Kinh tế

Liên kết hợp tác du lịch phải tạo động lực phát triển

13:59, 26/07/2022 (GMT+7)

Liên kết để hợp tác, phát triển du lịch là vấn đề được Đà Nẵng và các địa phương lân cận triển khai từ khá sớm và đạt một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, để việc liên kết thực sự hiệu quả, có chiều sâu, tạo động lực phát triển vùng, cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa.

Du khách tham quan tại Di tích danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn. Ảnh: THU HÀ
Du khách tham quan tại Di tích danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn. Ảnh: THU HÀ

Tạo kết nối trong xúc tiến, quảng bá

Trước đây, để tạo sự gắn kết, thuận lợi trong việc phát triển du lịch, 3 địa phương Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã chủ động ký kết hợp tác với chủ đề “Ba địa phương - một điểm đến”. Hoạt động liên kết này được các doanh nghiệp du lịch đánh giá cao, mang lại nhiều kết quả tích cực trong việc quảng bá, xúc tiến; tổ chức các sự kiện du lịch với đa dạng sản phẩm của các địa phương. Từ đầu năm 2022 đến nay, hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch đã được mở rộng ra 5 địa phương gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam. Các địa phương sẽ luân phiên giữ vai trò trưởng nhóm liên kết.

Thông tin từ Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Quảng Bình, đơn vị trưởng nhóm liên kết năm 2022 cho biết, sau 6 tháng hợp tác, 5 địa phương đã có nhiều hoạt động thúc đẩy hoạt động du lịch sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại như: tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội quảng bá hình ảnh, kích cầu du lịch nhằm thu hút khách.

Nhiều hoạt động đã được tổ chức, triển khai như: tham gia gian hàng tại Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2022 (ngày 31-3); hội nghị giới thiệu điểm đến của 5 địa phương tại Hà Nội (ngày 30-3); hội nghị hợp tác phát triển du lịch giữa 5 địa phương miền Trung với Hải Phòng, Quảng Ninh (ngày 3-4); Hội chợ Du lịch trực tuyến Danang FantastiCity từ ngày 17 đến ngày 25-3… Đặc biệt, 5 địa phương đã xây dựng clip quảng bá chung với tên gọi “Miền di sản diệu kỳ 2022”. Video này đã được 5 địa phương sử dụng để giới thiệu tổng quan các điểm nhấn trong sản phẩm du lịch của 5 điểm đến.

Theo đánh giá chung, việc liên kết, hợp tác này đã giúp các doanh nghiệp của 5 địa phương có thời gian và không gian thuận tiện để trưng bày, giới thiệu những sản phẩm đặc sắc của địa phương… Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng Nguyễn Thị Hoài An cho rằng việc mở rộng liên kết, hợp tác cho thấy tầm quan trọng của liên minh kích cầu, đặc biệt trong thời gian chờ thị trường quốc tế khôi phục, ngành du lịch chỉ phụ thuộc vào thị trường khách nội địa, do đó cần tập trung vào việc đẩy mạnh liên kết vùng du lịch để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tăng sức hấp dẫn cho du lịch mỗi địa phương cũng như khu vực. Đó là liên kết xây dựng nhiều gói sản phẩm đa dạng và hấp dẫn về giá và chất lượng; tạo động lực để doanh nghiệp các địa phương tăng cường kết nối hợp tác vì mục tiêu chung là cùng phục hồi, phát triển du lịch…

Cần đẩy mạnh công tác phối hợp

Dù hoạt động liên kết hợp tác mang lại hiệu quả song vẫn không tránh khỏi những vướng mắc nhất định do công tác phối hợp chưa đồng bộ. Chủ tịch Hội Lữ hành Quảng Nam Nguyễn Sơn Thủy bày tỏ tinh thần liên kết hợp tác giữa các địa phương để phát triển du lịch là rất tốt, góp phần chia sẻ nguồn lực để phát triển tổng thể khu vực. Tuy nhiên, cần làm sâu sắc và rõ nét hơn việc liên kết và nên có một “nhạc trưởng” điều phối chung cả vùng cho nhịp nhàng. Hiện nay, mỗi địa phương trong nhóm liên kết đều có một thế mạnh riêng nhưng quan trọng là kết nối, đưa thế mạnh đó thành một chuỗi sản phẩm cụ thể và sản phẩm này chính là sức mạnh của ngành du lịch miền Trung. Khi đó có thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm này đến các thị trường khách quốc tế, kéo dài chuyến đi, thời gian lưu trú của khách.

Đồng quan điểm, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Hồ Thanh Tú đánh giá ở thời điểm dịch bệnh xảy ra, trong những lần kích cầu du lịch, các gói sản phẩm tung ra bán đều được xây dựng trên tinh thần kết nối, hợp tác và đã mang lại những hiệu quả nhất định. Các địa phương cũng có được chương trình tour mang tính kết nối như “Con đường di sản”, “Miền di sản diệu kỳ”… Tuy nhiên, khi cao điểm khách nội địa, các đơn vị, doanh nghiệp của mỗi địa phương đều rất bận rộn với các kế hoạch, thị trường riêng nên công tác kết nối còn “lỏng lẻo”. Thời gian tới, hiệp hội sẽ kết nối, tổ chức các chương trình khảo sát, xúc tiến tại các thị trường mới như Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan…; thành lập các nhóm doanh nghiệp cùng khai thác chung một số thị trường khách để tăng sức mạnh cũng như tạo sự đa dạng cho sản phẩm của điểm đến.

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Xuân Bình, liên kết giữa các địa phương trong khu vực sẽ giúp mở rộng thêm không gian du lịch, đa dạng thêm các sản phẩm đặc trưng của vùng miền. Bởi hiện nay, hạ tầng giao thông đi lại thuận lợi, xu hướng du khách cũng thường muốn tự đi, khám phá. Việc kết nối các địa phương xoay quanh Đà Nẵng cũng cho thấy vai trò thành phố động lực của khu vực trong liên kết vùng; du khách sẽ có nhiều lựa chọn trong chuyến đi.

“Hiện nay, các địa phương đang luân phiên làm trưởng nhóm liên kết qua các năm, điều này cũng tốt nhưng mỗi địa phương có nguồn lực khác nhau, công tác xúc tiến, thị trường khác nhau… Đơn vị làm trưởng nhóm liên kết phải nhìn ra được điểm giao thoa giữa các địa phương để tạo ra sản phẩm chung. Bên cạnh đó, cần có sự điều phối chung hiệu quả hơn; các địa phương cũng có họp bàn, xây dựng kế hoạch nhưng khi triển khai phải tùy thuộc vào từng điều kiện cụ thể của mỗi địa phương nên cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp giữa các bên để việc liên kết thực sự hiệu quả”, ông Nguyễn Xuân Bình chia sẻ.

THU HÀ

.