Kinh tế
Tàu cá hạn chế vươn khơi do chi phí tăng cao
Chi phí nhiên liệu, nhân công, vật tư của mỗi chuyến biển tăng cao, giá bán thủy sản và sức tiêu thụ, đặc biệt là thủy sản có giá trị kinh tế thiếu ổn định… là nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều ngư dân lo lắng, thậm chí tạm dừng vươn khơi đánh bắt để neo đậu tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang.
Giá xăng, dầu tăng khiến nhiều ngư dân lo lắng khi vươn khơi đánh bắt. TRONG ẢNH: Một đơn vị đang cung cấp nhiên liệu cho tàu ra khơi. Ảnh: V. HOÀNG |
Mỗi ngày, tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà) có gần 50 chiếc tàu, thuyền xuất bến vươn khơi đánh bắt. Tuy nhiên, lượng tàu, thuyền neo đậu tại đây vẫn rất nhiều. Theo các ngư dân, thực trạng này trái ngược với cùng thời điểm của những năm trước. Nguyên nhân là do giá xăng, dầu từ đầu năm đến nay đã tăng liên tục nhiều đợt và hiện còn đang ở mức cao khiến nhiều chủ tàu lo lắng thu không đủ bù chi cho mỗi chuyến ra khơi.
Vừa cập bến vào ngày 23-3, ngư dân Nguyễn Đông, chủ tàu cá QNg 97847TS và QNg 97848TS đến từ tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đây là chuyến biển đầu tiên trong năm của anh và các bạn thuyền. So với những chuyến đánh bắt trước đây, chi phí cho nhiên liệu lên đến khoảng 650 triệu đồng. Bên cạnh đó, giá các loại thủy sản lại không cao khiến thu nhập của ngư dân bị ảnh hưởng.
“Trong chuyến đánh bắt vừa rồi, tôi xuất hành cả 2 tàu cá có công suất 900 CV nhưng chuyến này coi như lỗ vốn vì giá dầu thì cao mà giá cá lại thấp, sản lượng thủy sản đánh bắt không cao. Sau chuyến này, tôi cùng anh em sẽ về lại Quảng Ngãi và đợi giá dầu giảm mới dám vươn khơi đánh bắt”, ông Đông bày tỏ.
Cách đó không xa, các ngư dân trên chiếc tàu cá QNg 98307TS cũng đang tất bật vận chuyển cá lên chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang sau chuyến đánh bắt dài ngày. Tuy nhiên, ngư dân Trần Hùng, trú thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi cho hay, trong chuyến đánh bắt này, ông và các bạn thuyền “may mắn” hòa vốn. Cũng theo ông Hùng, từ sau Tết, giá dầu cao hơn các năm nhưng tàu của ông vẫn quyết ra khơi bám biển, đánh bắt. Tuy nhiên, với giá dầu như hiện nay, chi phí cho mỗi chuyến đánh bắt quá lớn khiến ngư dân bị lỗ nặng nên ông quyết định cho thuyền nằm ở âu thuyền và cảng cá Thọ Quang.
Trong khi đó, ngư dân Nguyễn Văn Tiếng (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) chia sẻ, cả 3 tàu đánh bắt thủy sản của gia đình ông vừa trở lại đất liền khoảng 1 tuần sau chuyến vươn khơi trong 20 ngày. Đợt này, sản lượng đánh bắt được không nhiều, ít loại cá có giá trị, chi phí dầu tăng lên khoảng 150 triệu đồng. Sau khi trừ hết chi phí thì chuyến đánh bắt này của ông Tiếng lỗ khoảng 50% số vốn đầu tư ban đầu cho chuyến đi biển. “Sắp đến, tôi sẽ tiếp tục vươn khơi. Chỉ mong giá dầu giảm bớt, giá cá tăng để chúng tôi có thêm thu nhập”, ông Tiếng bộc bạch.
Phó Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang Nguyễn Lại cho biết, hoạt động tại cảng cá và chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang trong những ngày qua vẫn bình thường. Trung bình mỗi ngày có khoảng gần 60 tàu cá xuất bến và nhập cảng với sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng lên đến 200 tấn/ngày. So với trước khi giá xăng, dầu tăng thì lượng tàu xuất/nhập cảng giảm không đáng kể bởi đây là thời điểm mùa vụ để ngư dân tranh thủ vươn khơi sản xuất.
Qua thống kê, hiện có khoảng 650 tàu, thuyền các loại neo đậu tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. Cũng theo ông Nguyễn Lại, một số tàu lưới kéo tiêu hao nhiều nhiên liệu gần như nằm bờ do chi phí dầu tăng cao. Bên cạnh đó, giá các loại thủy sản so với đầu năm vẫn không biến động do việc tiêu thụ tại các nhà hàng, khách sạn, cơ sở du lịch vẫn chưa phục hồi.
Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng Trần Văn Lĩnh cũng cho hay, do hoạt động du lịch vẫn chưa được phục hồi hoàn toàn nên các loại cá có giá trị cao không được nhiều đơn vị đặt mua khiến sản lượng tiêu thụ, giá thành thấp. Đặc biệt, giá xăng, dầu tăng cao gây ảnh hưởng rất nặng đối với hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản bởi chi phí xăng, dầu cho mỗi chuyến vươn khơi thường chiếm khoảng 40-50% tổng chi phí. Vì thế, ngư dân có nguy cơ cao bị lỗ và phải tạm dừng đánh bắt nếu giá xăng, dầu tiếp tục tăng cao.
“Thực tế, nhiều tàu đánh bắt xa bờ chỉ đi đủ số lượng chuyến đánh bắt được hỗ trợ dầu theo quy định của Chính phủ và về neo đậu để tránh lỗ. Tuy nhiên, điều này cũng khiến cho tàu, thuyền bị hư hỏng, chi phí bảo quản tăng cao. Vì vậy, Nhà nước cần có những chính sách để hỗ trợ ngư dân, chẳng hạn như: bỏ thuế môi trường trong xăng, dầu, thuế tiêu thụ đặc biệt để giảm giá xăng, dầu; thay đổi, tăng giới hạn hỗ trợ vượt hơn quy định 4 chuyến biển/năm như hiện nay…”, ông Trần Văn Lĩnh đề xuất.
VĂN HOÀNG