Thị trường xe máy: Nguồn cung khan hiếm, giá tăng "phi mã"

.

Thời điểm gần đây, nguồn cung xe máy tại các cửa hàng, đại lý bị thiếu hụt dẫn đến giá các loại xe máy, đặc biệt là các dòng xe tay ga tăng từ vài triệu đến hơn chục triệu đồng/chiếc so với giá đề xuất của đơn vị sản xuất.

Khách hàng đến mua xe tại đại lý ủy quyền Honda Head Tiến Thu 1, quận Ngũ Hành Sơn.Ảnh: VĂN HOÀNG
Khách hàng đến mua xe tại đại lý ủy quyền Honda Head Tiến Thu 1, quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: VĂN HOÀNG

Đội giá cả chục triệu đồng

Khảo sát tại một số đại lý ủy quyền, cửa hàng kinh doanh xe máy trên những tuyến đường như: Hùng Vương, Phan Châu Trinh, Lý Thái Tổ, Ngũ Hành Sơn…, nhiều loại xe máy, nhất là các dòng xe tay ga đang được báo giá chênh lệch nhiều so với giá đề xuất trên website của đơn vị sản xuất. Tại cửa hàng xe máy trên tuyến đường Lý Thái Tổ, chị Nguyễn Thị Thủy (trú phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê) cho biết cần mua một chiếc xe máy tay ga nhãn hiệu Vision để đi lại.

Tuy đã ghé qua nhiều cửa hàng song chị vẫn chưa mua được xe bởi mức giá được nhân viên báo chênh lệch từ 10-15 triệu đồng so với giá công bố của nhà sản xuất. “Giá trên hãng thì thấp mà về đại lý lại quá cao. Muốn mua nhưng cũng phải đắn đo, vì các đại lý đều trả lời là không có xe ngay mà phải đợi. Vài bữa có xe thì giá đã khác bây giờ”, chị Thủy than thở. Trong khi đó, anh Nguyễn Hoàng Phi (trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà) cho rằng, giá xe liên tục tăng cao khiến nhiều người cân nhắc khi mua xe trong thời điểm này.

Anh Nguyễn Huỳnh Ngọc Anh, Trưởng nhóm bán hàng đại lý ủy quyền Honda Tiến Thu (số 179 Phan Châu Trinh) chia sẻ, những mẫu xe của hãng Honda được khách hàng ưa chuộng như: Air Blade, Vision, Lead, SH mode, SH… đang có giá rất cao, thậm chí cao hơn nhiều so với giá niêm yết. Giá bán xe được đại lý điều chỉnh, cập nhật và thay đổi để phù hợp với giá thị trường được hệ thống đưa ra.

Qua tìm hiểu tại một đại lý, giá bán xe (chưa bao gồm chi phí đăng ký cấp biển số) Honda Lead bản tiêu chuẩn từ 46 triệu đồng, bản cao cấp từ 53 triệu đồng, chênh lệch từ 5-12 triệu đồng so với giá đề xuất của hãng; dòng xe Vision được báo giá từ 41-46 triệu, chênh lệch 10-13 triệu đồng; xe AirBlade phiên bản 2022 chạm mức 45,8 triệu đồng với dòng xe có phân khối 125cc và 59 triệu đồng với phân khối 150cc, chênh lệch khoảng 5 triệu đồng so với giá đề xuất của hãng; xe SH mode chênh lệch từ 15-30 triệu đồng…

Mặc dù giá xe tăng và thay đổi liên tục nhưng theo một số đại lý, lượng xe tồn rất ít, những dòng xe tay ga được ưa chuộng thậm chí không còn hàng. Vì thế, nhiều trường hợp, cửa hàng chỉ lưu lại thông tin để khi có xe mới báo cho khách hàng, không dám nhận đặt cọc vì sợ khách phải chờ lâu.

Vì đâu giá xe tăng cao?

Tại một đại lý ủy quyền xe máy của hãng Yamaha trên đường Phan Châu Trinh, nhân viên cho biết, thời điểm trước Tết Nguyên đán, những dòng xe tay ga phổ biến mang nhãn hiệu Yamaha như: NVX, FreeGo, Grande… đa dạng về màu sắc, mẫu mã. Tuy nhiên, vài tháng trở lại, do chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thiếu nhiều linh kiện lắp ráp, trong khi nhu cầu của người dân nhiều nên một số loại xe không còn hàng. “Nếu khách hàng muốn mua phải đăng ký và chờ cửa hàng, đại lý đi “săn hàng”.

