CKCN) thường xuyên ghi nhận các ca nhiễm F0 và trường hợp F1 phải thực hiện cách ly tại nhà. Tính từ tháng 1 đến nay, Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) có nhiều trường hợp là F0 và F1 phải cách ly tại nhà.

Ông Nguyễn Văn Phu, Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam, cho biết hầu hết các ca nhiễm đều là lao động ngoại tỉnh, bản thân là F0 hoặc có người thân trong gia đình là F0. Do xuất hiện các ca F0 cũng như công nhân nằm trong diện F1, đều phải thực hiện cách ly tại nhà nên dẫn tới có thời điểm doanh nghiệp thiếu hụt lao động. Hiện doanh nghiệp vẫn duy trì việc xét nghiệm 1 lần/tuần cho toàn bộ công nhân đang tham gia lao động nhằm xử lý kịp thời khi phát hiện ra các ca F0 và F1.

Tại Công ty CP M Pack (KCN Hòa Khánh), hoạt động sản xuất vẫn bảo đảm ổn định dù đang có 7 trường hợp F0 và một số ca F1 đang cách ly. Công ty thực hiện đồng bộ việc test mỗi tuần để nhanh chóng phát hiện và xử lý; đồng thời giãn cách chỗ ngồi ở các phân xưởng sản xuất và cho luân phiên làm việc tại nhà đối với đội ngũ văn phòng; chia ca bữa ăn với quy định mỗi công nhân chỉ ngồi một bàn và bàn ăn có vách ngăn.

“Chúng tôi lập sẵn một phòng cách ly tạm thời, khi phát hiện các trường hợp F0 sẽ tạm thời cách ly ở đó và liên hệ hỗ trợ từ cơ sở y tế đã có hợp đồng trước. Doanh nghiệp chủ động và linh hoạt trong việc xử lý khi phát sinh các ca F0 để vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động cũng như duy trì hoạt động sản xuất. Đồng thời có chế độ hỗ trợ 50% ngày lương đối với các lao động thuộc trường hợp F1 phải cách ly ở nhà nhưng đã hết phép theo quy định”, bà Phạm Thị Hòa Bình, Giám đốc Công ty CP M Pack, cho hay.

Chủ động và linh hoạt trong việc phát hiện, xử lý, hướng dẫn tự chăm sóc sức khỏe cho công nhân F0 khi cách ly ở nhà là giải pháp được nhiều doanh nghiệp ở KCNC&CKCN trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện thời gian qua khi số lượng F0 tăng lên đáng kể, nhằm vừa bảo đảm giữ ổn định hoạt động sản xuất, vừa nhanh đón người lao động quay trở lại với công việc.

Tuy nhiên, đối với một số doanh nghiệp có số lượng công nhân là F0 và F1 lớn, việc cách ly kéo dài dẫn đến tình trạng thiếu lực lượng sản xuất là điều khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phản ánh việc công nhân khi thực hiện cách ly ở nhà không còn được hưởng chế độ bảo hiểm như trước cũng ảnh hưởng đến tâm lý người lao động.

Ông Trần Văn Tỵ, Phó ban quản lý KCNC&CKCN, cho biết tình hình hoạt động sản xuất tại KCNC&CKCN vẫn giữ sự ổn định, do hầu hết công nhân được tiêm vắc-xin cộng với việc phát hiện sớm, cách ly kịp thời nên hạn chế được việc lây nhiễm. Hiện giờ nếu xuất hiện các ca nhiễm sẽ được xử lý ngay, vì các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch và ý thức của công nhân, người lao động cũng được nâng cao nên phối hợp rất nhịp nhàng với đơn vị chủ quản.

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động

Thông tin từ Ban quản lý KCNC&CKCN thành phố, trước tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, Ban quản lý phối hợp các ngành chức năng triển khai hệ thống phần mềm phục vụ phòng, chống, đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trực tuyến trên hệ thống của ban quản lý theo địa chỉ https://danang.atalink.com.

Đồng thời thành lập trạm y tế lưu động  tại KCN Đà Nẵng (quận Sơn Trà) và KCN Liên Chiểu (quận Liên Chiểu) từ cuối tháng 1, làm điểm kết nối công tác xét nghiệm, phát hiện các trường hợp F0 cũng như chăm sóc y tế cho người lao động theo nhu cầu của doanh nghiệp. Hiện nay, đã có 90% công nhân làm việc tại KCNC&CKCN đã tiêm vắc-xin mũi 3; dự kiến đến đầu tháng 3 sẽ phủ sóng toàn bộ 100%.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về việc thiết lập điểm tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 tại khu công nghiệp, Ban quản lý phối hợp Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, Công ty TNHH Massda Land và các đơn vị liên quan khảo sát và thống nhất lựa chọn địa điểm tại dự án của Chi nhánh Công ty TNHH Phần mềm FPT tại thành phố Đà Nẵng, đường số 1 (KCN Đà Nẵng) làm địa điểm tiêm chủng cho người lao động tại KCN trên địa bàn quận Sơn Trà.

Thông tin từ ông Nguyễn Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Massda Land (đơn vị quản lý KCN Đà Nẵng), hiện có 43 doanh nghiệp trong KCN Đà Nẵng vẫn duy trì hoạt động sản xuất như bình thường, việc phủ vắc-xin mũi 2 và sắp tới là mũi 3 đã góp phần quan trọng tăng sức đề kháng cho người lao động và doanh nghiệp, hạn chế hiệu quả việc lây lan cũng như diễn tiến nhanh của bệnh khi có các ca F0.

Ngoài ra, việc Ban quản lý KCNC&CKCN phối hợp các ngành chức năng thành lập trạm y tế lưu động trong khuôn viên của khu công nghiệp Đà Nẵng đã hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều trong việc xử lý các ca nhiễm F0 và chữa trị kịp thời.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Phu, Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam chia sẻ, ​​​mặc dù hoạt động sản xuất của doanh nghiệp được duy trì ổn định nhưng khó khăn lớn nhất, ngoài việc thiếu nguồn lao động do số lượng công nhân trong diện F0 và F1 phải cách ly tại nhà lớn thì theo quy định mới, trường hợp F0 không còn nằm trong diện ca bệnh để được hưởng các chế độ về bảo hiểm xã hội, tiền lương cũng là vấn đề gây tâm lý cho người lao động cũng như đối với ban quản lý doanh nghiệp. “Nên chăng, với việc phủ sóng vắc-xin mũi 3 và người lao động khi xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 nhưng có triệu chứng không quá nặng và trường hợp F1 vẫn để cho họ đi làm bình thường, thay vì cách ly một tuần như hiện nay sẽ hợp lý hơn”, ông Phu đề xuất.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.