Tìm kiếm giải pháp, tái cơ cấu phục hồi du lịch - hàng không

.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á (Routes Asia) 2022, nhiều tọa đàm đã diễn ra trong ngày 7-6 xoay quanh các vấn đề như chiến lược phục hồi sân bay và các hãng hàng không; xu hướng phục hồi du lịch trong tương lai; đáp ứng nhu cầu hàng không - xu hướng mới ở châu Á - Thái Bình Dương...

Các doanh nghiệp kết nối, tìm hiểu thông tin tại các gian hàng trưng bày của Routes Asia 2022. Ảnh: THU HÀ
Các doanh nghiệp kết nối, tìm hiểu thông tin tại các gian hàng trưng bày của Routes Asia 2022. Ảnh: THU HÀ

Xu hướng phục hồi du lịch

Đó là vấn đề mà các diễn giả rất quan tâm tại các tọa đàm. Trong phiên họp về phát triển đường bay, có 5 xu hướng được các diễn giả quan tâm gồm: ngành công nghiệp trên toàn thế giới; xu thế của các hãng hàng không; phát triển bền vững; vận chuyển hàng hóa; tăng cường hỗ trợ các hãng hàng không trong quá trình khôi phục sau Covid-19. Các diễn giả cho rằng du lịch có những dấu hiệu phục hồi tích cực nhưng cũng chịu ảnh hưởng của tình hình thế giới như: giá nhiên liệu tăng; thiếu hụt nguồn nhân lực... nên cần tìm các giải pháp để hạn chế tác động như: tăng kênh phân phối online; thêm các chương trình hỗ trợ, ưu đãi dành cho hàng không…

Một trong những tọa đàm thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu cũng như diễn giả là tọa đàm “Vietnam case study”. Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Nguyễn Thị Hoài An chia sẻ, trong định hướng phát triển thị trường, mục tiêu hàng đầu vẫn là khôi phục thị trường khách inboud (đưa khách từ nước ngoài vào) vì đây là một trong những thị trường nguồn với số lượng khách lớn khó có thể thay thế. Các thị trường truyền thống của Đà Nẵng là: Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản, bên cạnh đó, Thái Lan cũng là thị trường tăng trưởng nhanh. Trong năm nay, Đà Nẵng muốn sớm tái thiết các thị trường truyền thống và nỗ lực đa dạng hóa thị trường khách mới, trong đó, thị trường Ấn Độ đang có chính sách mở cửa tích cực và rất tiềm năng trong lĩnh vực thương mại, du lịch.

Bà Nguyễn Thị Hoài An cũng cho biết thêm, năm 2019, Đà Nẵng đón 31 chuyến bay quốc tế trực tiếp với hơn 500 chuyến bay mỗi tuần. Mục tiêu của thành phố là khôi phục lại số lượng và tần suất các chuyến bay quốc tế này trong năm 2024. “Trước mắt, chúng tôi cần kết nối trực tiếp (thông qua chuyến bay thường xuyên hoặc chuyến bay thuê chuyến) đến các thị trường tiềm năng để tạo thuận lợi cho việc khởi động những thị trường này như: Ấn Độ, Indonesia… Tuy nhiên, Đà Nẵng thiếu đường bay đến các trung tâm bay quốc tế để kết nối tốt hơn với các thị trường Âu Mỹ đang phục hồi du lịch . Dự kiến, cuối năm 2022 và đầu năm 2023, chúng tôi sẽ có phản hồi tích cực từ các hãng hàng không để đón đầu các thị trường nói trên”, bà Hoài An chia sẻ.

Ông Đinh Việt Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, Việt Nam có nhiều cơ hội để ngành hàng không bứt phá sau dịch bệnh bởi cộng đồng quốc tế đánh giá, Việt Nam là điểm đến an toàn đối với họ, nơi hấp dẫn cho các hoạt động đầu tư kinh doanh bởi sự ổn định môi trường chính trị, xã hội... Hơn thế nữa, Việt Nam đã có lộ trình, đề xuất sớm mở lại đường bay quốc tế từ việc mở cửa hoàn toàn các đường bay quốc tế; dỡ bỏ yêu cầu về xét nghiệm Covid-19 đối với người nhập cảnh vào Việt Nam đến khôi phục lại chính sách thị thực nhập cảnh, miễn visa cho công dân 13 nước, trong đó có các nước Tây Âu. Riêng với thị trường Đà Nẵng, tới thời điểm hiện tại, hoạt động vận chuyển hàng không nội địa đã đạt gần tương đương thời điểm trước Covid-19 khi hằng ngày có trung bình hơn 100 chuyến bay 1 chiều đi/đến Đà Nẵng từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc, Buôn Ma Thuột. Đối với thị trường quốc tế, các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài đã khai thác trở lại các đường bay quốc tế kết nối Đà Nẵng với Bangkok (Thái Lan), Singapore, Kuala Lumpur (Malaysia), Seoul và Daegu (Hàn Quốc) và đầu tháng 7-2022 sẽ có đường bay nối Tokyo (Nhật Bản), thêm các hãng mới và tăng tần suất trên các đường bay hiện có. Cục Hàng không Việt Nam vẫn đang tiếp nhận các đề xuất khai thác trở lại các đường bay quốc tế đi/đến Đà Nẵng từ các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Quốc Phương, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ACV), công ty đang tích cực mở rộng cơ sở hạ tầng các sân bay bảo đảm mục tiêu trở thành cửa ngõ kết nối các vùng kinh tế của Việt Nam với thế giới và ngược lại, trong đó có cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách khi các đường bay được phục hồi, kết nối.

