Sau 5 năm thực hiện Kết luận số 26-KL/TUQN-TUĐN ngày 27-4-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam và Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về hợp tác, hỗ trợ trên các lĩnh vực, sự nỗ lực của hai địa phương đã mang lại hiệu quả tích cực, thúc đẩy phát triển ngày càng mạnh mẽ.
Ngày 25-4-2022, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam ký kết chương trình hợp tác trong thời gian đến. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Phát huy tiềm năng, lợi thế
Kết luận số 26-KL/TUQN-TUĐN mở ra nhiều cơ hội để Quảng Nam và Đà Nẵng cùng phát huy lợi thế, tiềm năng. Nổi bật là đẩy mạnh hợp tác kết nối cung cầu phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo các phương thức liên doanh, liên kết nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước, thay thế nhập khẩu hoặc hướng đến xuất khẩu, đồng thời xây dựng và triển khai các dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ quy mô vùng.
Để triển khai sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, Sở Công Thương hai địa phương phối hợp Hội Cơ khí thành phố Đà Nẵng tổ chức đoàn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực cơ khí chế tạo của thành phố đến trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội liên kết, hợp tác với Công ty CP Ô tô Trường Hải. Đồng thời phối hợp Bộ Công Thương tổ chức hội nghị kết nối công nghiệp hỗ trợ có sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo điều kiện để các đơn vị hỗ trợ hợp tác, liên kết, chia sẻ thông tin... thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp lớn, các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cạnh đó, hai địa phương hợp tác xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm nông - lâm - thủy sản an toàn từ khâu sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến cửa hàng bán sản phẩm tại thành phố Đà Nẵng. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam, tỉnh đã triển khai xây dựng 8 chuỗi sản phẩm an toàn, cấp giấy xác nhận cho 3 chuỗi sản phẩm, trong đó có 2 chuỗi đã kết nối tiêu thụ tại Đà Nẵng. Tỉnh Quảng Nam luôn chú trọng hỗ trợ ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến, hệ thống truy xuất nguồn gốc thông minh để nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng hai địa phương.
Khai thác hiệu quả tài nguyên nước sông Vu Gia - Thu Bồn
Ông Phan Văn Bình, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết, để bảo đảm nguồn cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp , thời gian qua, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng phối hợp kiểm tra, giám sát việc vận hành các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Trong đó, thống nhất để Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng tiến hành đắp đập tạm tại sông Quảng Huế, qua đó phát huy hiệu quả trong việc chuyển nước về sông Vu Gia, bảo đảm cấp nước an toàn cho thành phố Đà Nẵng. “Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã phát huy tốt vai trò của Ban điều phối về Quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng trong công tác quản lý, khai thác nguồn nước các sông chảy qua 2 địa phương, bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp và nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt”, ông Bình nhấn mạnh.
Theo UBND thành phố Đà Nẵng, từ năm 2019 đến nay, hai địa phương phối hợp tổ chức đắp đập tạm bằng bao cát, nâng đỉnh đập trên sông Quảng Huế nhằm hạn chế lưu lượng nước chuyển từ sông Vu Gia về sông Thu Bồn qua sông Quảng Huế, tăng hiệu quả sử dụng nguồn nước về hạ lưu sông Vu Gia. Qua theo dõi tình hình hoạt động của công trình đập tạm, lượng nước về hạ du sông Vu Gia được cải thiện, góp phần ổn định nguồn nước cấp cho các trạm bơm hoạt động và hỗ trợ nguồn nước ngọt cho Nhà máy nước Cầu Đỏ.
Nhằm chủ động ứng phó với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và có giải pháp bền vững phòng, chống xâm nhập mặn trên sông Thu Bồn, ông Phan Văn Bình cho biết tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị các ban, bộ, ngành Trung ương tổ chức nghiên cứu, đề xuất giải pháp ngăn mặn. Trong khi đó, thành phố Đà Nẵng tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất ngoài khu công nghiệp có nguồn thải vào thượng lưu các sông. Đồng thời triển khai xây dựng bản đồ các nguồn thải chính trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn nhằm xác định chính xác vị trí các nguồn xả thải từ các khu đô thị, khu dân cư, khu du lịch, khu vui chơi giải trí, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề… thuộc hệ thống lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn phục vụ hiệu quả công tác quản lý và có giải pháp bảo vệ chất lượng nước sông, đáp ứng mục đích sử dụng nước khu vực hạ lưu.
