Quy hoạch mới về phân khu đô thị ven sông Hàn và phía đông thành phố

.

Phân khu đô thị ven sông Hàn và bờ đông thành phố bao gồm một phần các quận Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn được định hướng lập quy hoạch hướng đến mục tiêu về du lịch, dịch vụ. Theo Quyết định số 817/QĐ-UBND ngày 28-3-2022 của UBND thành phố về phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch phân khu ven sông Hàn và bờ đông thành phố trên cơ sở đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định đây là phân khu chức năng làm nền tảng cho sự phát triển đô thị, lấy dịch vụ du lịch làm mục tiêu phát triển.

Quy hoạch phân khu đô thị ven sông Hàn và phía đông thành phố với mục tiêu phát triển du lịch, dịch vụ. Trong ảnh: Sông Cổ Cò kết nối với sông Hàn là tuyến du lịch đường thủy trọng điểm.  Ảnh: TRIỆU TÙNG
Quy hoạch phân khu đô thị ven sông Hàn và phía đông thành phố với mục tiêu phát triển du lịch, dịch vụ. TRONG ẢNH: Sông Cổ Cò kết nối với sông Hàn là tuyến du lịch đường thủy trọng điểm. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Phân khu đô thị ven sông Hàn và bờ đông thành phố bao gồm một phần các quận Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà (ngoại trừ bán đảo Sơn Trà) và Ngũ Hành Sơn có diện tích 6.644ha với quy mô dân số đến năm 2030 là 484.000 người. Tính chất của phân khu đô thị này được xác định là khu vực trung tâm đô thị Đà Nẵng; trung tâm hành chính - chính trị; cửa ngõ du lịch ven sông, ven biển; trung tâm hội nghị quốc gia và quốc tế; trung tâm tài chính; trung tâm giáo dục và đào tạo chất lượng cao khu vực miền Trung; trung tâm văn hóa - thể thao và y tế. Với mục tiêu phát triển này, việc lập quy hoạch hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật được chú trọng bảo đảm cho sự phát triển bền vững.

Quy hoạch sử dụng đất đối với lĩnh vực giáo dục bảo đảm diện tích đất tối thiểu 0,6m2/trẻ, cấp tiểu học: 0,65m2/trẻ, cấp trung học cơ sở: 0,55m2/học sinh. Hạ tầng phục vụ hoạt động văn hóa - thể thao đáp ứng diện tích sân chơi 0,5m2/người, sân luyện tập 0,5m2/người (mỗi sân tập luyện thể thao tối thiểu 0,3ha/công trình; mỗi trung tâm thể thao có diện tích tối thiểu 5.000m2/công trình). Mỗi trạm y tế có diện tích tối thiểu 500m2/trạm. Đối với công trình chợ quy hoạch sử dụng đất tối thiểu là 2.500m2/công trình.

Về hạ tầng kỹ thuật bảo đảm 100% dân số sử dụng hệ thống nước sạch với chỉ tiêu 170 lít nước/người/ngày; thu gom 100% nguồn nước thải đô thị; mật độ giao thông tối thiểu đạt từ 6,5-8km/km2 diện tích. Việc lập quy hoạch về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả sử dụng quỹ đất, tạo nguồn lực phát triển đô thị, tăng trưởng kinh tế; bảo đảm tính đồng bộ, hài hòa trong và ngoài phân khu đô thị ven sông Hàn và phía đông thành phố.

Việc tổ chức không gian đô thị, thiết kế kiến trúc dựa trên cơ sở kết hợp các đặc trưng đô thị hiện có và tăng cường đặc trưng mặt nước (sông, biển) thông qua các không gian công cộng đã được tổ chức hiện nay, kết nối bờ đông, bờ tây sông Hàn tạo tính liên tục đến các khu vực trung tâm, khu chức năng ven biển. Đồng thời từ đây xây dựng quy hoạch phân khu có không gian đô thị ven sông, ven biển hiện đại, sống động, là thỏi nam châm thu hút khách du lịch và nhà đầu tư; thúc đẩy sự phát triển bất động sản du lịch đẳng cấp quốc tế. Quy hoạch cũng xác định chuyển đổi cảng Tiên Sa thành cảng du lịch biển, các khu chức năng phụ trợ dịch vụ du lịch cảng biển, định hướng hình thành cửa ngõ du lịch ven biển lớn.

Quy hoạch phân khu đô thị ven sông Hàn và phía đông thành phố đặt ra nhiệm vụ cải tạo và tái thiết các khu vực trung tâm khu đô thị hiện hữu; phát triển thương mại, dịch vụ; bố trí quỹ đất để bổ sung hạ tầng xã hội, tiện ích đô thị; phát triển đơn vị đất ở kết hợp thương mại dịch vụ; quy hoạch sử dụng đất hỗn hợp ở khu vực ven sông, ven biển để khuyến khích phát triển dịch vụ du lịch, thương mại.

Trên cơ sở các điểm nhấn không gian kiến trúc, điểm đến thu hút khách du lịch trải dài từ khu vực vịnh Đà Nẵng, ven sông Hàn cho đến khu vực tiếp giáp với tỉnh Quảng Nam; phát triển các tuyến du lịch đường sông từ cảng Sông Hàn theo dọc sông Cổ Cò đến thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam); phát triển tuyến du lịch đường biển từ cảng Đà Nẵng đến đảo Cù Lao Chàm.

Quy hoạch không gian đô thị phân khu đô thị ven sông Hàn và phía đông thành phố có các trung tâm chính là quảng trường gắn với Trung tâm hành chính; các công viên phần mềm; nút thể thao - văn hóa xung quanh Cung Thể thao Tiên Sơn; khu bảo tàng sống; trục trung tâm thương mại tuyến đường Hùng Vương gắn với chợ Cồn, chợ Hàn; tuyến phố đi bộ Bạch Đằng gắn với Công viên vườn tượng APEC, chợ đêm, các vùng hoạt động vui chơi giải trí dưới nước dọc sông Hàn và ven biển; chuyển đổi Khu công nghiệp Đà Nẵng (An Đồn) để tái phát triển đô thị, hình thành khu trung tâm kinh doanh thương mại (LBD) mới của thành phố để hình thành điểm nhấn kiến trúc mới trong phân khu; hình thành tuyến phố tài chính ven tuyến đường Võ Văn Kiệt với trọng điểm là dự án Tổ hợp trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí tổng hợp; quy hoạch phát triển để hình thành các trung tâm hội nghị, hội thảo quốc tế. Quy hoạch phân khu đô thị ven sông Hàn và phía đông thành phố có kiểm soát một số chỉ tiêu phát triển như: mật độ xây dựng gộp từ 30-40%; hệ số sử dụng đất trung bình từ 1,5-7 lần; chiều cao công trình trung bình 50-150m.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.