Kinh tế
Xây dựng trung tâm tài chính gắn với định hướng phát triển kinh tế
Tháng 3 vừa qua, UBND thành phố có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để hình thành và xây dựng trung tâm tài chính quy mô khu vực. Theo đó, trung tâm tài chính quy mô khu vực sẽ là một tiếp cận mới trong quá trình phát triển Đà Nẵng thời gian đến để tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và thu hút đầu tư.
Đà Nẵng hướng đến xây dựng trung tâm tài chính quy mô khu vực để đón đầu xu hướng dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, thúc đẩy kinh tế phát triển. TRONG ẢNH: Một góc trung tâm thành phố Đà Nẵng nhìn từ trên cao. Ảnh: XUÂN SƠN |
Lựa chọn mô hình phát triển phù hợp
Theo dự thảo đề án được công bố, Đà Nẵng lựa chọn mô hình trung tâm tài chính (TTTC) phi truyền thống. Theo đó, TTTC tại Đà Nẵng sẽ không có đầy đủ các chức năng như truyền thống, mà sẽ hình thành một TTTC Offshore (đầu tư tài chính ra nước ngoài). TTTC Offshore là một khu vực tài chính riêng biệt với các quy định về thuế, điều tiết giám sát mang tính mở và cạnh tranh cao, các doanh nghiệp trong đó đều được xem là doanh nghiệp nước ngoài.
Sau thời gian 5-10 năm (dự kiến là sau năm 2030) hoặc khi Đà Nẵng có được những điều kiện phát triển nhất định, thành phố sẽ hỗ trợ nhà đầu tư chiến lược mở rộng khu TTTC để trở thành một TTTC khu vực. Khi đó, các nhà đầu tư trong TTTC có thể xem là nhà đầu tư trong nước và trực tiếp đầu tư vào thị trường trong nước, không chỉ lĩnh vực tài chính mà còn các lĩnh vực kinh tế khác.
Với mô hình phi truyền thống, các ngành nghề hoạt động trong TTTC bao gồm 2 nhóm ngành chính: các ngành nghề trực tiếp liên quan đến tài chính - ngân hàng và nhóm các ngành nghề phụ trợ, dịch vụ tiện ích.
Theo TS. Huỳnh Huy Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố, định hướng 2 nhóm ngành nghề trên gắn liền với trụ cột kinh tế du lịch mà Nghị quyết số 43/NQ-TW ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị đề ra.
Cụ thể, TTTC tại Đà Nẵng không chỉ có các hoạt động tài chính mà còn bao gồm và liên kết với các hoạt động và dịch vụ tiện ích như nghỉ dưỡng, hội nghị, giải trí… để tạo điểm đến đặc biệt, hấp dẫn cho du khách và nhà đầu tư quốc tế. Định hướng trên tương tự các TTTC tại Singapore, Dubai (Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất- UAE) đang phát triển, qua đó phát huy thế mạnh của Đà Nẵng, đồng thời tạo điểm nhấn và lan tỏa sự phát triển đến vùng du lịch miền Trung, góp phần quảng bá hình ảnh của khu vực với cộng đồng du lịch quốc tế.
Ngoài gắn với phát triển du lịch, TTTC tại Đà Nẵng còn hướng đến việc tạo lập môi trường thử nghiệm các giải pháp, công nghệ đổi mới sáng tạo trong hoạt động tài chính, gắn với chức năng của một trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia đang hình thành tại Đà Nẵng. Từ đó, thúc đẩy khả năng đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính hiện đại. Đây cũng một mục tiêu được Bộ Chính trị đề ra trong Nghị quyết số 43/NQ-TW.
Hoạt động giao dịch tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - Chi nhánh Đà Nẵng. Ảnh: M.QUẾ |
Xác định lộ trình về thời gian và không gian
Về lộ trình thời gian theo dự thảo đề án, Đà Nẵng với điều kiện và xuất phát điểm của một trung tâm kinh tế khu vực miền Trung - Tây Nguyên sẽ ưu tiên thu hút, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trong giai đoạn 2022-2024 để thu hút và tranh thủ các nguồn lực quốc tế, tăng tính khả thi cho việc xây dựng TTTC quốc tế tại Đà Nẵng.
Giai đoạn 2024-2030, thành phố sẽ tập trung hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng TTTC và triển khai các hoạt động của một TTTC Offshore. Giai đoạn sau 2030, khi thị trường trong nước đã thích ứng với các hoạt động tài chính mới, TTTC quốc tế tại Đà Nẵng sẽ dần chuyển đổi mô hình hoạt động của TTTC quốc tế khu vực để mở rộng cơ hội phát triển, cung cấp các dịch vụ tài chính cho khu vực trong nước và một số quốc gia trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Về không gian, Đà Nẵng có quỹ đất sạch (khoảng 6,17ha) bao gồm 5 lô đất tại quận Sơn Trà đã được quy hoạch để phục vụ cho việc thiết lập khu phức hợp TTTC với các điều kiện về vị trí kết nối, hạ tầng thuận lợi. Bên cạnh đó, thành phố đang tiến hành chuyển đổi Khu công nghiệp Đà Nẵng với diện tích hơn 62ha thành một khu trung tâm kinh doanh. Khu trung tâm kinh doanh này sẽ kết hợp bằng tuyến đường ven biển Mỹ Khê với khu phức hợp TTTC 6,17ha nêu trên, hình thành một tổ hợp TTTC đầy đủ về quy mô và không gian phát triển.
Để TTTC sớm thành hình, TS. Nguyễn Xuân Hải, chuyên gia tài chính - ngân hàng có nhiều năm học tập và giảng dạy tại Hoa Kỳ cho rằng, Đà Nẵng cần tiếp tục nỗ lực bằng việc thúc đẩy triển khai hình thành cơ sở hạ tầng phục vụ cho các tổ chức tài chính, kiến tạo, cung ứng môi trường kinh doanh năng động, hiện đại, đề cao tinh thần đổi mới sáng tạo cho các tổ chức tài chính, củng cố các chiến lược đào tạo và thu hút nguồn nhân lực có trình độ, bảo đảm nguồn cung lao động chất lượng cao trong lĩnh vực tài chính.
Đặc biệt, chú trọng phát triển mạnh kinh tế địa phương từ chính nội lực của thành phố, xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý, tạo dựng môi trường thông thoáng để thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Giám đốc Sở Tài chính thành phố Nguyễn Văn Phụng cho biết, việc xây dựng TTTC cần có sự tính toán kỹ lưỡng các yếu tố ảnh hưởng, tác động đến địa phương dựa trên nhu cầu và việc khai thác tối đa thế mạnh của địa phương.
Đà Nẵng cũng đã và đang cải thiện nhiều tiêu chí về môi trường kinh doanh, thực hiện các kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh; khả năng ngoại ngữ và nguồn nhân lực chất lượng cao được chú trọng phát triển; cơ sở hạ tầng được quy hoạch ngày càng hiện đại hơn. Tầm nhìn 2045, Đà Nẵng xác định mục tiêu phát triển thành TTTC quốc tế và gia nhập mạng lưới các TTTC khu vực.
MAI QUẾ