Kinh tế
Xăng, dầu liên tục tăng giá: Doanh nghiệp vận tải gặp khó
Giá xăng, dầu tăng liên tục khiến cho các lĩnh vực, ngành nghề chịu ảnh hưởng, trong đó doanh nghiệp vận tải chịu sức ép rất lớn, nhất là trong thời điểm các doanh nghiệp mới bắt đầu phục hồi sản xuất, kinh doanh trở lại.
Giá xăng tăng khiến các doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn. Ảnh: THÀNH LÂN |
Cước vận tải sẽ tăng
Ông Hồ Khả Quốc (Trưởng phòng Vận tải, Công ty CP Container Miền Trung, quận Hải Châu) tính toán: “Trung bình 1 chuyến xe container từ Đà Nẵng ra Huế tiêu thụ 100 lít dầu diesel (dầu diesel tăng thêm 510 đồng/lít, từ mức 20.800 đồng/lít lên 21.310 đồng/lít từ chiều 1-3), tức là cứ mỗi chuyến hàng, chúng tôi tốn thêm 50.000 đồng. Trong khi đó, một ngày công ty chạy 100 chuyến, tổng cộng chi phí tăng thêm 5 triệu đồng.
Chưa kể, giá cước vận tải không dám “nhúc nhích”, bởi khách hàng than gặp khó vì dịch bệnh. Doanh nghiệp chấp nhận gồng mình chịu lỗ trong ngắn hạn nhưng cứ đà tăng như thế này thì sắp tới, buộc lòng phải tính toán để điều chỉnh tăng”.
Tương tự, ông Võ Bá Huân (Giám đốc Trung tâm Dạy nghề lái xe ô-tô, mô-tô Miền Trung, quận Cẩm Lệ) cho biết: “Theo quy định, mỗi học viên học lái xe phải tập luyện quãng đường 1.100km, tương đương 100-110 lít xăng, khoảng 2,6 triệu đồng.
Tuy nhiên, với mức tăng lần tăng thứ 6 liên tiếp của giá xăng trong nước từ giữa tháng 12-2021 đến nay lên sát ngưỡng 27.000 đồng/lít chiều 1-3 thì chi phí xăng xe cho mỗi học viên tăng lên 3 triệu đồng/người. Như vậy, trong thời gian sắp tới, các trung tâm dạy nghề lái xe buộc phải tăng học phí để bù vào chi phí xăng, dầu. Cuối cùng thì người tiêu dùng cũng là người chịu thiệt hại nhất”.
Theo ông Tô Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng, trong hoạt động của doanh nghiệp logistics, xăng, dầu chiếm 38-45% trong cơ cấu giá cước. Do vậy, khi giá xăng, dầu được điều chỉnh thì lập tức tác động đến hoạt động của doanh nghiệp, gây áp lực rất lớn đến chi phí vận hành. Hiện nhiều doanh nghiệp vận tải đã ký kết hợp đồng dài hạn đến hết năm 2022, điều này tưởng là tín hiệu tích cực nhưng lại khiến các doanh nghiệp lo lắng.
Nguyên nhân là giá xăng dầu đã vượt hơn 20% so với định biên chi phí của các doanh nghiệp đã ký kết so với cuối năm 2021, vì vậy chi phí tăng nhưng doanh nghiệp vận tải phải bù lỗ để giữ giá quy định trên hợp đồng. Một số doanh nghiệp vận tải lớn có thể ký kết thêm điều khoản điều chỉnh hợp đồng theo biến động xăng, dầu, song cũng chỉ ở mức 10%. Trước bối cảnh này, hiệp hội mong muốn Chính phủ cũng như các bộ, ngành tăng cường thực hiện các giải pháp bình ổn giá xăng, dầu.
