Kinh tế
Giá vàng giao ngay giảm gần 2% trong tuần qua
Mặc dù khởi đầu tuần khá thuận lợi khi leo lên mức cao nhất một tháng, giá vàng lại khép lại một tuần giao dịch đi xuống do những quan ngại về khả năng lãi suất của Mỹ tăng cao, giữa lúc đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đồng loạt mạnh lên.
Các sản phẩm thủ công chế tác từ vàng được bày bán tại một khu chợ ở thành phố Gaza. Ảnh minh họa: THX/TTXVN |
Cuộc xung đột Nga-Ukraine và sức ép lạm phát gia tăng trên toàn cầu làm vai trò “thiên đường trú ẩn an toàn” của vàng càng trở nên nổi bật. Đó cũng là nhân tố chính nâng đỡ giá vàng trong 6 trên 7 phiên giao dịch tính đến ngày 19-4. Đáng chú ý, trong phiên đầu tuần (ngày 18-4), giá vàng thế giới áp sát ngưỡng 2.000 USD/ounce, chạm mức cao nhất trong một tháng.
David Meger, Giám đốc mảng giao dịch kim loại tại tổ chức tài chính High Ridge Futures (Mỹ), cho biết: “Sự gia tăng căng thẳng trong quan hệ Nga-Ukraine với áp lực lạm phát trên diện rộng đã thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn đối với vàng”. Ông nói thêm, lo ngại về tác động kinh tế từ các hạn chế liên quan tới đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc cũng hỗ trợ giá kim loại quý này.
Mặc dù lo ngại về lạm phát tăng cao thúc đẩy sức hút của vàng, vốn được coi như một “hàng rào” chống lạm phát, song việc tăng lãi suất để kiềm chế giá cao hơn có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đối với mặt hàng này vì nó khiến chi phí cơ hội cao hơn khi nắm giữ vàng vốn không sinh lời.
Do vậy, đà tăng của giá vàng dường như chững lại trong các phiên giao dịch liền sau đó.
Phát biểu tại một hội nghị do Quỹ Tiền tệ Quốc tế tổ chức tại Washington D.C. ngày 21-4, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Jerome Powell, cho rằng cần tăng lãi suất với tốc độ nhanh hơn. Động thái này đã gây sức ép giảm cho giá vàng.
Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco Mary Daly dự báo lạm phát sẽ bắt đầu giảm và ở mức mục tiêu 2% của Fed trong 5 năm. Các nhà giao dịch Fed Fund Futures dự đoán lãi suất sẽ tăng lên 2,8% trong tháng 2-2023 từ mức 0,33% hiện nay.
Tới phiên giao dịch cuối tuần ngày 22-4, giá vàng tiếp tục hạ 1% với những dấu hiệu ngày càng rõ nét cho thấy Fed sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn dự kiến, qua đó thúc đẩy lợi suất trái phiếu và đồng USD đi lên.
Kết thúc phiên giao dịch này, giá vàng giao ngay lùi 0,8% xuống 1.936,14 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp nhất hai tuần vào đầu phiên. Tính chung cả tuần qua, mặt hàng này giảm 1,9%. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn mất 0,5%, xuống còn 1.938,7 USD/ounce.
Jim Wycoff, chuyên gia phân tích cấp cao tại Kitco, nhận định: “Vàng - kim loại trú ẩn an toàn - đang cần một yếu tố cơ bản mới có thể gia tăng lo ngại của nhà đầu tư, và điều đó không xảy ra. Sự đi ngang buồn tẻ mà chúng ta đang thấy đã dẫn đến một số hoạt động bán ra dựa trên biểu đồ kỹ thuật”.
Chủ tịch Fed Jerome Powell ngày 21-4 cho biết, việc nâng lãi suất Mỹ thêm 0,5 điểm phần trăm sẽ “được thảo luận” khi cơ quan này nhóm họp vào tháng Năm tới. Điều này cho thấy ngân hàng này có thể hành động mạnh tay hơn để kiềm chế lạm phát gia tăng.
Quan điểm “diều hâu” này đã giúp lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm nới rộng đà tăng và cũng thúc đẩy chỉ số đồng USD cao hơn.
Trên thị trường vàng vật chất, các đại lý tại Ấn Độ đã giảm chiết khấu trong tuần này khi nhu cầu tăng nhẹ sau khi giá giảm, trong khi diễn biến ở Trung Quốc - thị trường tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới vẫn còn im ắng vì dịch Covid-19.
Cũng trong phiên này, giá bạc giao ngay giảm 1,5%, xuống 24,26 USD/ounce, ghi nhận tuần giảm giá mạnh nhất kể từ cuối tháng 1-2022 khi mất 5%. Giá bạch kim cũng hạ 3,8%, xuống 931,42 USD/ounce, còn giá palladium giảm 1,7%, xuống 2.381,44 USD/ounce.
Theo Báo Tin tức