Kinh tế

Quyết tâm hoàn thành 2.500km đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào năm 2025

09:08, 20/04/2022 (GMT+7)

Năm 2022, Chính phủ đặt ra mục tiêu hoàn thành, đưa vào khai thác 4 đoạn cao tốc Bắc - Nam gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây với tổng chiều dài 361 km. Phấn đầu đến năm 2025 hoàn thành toàn tuyến 2.500km đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đảm bảo tiến độ cán đích trước 3 tháng. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN
Tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đảm bảo tiến độ cán đích trước 3 tháng. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Các dự án triển khai rất thuận lợi

Ngày 19-4, Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 118-TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại buổi kiểm tra tình hình triển khai Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Thông báo nêu rõ: Qua kiểm tra hiện trường đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và báo cáo của Bộ Giao thông vận tải cho thấy: Tiến độ xây lắp của 2 Dự án thành phần (Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Cam Lộ - La Sơn) cơ bản đáp ứng yêu cầu (đoạn Cam Lộ - La Sơn đã đạt 81,8%, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 đạt 57,5%).

Trên công trường đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, tinh thần, khí thế lao động tập trung cao, các hạng mục công trình lớn như: Hầm Tam Điệp, hầm Thung Thi, cầu Núi Đọi và toàn bộ nền đường đã dần được hình thành.

Đối với 2 tuyến còn lại (Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây) đạt 32-38,5% giá trị hợp đồng, trong đó đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết chậm 13,3% giá trị hợp đồng (chậm 2 tháng so với kế hoạch), do đó cần phải cố gắng, quyết tâm hơn nữa.

Phó Thủ tướng hoan nghênh, biểu dương Bộ Giao thông vận tải (GTVT), các Ban quản lý dự án, nhà thầu của 4 dự án đã cố gắng, nỗ lực, khắc phục những khó khăn, vướng mắc thời gian qua. Lãnh đạo Bộ GTVT chỉ đạo thường xuyên, cụ thể tại hiện trường; các Ban Quản lý dự án chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp điều hành sâu sát, quyết liệt.

Về tổng thể, các dự án rất thuận lợi, trong đó giải phóng mặt bằng cơ bản xong (đạt 99,99%), nguồn vốn đã được bố trí đủ… Tuy nhiên, hiện còn một số tồn tại như: Tại dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết tỉnh Bình Thuận còn một số công trình hạ tầng kỹ thuật chưa được di dời, còn thiếu 0,9 triệu m3 tại 2 mỏ chưa được cấp phép; giá nhiên, vật liệu tăng cao…

Chính phủ đã thông qua mục tiêu trong năm 2022 hoàn thành, đưa vào khai thác 4 đoạn: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây với tổng chiều dài 361 km. Đây là tiền đề rất quan trọng để bảo đảm đến năm 2025 hoàn thành 2.500km đường bộ cao tốc. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan phải tập trung, nỗ lực cao hơn nữa trong thời gian tới để giải quyết triệt để một cách khách quan, đúng theo quy định pháp luật, quyết tâm phải hoàn thành mục tiêu này.

Bộ Xây dựng phát huy kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành về quản lý chi phí xây dựng, trong đó có giá vật tư, vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng…, khẩn trương thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2360-VPCP-CN ngày 15-4-2022 về biến động giá nhiên, vật liệu đối với các dự án công trình xây dựng giao thông để tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu khó khăn cho các nhà thầu xây dựng phù hợp với điều kiện thực tế và quy định của pháp luật.

Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra hiện trường, chấn chỉnh kịp thời các đơn vị không thực hiện đúng quy định trong quá trình thực hiện Dự án theo nhiệm vụ giao tại Thông báo số 71/TB-VPCP ngày 14-3-2022.

Kiểm soát chặt chất lượng đường bộ

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải đánh giá kinh nghiệm thời gian qua, tiếp tục phát huy phương thức, cách làm hiệu quả như: Bám sát công trường, phối hợp chặt chẽ với địa phương; chỉ đạo các cơ quan đánh giá tiến độ theo cam kết của nhà thầu, chỉ đạo Ban quản lý dự án dứt khoát điều chuyển khối lượng, thay thế nhà thầu không đủ năng lực…; tiếp tục kiểm soát khối lượng từng ngày, từng gói thầu, từng tuyến để kịp thời đưa ra giải pháp phù hợp, kiên quyết xử lý thật nghiêm Ban Quản lý dự án, nhà thầu vi phạm cam kết và hợp đồng đã ký.

Các Ban Quản lý dự án phải tiếp tục điều hành, quản lý quyết liệt, sâu sát, dứt điểm từng việc…; phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về tiến độ, chất lượng công trình theo đúng cam kết. Các Ban Quản lý dự án đặc biệt lưu ý phải bảo đảm chất lượng công trình, dự án lên hàng đầu, không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng; chất lượng công trình gắn với trách nhiệm của từng cá nhân; Ban Quản lý dự án cùng với Tư vấn giám sát, kỹ thuật viên phải kiểm tra thường xuyên, liên tục… bảo đảm tuân thủ đúng quy trình quy phạm, hồ sơ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật…

Các đơn vị tư vấn, Nhà thầu phải nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ cũng như vinh dự trong triển khai dự án, công trình trọng điểm quốc gia.

Thời gian tới, tiếp tục chủ động khắc phục khó khăn đồng thời phải tận dụng tối đa điều kiện thời tiết thuận lợi, tăng ca, tăng kíp, bổ sung trang thiết bị, nhân lực đi đôi động viên, khuyến khích để người lao động tích cực nỗ lực hơn nữa đẩy nhanh tiến độ, bù đắp khối lượng chậm… Song song với bảo đảm tiến độ, các đơn vị phải kiểm soát chặt về chất lượng, tuyệt đối không được để xảy ra sai phạm, thi công sai quy định ảnh hưởng đến chất lượng công trình, dự án.

Theo Báo Tin tức

.