Tác động tiêu cực đến thị trường
Hiện một lít xăng, dầu bán ra thị trường phải gánh 4 loại thuế: giá trị gia tăng: 10%, nhập khẩu: 10%, tiêu thụ đặc biệt: 10% và bảo vệ môi trường: 3.800 - 4.000 đồng/lít. Bộ Công Thương cho rằng, tỷ trọng các loại thuế, phí trong giá cơ sở các mặt hàng xăng chiếm 42,7-43,2%, với mặt hàng dầu là hơn 21-27%. Ngoài các loại thuế, giá xăng, dầu trong nước đang gánh các chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, trích quỹ bình ổn giá xăng, dầu…
Đặc biệt, với các lĩnh vực ngành sử dụng nhiều xăng, dầu, xem nguyên liệu như yếu tố đầu vào quyết định như hoạt động vận tải đường bộ, đường sắt, đường không, đường biển, giá xăng dầu tăng sẽ tác động rất tiêu cực lên hoạt động kinh doanh và tỷ suất lợi nhuận.
Ông Ngô Bảo Thiên (Thư ký Hiệp hội Vận chuyển du lịch Đà Nẵng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vận tải du lịch và dịch vụ thương mại Long Hiền) cho biết, giá xăng, dầu chiếm khoảng 40% chi phí vận hành của các công ty vận chuyển du lịch.
Hiện nay, khách du lịch chưa nhiều nên các doanh nghiệp khó lấy chi phí dịch vụ khác để bù vào chi phí xăng, dầu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vận chuyển du lịch hoạt động theo thời vụ, không ký kết hợp đồng dài hạn với các công ty lữ hành vì giá xăng, dầu liên tục thay đổi. Thời điểm này, nền kinh tế chỉ mới bắt đầu phục hồi nhưng doanh nghiệp dịch vụ gặp rất nhiều khó khăn vì các loại chi phí đều tăng cao mà nguyên nhân chính là do giá xăng, dầu tác động.
Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Taxi thành phố cho hay, hiện các công ty taxi đều phải hỗ trợ, trích thêm phần trăm lợi nhuận cho lái xe vì giá xăng, dầu quá cao. Trải qua nhiều đợt dịch, đến nay, hoạt động của các công ty taxi đã giảm 60-70% cả về doanh thu lẫn nhân lực, rất nhiều tài xế đã chuyển đổi ngành nghề sang lĩnh vực khác. Ông Tâm nhận định, nếu giá xăng, dầu tiếp tục tăng kỷ lục như hiện nay và sắp tới thì khó có tài xế taxi nào tiếp tục bám trụ. Trong khi đó, kể cả xe không lăn bánh vẫn phải chịu nhiều chi phí như: phí đường bộ, phí bảo dưỡng, phí đậu đỗ ở bãi xe…
Dưới góc độ các doanh nghiệp bán lẻ, tác động lớn nhất ở đây là chi phí xăng, dầu tăng dẫn đến gia tăng chi phí về vận tải, cung ứng hàng hóa. Trong cấu trúc chi phí của chuỗi cung ứng hàng hóa ở Việt Nam, chi phí vận tải chiếm tỷ lệ rất lớn khoảng 1/3. Nay dưới tác động xăng dầu, chi phí này có thể tiếp tục đẩy lên, dẫn đến giá đầu vào gia tăng gây sức ép cho khâu thu mua hàng hóa. Cuối cùng thì người tiêu dùng cũng là người chịu thiệt hại nhất.
QUỲNH TRANG - MAI QUẾ
Niêm yết số điện thoại đường dây nóng tại các cửa hàng xăng, dầu Ngày 2-3, Cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố cho biết vừa tổ chức niêm yết số điện thoại đường dây nóng tại các cửa hàng xăng, dầu trên địa bàn để tiếp nhận thông tin phản ánh về các hành vi kinh doanh xăng, dầu vi phạm pháp luật. Theo đó, cá nhân, tổ chức phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn có thể liên hệ các số điện thoại đường dây nóng (thường trực 24/7) của Cục QLTT Đà Nẵng như sau: Quận Hải Châu: 0905 805 379; quận Thanh Khê: 0945 449 878; quận Liên Chiểu: 0946 852 233; quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn: 0913 496 072; quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang: 0906 511 479. Ngoài ra, QLTT yêu cầu các điểm kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn không đưa tin thất thiệt về thị trường, giá cả hàng hóa; không gian lận về giá; không lợi dụng tình hình dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý; không đầu cơ, găm hàng; không lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa nhằm bán lại thu lợi bất chính. HẢI ÂU |