Nâng tầm hợp tác, thúc đẩy liên kết vùng
Tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Kết luận số 26-KL/TUQN-TUĐN mới đây, lãnh đạo hai địa phương mong muốn tiếp tục hỗ trợ, hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đề nghị các ban, ngành hai địa phương, nhất là Sở Kế hoạch và Đầu tư, phối hợp chặt chẽ để xúc tiến quảng bá thu hút đầu tư nước ngoài, phối hợp phát triển kinh tế đêm. Đà Nẵng và Quảng Nam có nhiều lợi thế, vì vậy cần phối hợp để khai thác tiềm năng, trong đó chú trọng quảng bá hình ảnh, làm mới sản phẩm du lịch, đưa ngành du lịch hai địa phương phát triển.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng Bùi Hồng Trung cho biết, để thực hiện tốt hơn hoạt động quản lý, đầu tư phát triển các lĩnh vực quản lý của ngành giao thông vận tải, hai địa phương đã triển khai hợp tác nhiều nội dung quan trọng, trong đó nổi bật là quy hoạch và đầu tư hệ thống giao thông. Ông Bùi Hồng Trung cho biết, hiện nay tuyến cao tốc Đà Nẵng - Kon Tum nằm trong quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, Sở Giao thông vận tải thành phố đề nghị Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam nghiên cứu tham gia ý kiến đối với phương án sơ bộ về hướng tuyến, tạo thuận lợi cho công tác lập quy hoạch của hai địa phương cũng như phối hợp làm việc với Bộ Giao thông vận tải và các tỉnh thành khu vực Tây Nguyên có liên quan đến tuyến cao tốc, làm cơ sở đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét sớm bố trí kinh phí đầu tư.
Riêng đối với dự án cầu Quảng Đà và đường dẫn đầu cầu, Sở Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng đôn đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố khẩn trương đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư. Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam phối hợp UBND thị xã Điện Bàn hỗ trợ thành phố trong công tác khớp nối quy hoạch giữa dự án Đường vành đai phía bắc tỉnh Quảng Nam và dự án Cầu Quảng Đà và đường dẫn đầu cầu; chuẩn bị các thủ tục liên quan đến công tác đền bù giải tỏa, bố trí tái định cư để bảo đảm mặt bằng kịp thời, thuận lợi cho việc triển khai dự án.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường, với tiềm năng hợp tác rất đa dạng, việc nâng tầm hợp tác toàn diện là đòi hỏi tất yếu và là trách nhiệm của hai địa phương. Hy vọng thời gian đến, hai địa phương tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, khắc phục mọi trở lực, khó khăn, nâng cao chất lượng, mức độ hợp tác, hỗ trợ trên tất cả các lĩnh vực để ngày càng phát triển, trở thành đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và là địa phương phát triển của cả nước, góp phần nâng cao vị thế, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, với sự nỗ lực, quyết tâm của Ban Thường vụ, Ban cán sự Đảng UBND hai địa phương, thời gian qua, Đà Nẵng và Quảng Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt, góp phần vào sự phát triển chung. Thời gian tới, hai địa phương cần sớm đề xuất một số cơ chế chính sách thông suốt, triển khai các công trình, dự án trọng điểm như Dự án mở rộng quốc lộ 14B, dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò, dự án khu đô thị Đại học Đà Nẵng. “Chúng ta cần khẳng định vai trò của hai địa phương trong liên kết vùng vì đây là hai địa phương có thể làm tốt nhất vai trò liên kết vùng, kết nối được Hành lang kinh tế Đông - Tây theo đúng mục tiêu phát triển của Trung ương”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.
NGỌC PHÚ