Thời gian qua, Trung ương và thành phố đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân mua bảo hiểm tàu cá. Tuy nhiên, số lượng tàu, thuyền có bảo hiểm vẫn còn ít vì nhiều ngư dân vẫn chưa mặn mà với các chính sách này.
Ngư dân cần mua bảo hiểm thân tàu để hạn chế thiệt hại khi xảy ra sự cố trong đánh bắt hải sản. TRONG ẢNH: Tàu, thuyền chuẩn bị xuất bến tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. Ảnh: VĂN HOÀNG |
“Chiếc phao” hỗ trợ ngư dân
Tháng 10-2020, tàu cá của ngư dân Nguyễn Văn Bình (trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) bị hư hại do ảnh hưởng của bão. Một số trang thiết bị, ngư lưới cụ trên tàu hư hỏng nặng, không thể vươn khơi đánh bắt. Nhờ có bảo hiểm thân tàu, anh được đơn vị bảo hiểm chi trả toàn bộ chi phí sau khi sửa chữa. Các thủ tục, hồ sơ được đơn vị giải quyết kịp thời và nhanh chóng. Anh Bình cho rằng, nghề đánh bắt trên biển gặp nhiều rủi ro nên bảo hiểm là “phao cứu hộ” cho ngư dân khi có sự cố, tai nạn.
Được biết, từ năm 2018 đến nay, tàu cá ĐNa91095 TS của anh đều tham gia bảo hiểm thân tàu và máy. Năm 2021, được sự hỗ trợ từ các chính sách của thành phố và Trung ương, chi phí bảo hiểm cho tàu là 27 triệu đồng nhưng anh Bình chỉ đóng 10%, tương đương 2,7 triệu đồng. Bên cạnh đó, cả 7 thuyền viên trên tàu đều được thành phố hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên. “Kinh phí để đóng tàu lên đến vài tỷ đồng. Nếu không có bảo hiểm, ngư dân sẽ rất khó khôi phục sản xuất khi xảy ra sự cố”, anh Bình nói.
Nhận thức được rủi ro trong hoạt động đánh bắt trên biển, mỗi năm, ông Nguyễn Văn Tiếng (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) chi gần 120 triệu đồng phí mua bảo hiểm cho 3 tàu cá. Nhờ có chính sách của Trung ương và thành phố, ông Tiếng đóng 10%, tức 12 triệu đồng/năm.
Theo ông Tiếng, mức đóng bảo hiểm của ngư dân Đà Nẵng hiện nay vẫn rất thấp so với tổng giá trị của con tàu. Vì vậy, ngư dân cần chủ động trong việc bảo đảm tài sản và tính mạng của thuyền viên trên tàu. Thực tế, nhiều ngư dân chưa hiểu rõ những chính sách đền bù thiệt hại của đơn vị bảo hiểm, dẫn đến việc chi trả gặp khó khăn khi tàu cá xảy ra sự cố. Ngư dân cần tìm hiểu rõ những điều khoản kèm theo để không xảy ra tranh chấp khi mua bảo hiểm tàu cá.
Dù biết lợi ích của bảo hiểm nhưng năm nay, ông Bùi Lài, chủ tàu ĐNa90423 TS (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) không tham gia mua bảo hiểm thân tàu. Ông Lài cho biết, nhiều đơn vị bảo hiểm chỉ đang bán bảo hiểm dành cho thân, vỏ tàu chứ không bán bảo hiểm phần máy móc. Trong khi máy móc là bộ phận dễ bị hư hại nhất và tốn nhiều chi phí khi sửa chữa. Bên cạnh đó, theo quy định, ngư dân không bắt buộc phải mua bảo hiểm thân tàu khi vươn khơi đánh bắt nên nhiều người từ chối tham gia.
Theo Chi cục Thủy sản thành phố, tính đến tháng 5-2022, toàn thành phố có 1.230 phương tiện đăng ký hoạt động khai thác thủy sản. Trong đó, 585 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đang khai thác ở vùng khơi, 320 tàu cá từ 12m đến dưới 15m đánh bắt ở vùng lộng và 325 tàu có chiều dài dưới 12m đánh bắt ở vùng ven bờ. Mặc dù Trung ương và thành phố ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, toàn thành phố chỉ có 369 lượt tàu cá tham gia mua bảo hiểm.
Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND thành phố phê duyệt hỗ trợ 45 tàu cá tham gia bảo hiểm thân tàu, thuyền viên theo chính sách hỗ trợ tại Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13-7-2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ ngư dân hoạt động trên các vùng biển xa và Nghị quyết số 255/2019/NQ-HĐND của HĐND thành phố về Quy định chính sách hỗ trợ phát triển khai thác hải sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2019-2025.
Đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ ngư dân
Được biết, ngư dân trên địa bàn Đà Nẵng đang được hỗ trợ bảo hiểm theo 2 chính sách của Trung ương và thành phố. Theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tàu cá có hoạt động khai thác hải sản trên các vùng biển xa sẽ được hỗ trợ 50% phí bảo hiểm thân tàu và 100% phí bảo hiểm tai nạn thuyền viên.
Đối với Nghị quyết số 255/2019/NQ-HĐND của HĐND thành phố, tàu cá có công suất máy chính từ 90CV và chiều dài từ 12m trở lên sẽ hỗ trợ 40% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu cho tàu khai thác thủy sản, hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản ngoài mức hỗ trợ theo các chính sách hỗ trợ của Trung ương. Ngoài ra, từ nguồn kinh phí sự nghiệp hằng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ 100% phí bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho tàu cá 12-15m khai thác tại vùng lộng.
Quận Sơn Trà là địa phương có số lượng tàu khai thác xa bờ chiếm hơn 75% so với toàn thành phố (446/585 chiếc) nhưng số lượng tàu cá tham gia bảo hiểm vẫn còn thấp, chỉ chiếm 19% trong tổng số tàu, thuyền trên địa bàn quận. Bà Nguyễn Thị Phương Mai, Trưởng phòng Kinh tế quận Sơn Trà cho biết, việc ngư dân tham gia bảo hiểm thân tàu chỉ được “khuyến khích” chứ không bắt buộc khi vươn khơi đánh bắt; bên cạnh đó, khó khăn trong hoạt động khai thác hải sản và quy trình hỗ trợ sau đầu tư là những nguyên nhân khiến số lượng tàu cá có bảo hiểm hạn chế.
Việc ngư dân tự trả trước 100% chi phí mua bảo hiểm, khoảng 20-30 triệu đồng đối với tàu vỏ gỗ và 40-50 triệu đối với tàu vỏ thép là khá lớn nên nhiều chủ tàu không tham gia. Hiện có 2 đơn vị bảo hiểm (Bảo hiểm Xuân Thành, Bảo hiểm Quân đội) đồng ý hỗ trợ cho ngư dân nợ 40% tổng kinh phí mua bảo hiểm thân tàu và bán bảo hiểm cho tàu cá có thời gian đóng quá 20 năm. Ngư dân chỉ cần trả trước 60% chi phí thay vì 100% chi phí như các đơn vị khác.
“Để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho ngư dân tham gia mua bảo hiểm thân tàu, UBND quận Sơn Trà đã có văn bản đề nghị HĐND thành phố xem xét kiến nghị điều chỉnh quy trình hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm thân tàu. Ngư dân chỉ nộp 10% chi phí mua bảo hiểm thay cho việc phải nộp toàn bộ và được chi trả trở lại theo quy định hiện nay”, bà Nguyễn Thị Phương Mai cho hay.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản thành phố Lưu Quang Khánh cho biết, đơn vị đang tăng cường phối hợp các địa phương thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân tham gia các chính sách hỗ trợ bảo hiểm và tập trung đẩy nhanh tiến độ rà soát, thẩm định hồ sơ; tham mưu UBND thành phố phê duyệt hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên cho ngư dân theo các chính sách của Trung ương và của thành phố Đà Nẵng. Qua đó, nâng cao tỷ lệ ngư dân tham gia bảo hiểm thân tàu, góp phần giúp các chủ tàu có điều kiện khôi phục sản xuất trong trường hợp bị tai nạn, rủi ro và tạo sự yên tâm vươn khơi bám biển sản xuất.
VĂN HOÀNG