Phát triển du lịch xanh - bền vững

Theo bà Jayne Davey, Giám đốc Công ty Tư vấn hàng không ASM Australasia, sự phát triển nhanh của ngành du lịch gây nên những tác động đáng kể đối với môi trường, chẳng hạn như khí carbon thải ra trong hoạt động hàng không và lưu trú là một trong những vấn đề cần được quan tâm để phát triển một ngành du lịch bền vững. Trong vài năm trở lại đây, rất nhiều hãng hàng không đã đưa ra cam kết và chiến lược cắt giảm khí thải carbon. Những biện pháp trọng tâm trong các kế hoạch cắt giảm lượng phát thải carbon của ngành hàng không xoay quanh việc sử dụng nguồn nhiên liệu bền vững, phát triển công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon, điều này cần sự nỗ lực của Chính phủ cũng như doanh nghiệp tham gia để sử dụng bền vững.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Phương cho hay, xu hướng chung hiện nay được các đơn vị hàng không hướng tới là phát triển theo hướng thân thiện với môi trường. Hiện ACV cũng là thành viên tích cực của hội đồng các sân bay quốc tế có tham gia và đăng ký chương trình zero carbon đối với các sân bay. Đây là một hành trình đòi hỏi sự quyết tâm từ các bộ phận cùng tham gia. Chủ tịch kiêm CEO Hãng hàng không Vietnam Airlines Lê Hồng Hà bày tỏ, để đứng vững trong thị trường cạnh tranh cần lựa chọn chiến lược đúng đắn bằng việc đưa ra 4 phân khúc khác nhau, đáp ứng được các nhu cầu đa dạng của khách hàng. Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển chương trình kỹ thuật số mới; phát triển nguồn lực con người, xây dựng cơ cấu tổ chức rõ ràng và hiệu quả… Đồng thời xây dựng chương trình hướng đến các sản phẩm thân thiện với môi trường, đề xuất chương trình tiết kiệm nhiên liệu để giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường…

Còn theo ông Jay L Lingeswara, Giám đốc thương mại Hãng hàng không Vietjet (Vietjet Air), sau thời gian dài ảnh hưởng dịch bệnh, hãng hiểu rõ hơn các yêu cầu sân bay của các quốc gia khác nhau, vì thế để phát triển bền vững, hãng đang nỗ lực trong công tác phục hồi và phát triển đường bay bằng ứng dụng công nghệ thông tin; giúp hành khách biết những thủ tục cần làm, những yêu cầu của sân bay, hãng bay cũng như từ điểm đến để có thể chuẩn bị các thiết bị điện tử hạn chế tiếp xúc, ngăn phòng dịch bệnh, dễ dàng hơn cho hành khách khi làm thủ tục bay.

THU HÀ - MAI QUẾ

Ông Johannes Mohrmann, Giám đốc cấp cao phát triển kinh doanh và tiếp thị của Berlin Brandenburg Airport: Tin tưởng việc mở đường bay từ Berlin (Đức) đến Đà Nẵng là khả thi

Đến Đà Nẵng tham dự Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á (Routes Asia) 2022, tôi tin rằng việc mở đường bay trực tiếp từ Đà Nẵng đến Berlin là hoàn toàn khả thi. Đà Nẵng có bãi biển đẹp, là nơi nghỉ dưỡng tốt dành cho khách du lịch từ Đức và châu Âu. Người Việt Nam cũng có nhu cầu đi du lịch tại Đức và châu Âu, đây là tiềm năng lớn để tìm kiếm cơ hội từ tiềm năng này.

Ông Ignacio Bosch Nacenta, Trưởng bộ phận hoạch định mạng lưới đường bay của AirAsia Group: Quan trọng là xúc tiến điểm đến hiệu quả

Diễn đàn là dịp để các doanh nghiệp du lịch, hàng không, chính quyền điểm đến ngồi lại với nhau để tìm cách khôi phục du lịch. Chúng tôi tìm kiếm những cơ hội cụ thể để có thể mở lại cũng như phát trển mới các đường bay của AirAsia từ Thái Lan, Philippines, Malaysia hay Indonesia đến Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Đà Nẵng có nhiều tiềm năng nhưng để xúc tiến, mở đường bay mới, thành phố cần quảng bá mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa tới các hãng hàng không cũng như các doanh nghiệp liên quan trong thời gian đến. Đà Nẵng cũng cần chứng minh được năng lực thực sự của mình trong việc tiếp nhận các đường bay mới.

Bà Usha Padhee, Vụ trưởng Vụ Hàng không dân dụng Ấn Độ: Mong rằng sẽ có kết nối tốt giữa Đà Nẵng và Ấn Độ

Đà Nẵng là một điểm đến đẹp, hấp dẫn, Ấn Độ cũng có nhiều điểm du lịch thú vị nên tôi tin tưởng hai điểm sẽ dễ dàng để kết nối. Chúng tôi cũng quan tâm nhiều đến du lịch khám phá văn hóa của địa phương và du lịch công vụ nên hy vọng khi ngành hàng không phục hồi hoàn toàn sẽ có cơ hội để kích cầu du lịch giữa hai địa phương.

NHẬT HẠ (ghi)

 

 

;
;
.
.
.
.
.