Tuy nhiên, giá xe sẽ cao hơn thị trường và phải đợi lâu vì không phải lúc nào cũng có sẵn xe”, người này cho hay. Tương tự, tại đại lý ủy quyền Honda Quốc Tiến - Hà Giang Môtô (21 Lý Thái Tổ), một số dòng xe tay ga mà người tiêu dùng ưa chuộng gần như vắng bóng, đa phần chỉ trưng bày những dòng xe số. Anh Nguyễn Anh Tú, nhân viên cửa hàng cho biết, nhiều khách hàng đến hỏi mua xe nhưng đành chịu vì không có xe để bán. Điều này khiến tình hình kinh doanh của cửa hàng gặp nhiều khó khăn vì phải chịu nhiều khoản chi phí để vận hành, duy trì hoạt động.

Lý giải về nguyên nhân giá xe tăng mạnh, anh Nguyễn Bá Quốc, Cửa hàng trưởng Head Tiến Thu 1 (215 Ngũ Hành Sơn) thông tin, do ảnh hưởng của việc giá cả các mặt hàng đều tăng trên thị trường khi giá xăng dầu liên tục tăng cao. Đồng thời lượng xe nhập về ít do nguồn xe từ hãng cung cấp giảm mạnh, phụ tùng, linh kiện lắp ráp khan hiếm do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy trong khi nhu cầu thị trường cao, nguồn cung không đủ, hệ thống phải tăng giá bán so với giá đề xuất của hãng để duy trì chi phí vận hành, hoạt động của cửa hàng.

Việc tăng giá bán phụ thuộc vào mức giá chung của thị trường và giá bán hệ thống nên không có tình trạng cửa hàng tự tăng giá hay ghim hàng. “Mặc dù cửa hàng đã dự trữ trước lượng xe của 1 tháng nhưng một số dòng xe vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đây là tình trạng chung trên toàn quốc chứ không riêng gì các cửa hàng ở Đà Nẵng”, anh Quốc nói.

Cũng theo anh Nguyễn Bá Quốc, bên cạnh các dòng xe tăng giá, những dòng xe số có mức giá vừa phải, mẫu mã đa dạng, thậm chí giảm mạnh so với giá bán của hãng như Honda Blade, Honda RSX. Đặc biệt, dòng xe Honda Winner X có giá bán 36-38 triệu đồng/chiếc, thấp hơn giá đề xuất từ 10 triệu đồng.

Nhu cầu xe máy điện tăng

Theo một số cửa hàng bán xe điện trên địa bàn, nhu cầu của người dân về các dòng xe máy điện, xe đạp điện tăng hơn so với đầu năm. Giá xe điện phổ thông từ 9-17 triệu đồng, trong đó, mẫu xe điện có mức giá từ 9-11 triệu đồng được nhiều người chọn mua. Thị trường xe máy điện, xe đạp điện tiêu thụ mạnh hơn trước một phần là do giá xăng tăng, người dân chuyển sang đi xe điện để tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, sắp bước vào năm học mới nên nhu cầu mua xe đông hơn trước. Thời điểm này, giá xe điện tăng trung bình từ 500.000 - 2 triệu đồng/chiếc do chi phí vận chuyển tăng và phù hợp với giá thị trường.

Gần 16.000 phương tiện 2 bánh đăng ký cấp biển số mới

Theo thống kê từ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Đà Nẵng, tính từ ngày 1-1 đến 14-6, trên địa bàn thành phố có 15.829 phương tiện, mô-tô các loại đăng ký cấp biển số cơ giới đường bộ, tăng hơn 3.047 phương tiện đăng ký mới so với 6 tháng đầu năm 2021. Cụ thể, có 1.058 xe hai bánh có phân khối dưới 50cc, 14.364 xe có phân khối từ 50-175cc, 162 xe phân khối từ 175cc trở lên, 245 xe điện.

VĂN HOÀNG - CHIẾN THẮNG

;
;
.
.
.
.
.