Xu hướng vật liệu xây dựng thân thiện môi trường

.

Bộ Xây dựng chỉ đạo Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu và liên tục sản xuất các sản phẩm mới, công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu thị trường xây dựng và nhà ở đô thị theo hướng phát triển xanh, bền vững.

Sản xuất vật liệu xây dựng gạch không nung tại Công ty CP Secoin, Khu Công nghiệp Hòa Khánh.  Ảnh: TRIỆU TÙNG
Sản xuất vật liệu xây dựng gạch không nung tại Công ty CP Secoin, Khu Công nghiệp Hòa Khánh. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Sản xuất vật liệu công nghệ cao, thân thiện môi trường

Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng Phạm Văn Bắc cho biết, Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, định hướng tới 2050 xác định 6 quan điểm nhất quán gồm: phát triển ngành vật liệu xây dựng hiệu quả, bền vững, đáp ứng nhu cầu trong nước, từng bước tăng cường xuất khẩu; ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ; sử dụng hiệu quả tài nguyên, triệt để tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu; hạn chế tối đa ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản; phát huy, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng và bổ sung mạng lưới cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng trên toàn quốc phù hợp điều kiện tự nhiên, xã hội của từng vùng miền.

Ông Phạm Văn Bắc nhấn mạnh, chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung tại Việt Nam đến năm 2030 là đẩy mạnh sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung; tận dụng phế thải từ các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.

Hiện nay, ngành vật liệu xây dựng đã sản xuất được một số sản phẩm thông minh như: xốp cách nhiệt, tấm lợp sinh thái, gạch bê-tông nhẹ, tấm ốp đất sét nung, ngói tráng men, gỗ ốp tường xanh, xi-măng xanh, gạch ốp lát tái chế... Bên cạnh việc nghiên cứu để sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng mới thân thiện với môi trường, các sản phẩm vật liệu xây dựng truyền thống như xi-măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, thép, kính... cũng đã có sự thay đổi về công nghệ sản xuất để tăng độ bền, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí sản xuất, xây lắp và đặc biệt là thích ứng với khí hậu tại nơi xây dựng công trình.

Nhu cầu bảo vệ môi trường đang là ưu tiên hàng đầu của xã hội, do đó, các thiết kế, kiến trúc cũng phát triển theo hướng bền vững. Thực tế có nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất vật liệu xanh, sạch, tái chế, vật liệu thay thế có nhiều ưu việt hơn các sản phẩm truyền thống.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bê tông Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Trần Bá Việt cho hay, xu hướng sử dụng bê-tông siêu tính năng là vật liệu xanh bền vững. Theo đó, bê-tông siêu tính năng đã được nghiên cứu áp dụng tương đối phổ biến tại các nước phát triển trên thế giới. Việt Nam đã có một số ứng dụng trong thực tiễn như: xây dựng cầu với dầm bê-tông siêu tính năng, chế tạo mặt ngoài kiến trúc và một số ứng dụng khác...

Chuyển biến từ thành phố Đà Nẵng

Tại Đà Nẵng, hầu như các công trình đầu tư từ nguồn vốn ngân sách đều sử dụng vật liệu gạch không nung. Ngoài sản phẩm gạch, một số sản phẩm vật liệu xây dựng công nghệ cao cũng được doanh nghiệp đầu tư và ghi nhận những tín hiệu tích cực từ thị trường. Điển hình là hoạt động sản xuất và kinh doanh của Công ty CP Bê tông nhẹ Đà Nẵng đã sản xuất và cung cấp gạch tự chèn bê-tông tính năng cao, đa dạng mẫu mã và màu sắc với thương hiệu E-Brick.

Gạch tự chèn tính năng cao có thể được sử dụng trong các công trình như: vỉa hè, bãi đậu xe, đường nội bộ khu dân cư, khu đô thị, sân vườn, công viên... Với ưu điểm dễ thi công, thuận tiện kiểm soát chất lượng; đồng thời chi phí duy tu, sửa chữa thấp. Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bê tông nhẹ Đà Nẵng Mai Thiệu Quang thông tin, hiện công ty có nhiều sản phẩm công nghệ cao như gạch tự chèn tính năng cao, vữa bê-tông bột khí, bê-tông xốp được thị trường đón nhận. Sản phẩm được đưa vào thi công tại nhiều dự án công trình, khu đô thị lớn trong cả nước như: dự án nâng cấp Sân bay quốc tế Đà Nẵng, dự án khu đô thị Homeland; các công trình, dự án của Công ty CP Khu đô thị FPT Đà Nẵng…

Thời gian qua, trên địa bàn thành phố, ngày càng có nhiều công trình xanh, sử dụng các loại vật liệu xây dựng mới. Việc tiếp cận sử dụng vật liệu liệu xây dựng thân thiện môi trường xuất phát từ nhu cầu của các chủ đầu tư. Theo Giám đốc Công ty  Alpes Green Design & Build, Kiến trúc sư Hồ Khuê, các sản phẩm xanh có chi phí lắp đặt, giá thành ban đầu có thể hơi cao hơn các vật liệu truyền thống. Tuy nhiên, về lâu dài những sản phẩm công nghệ mới sẽ tiết kiệm năng lượng nhiều hơn, tối ưu hơn, có vòng đời sử dụng dài hơn, từ đó tiết kiệm tiền cho người sử dụng, chủ đầu tư…

Với những tiềm năng như vậy, chỉ cần tối ưu hóa, khắc phục những điểm yếu thì vật liệu xây dựng xanh sẽ dần chiếm lĩnh thị trường và trở thành lựa chọn hàng đầu. Nhằm đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây không nung của các nhà đầu tư trên địa bàn, qua đó giảm dần việc sản xuất và tiêu thụ gạch đất sét nung, Sở Xây dựng đã có báo cáo, đề xuất UBND thành phố kiến nghị đến Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan quan tâm, tiếp tục triển khai thực hiện một số nội dung như: sớm ban hành tiêu chuẩn về thi công và nghiệm thu riêng đối với gạch bê-tông; ban hành cẩm nang chỉ dẫn kỹ thuật trong thiết kế và kỹ thuật thực hành xây dựng sử dụng gạch không nung nhằm tăng cường chất lượng xây dựng, chống nứt tường khi sử dụng loại vật liệu này.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích