Kinh tế

Rà soát quỹ đất tại các khu công nghiệp

06:38, 17/05/2022 (GMT+7)

Trong điều kiện quỹ đất tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố còn hạn chế, việc rà soát, xử lý đối với các dự án chậm tiến độ, chưa triển khai cũng như hướng tới mô hình phát triển phù hợp đang được đơn vị quản lý của các khu công nghiệp thực hiện.

Việc rà soát quỹ đất tại các khu công nghiệp nhằm phát huy năng lực của doanh nghiệp để hoạt động ngày càng hiệu quả. Trong ảnh: Đường vào  Khu Công nghệ cao Đà Nẵng (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang). Ảnh: M.QUẾ
Việc rà soát quỹ đất tại các khu công nghiệp nhằm phát huy năng lực của doanh nghiệp để hoạt động ngày càng hiệu quả. TRONG ẢNH: Đường vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang). Ảnh: M.QUẾ

 Xử lý các dự án chậm tiến độ

Theo Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (Ban quản lý), từ những kết quả của việc kiểm tra, xử lý các dự án chậm tiến độ, không triển khai, nhiều dự án bị nhắc nhở đã thực hiện thủ tục cấp phép đầu tư, xây dựng và đến nay đi vào hoạt động sản xuất có hiệu quả. Chẳng hạn như Công ty TNHH Thuận Phước với diện tích thuê đất 0,54ha; Công ty TNHH MTV Thường Thắng Đạt với diện tích thuê đất 1,5ha tại Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh (quận Liên Chiểu)…

Tuy nhiên, cũng có một số dự án, Ban quản lý đã triển khai thu hồi đất và cấp cho nhà đầu tư khác triển khai như: thu hồi 1,18ha đất thuê của Công ty CP Xây dựng điện Vneco 6  để bố trí cho Công ty TNHH Đà Nẵng Telala tại KCN Hòa Khánh; thu hồi 4,36ha đất thuê của Công ty TNHH MTV Thủy tinh miền Trung để bố trí cho Công ty CP Thép Dana-Ý; thu hồi 4,05ha trong 7,52ha đất thuê của Công ty CP Công nghiệp Hóa chất Đà Nẵng để bố trí cho Công ty TNHH Daiwa Việt Nam…

Một số doanh nghiệp khác thì chấm dứt hoạt động và bàn giao lại đất cho các chủ đầu tư, đơn vị quản lý. Ngoài ra, Ban quản lý đã phối hợp các cơ quan có thẩm quyền để xử phạt hành chính một số doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư, xử lý các trường hợp doanh nghiệp tự ý cho thuê lại nhà xưởng không đúng quy định.

Về mô hình phát triển của các KCN, sau khi Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được phê duyệt, Ban quản lý đang tiếp tục triển khai theo lộ trình đề án nghiên cứu giải pháp chuyển đổi ngành nghề các dự án thủy sản sang dịch vụ - thương mại tại KCN dịch vụ thủy sản Đà Nẵng (quận Sơn Trà).

Bên cạnh đó, Ban quản lý đang phối hợp Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam khảo sát các mô hình cộng sinh công nghiệp tại KCN Hòa Khánh để hướng đến chuyển đổi KCN Hòa Khánh theo mô hình KCN sinh thái. Thời gian đến, Ban quản lý tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động của dự án…

Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đang đẩy mạnh rà soát quỹ đất để sử dụng ngày càng hiệu quả. Trong ảnh: Sản xuất tại Nhà máy Trung Nam EMS, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng.  Ảnh: M.QUẾ
Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đang đẩy mạnh rà soát quỹ đất để sử dụng ngày càng hiệu quả. TRONG ẢNH: Sản xuất tại Nhà máy Trung Nam EMS, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: M.QUẾ

Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp

Ông Bùi Đức Lợi, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư KCN Hòa Cầm cho hay, với các dự án chậm triển khai, đơn vị sẽ tiến hành đôn đốc theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn, vướng mắc đang gặp phải để sớm triển khai dự án. Dự án chậm triển khai có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan nên việc đề xuất, kiến nghị biện pháp xử lý đối với các dự án chậm triển khai phải thận trọng.

Tương tự, ông Nguyễn Trọng Cường, Giám đốc Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng KCN Đà Nẵng - đơn vị quản lý KCN Hòa Khánh và KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng cho biết, việc thu hồi các dự án chậm triển khai sẽ tạo quỹ đất cho nhà đầu tư mới, hạn chế tình trạng đất bỏ hoang, lãng phí. Tuy nhiên, sau khi thu hồi, cần giải quyết thỏa đáng, bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp cũ và nhà đầu tư mới theo quy định của pháp luật, hỗ trợ doanh nghiệp làm thủ tục chuyển nhượng tài sản, dự án… hạn chế tối đa thiệt hại cho doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp chậm tiến độ, chưa triển khai hoạt động trong các KCN thuộc công ty quản lý, công ty đã xử lý đúng quy trình để thu hồi đất, đến nay đã hoàn thành việc bố trí cho các doanh nghiệp khác. Về mô hình phát triển của các KCN thuộc công ty quản lý, ông Cường thông tin thêm, hiện UBND thành phố đang tiếp tục tổng hợp ý kiến từ các sở, ban, ngành để có định hướng phù hợp nhất.

Theo ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, tỷ lệ lấp đầy của các KCN trên địa bàn thành phố đã đạt hơn 90%. Riêng KCN Liên Chiểu còn đất để cung cấp cho các nhà đầu tư. Trong điều kiện quỹ đất tại KCN còn eo hẹp, Ban quản lý đã tham mưu tích hợp quy hoạch các KCN vào Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, đầu tư phát triển các KCN với diện tích khoảng 2.326ha, gồm: KCN Hòa Cầm giai đoạn 1, Liên Chiểu; nâng cấp KCN Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng thành KCN sinh thái; KCN dịch vụ thủy sản Đà Nẵng; hình thành mới các KCN: Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Hòa Ninh.

Hiện Ban quản lý đang tiếp tục thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư 3 KCN mới, song song với xúc tiến, kêu gọi nhà đầu tư có năng lực, uy tín, kinh nghiệm để thực hiện đầu tư hạ tầng, khai thác và quản lý các KCN mới hiệu quả. Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung công tác thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại để phát huy hiệu quả quỹ đất.

MAI QUẾ

.