Kinh tế
Quyết định tăng sản lượng dầu của OPEC+ không thể 'cứu vãn' giá xăng
Quyết định tăng sản lượng ít ỏi của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) không thể đưa thế giới vượt qua cơn khát dầu.
Logo của OPEC bên ngoài trụ sở chính của tổ chức tại Vienna, Áo tháng 3-2022. Ảnh: AP |
Theo hãng tin AP, tổ chức OPEC+ ngày 30-6 thông báo sẽ duy trì chính sách tăng sản lượng dầu đã lên kế hoạch vào tháng 8 tới, là tăng sản lượng thêm 648.000 thùng-ngày thay vì tăng 432.000 thùng-ngày như trước đây. Tuy nhiên, các nhà phân tích đánh giá mức tăng này không thể làm giảm giá xăng đang tăng vọt và tình trạng lạm phát mà khủng hoảng năng lượng gây ra cho nền kinh tế toàn cầu.
Quyết định tăng sản lượng dầu này được coi là thiện chí mà nước đứng đầu OPEC Saudi Araba gửi tới Tổng thống Mỹ Joe Biden. Chính quyền Mỹ trước đó đã thông báo về kế hoạch chuyến thăm chính thức đầu tiên của Tổng thống Joe Biden tới khu vực Trung Đông và một trong những điểm dừng chân là Saudi Arabia. Trước sức ép trong nước, Tổng thống Biden nhiều lần hối thúc các nước sản xuất dầu tăng sản lượng nhằm giúp hạ giá xăng dầu đối với những người điều khiển phương tiện ở Mỹ.
Hiện giá xăng dầu trên toàn thế giới cao chưa từng có. Ngày 14-6, giá xăng trung bình trên toàn quốc ở Mỹ đã nhảy vọt mức cao nhất từ trước đến nay là 5 USD-gallon (3,78 lít).
Về lý thuyết, OPEC có thể giúp hạ giá xăng nhờ vào việc tăng sản lượng. Tuy nhiên, đến ngay cả các nước sản xuất dầu cũng đang rất chật vật để sản xuất đủ định mức mà tổ chức quy định.
Nigeria và Angola là hai nước từ lâu không sản xuất đủ dầu theo mức đặt ra. Trong khi đó, Nga cũng hụt sản lượng do các khách hàng phương Tây không mua dầu của họ vì lo sợ các lệnh trừng phạt hoặc không muốn liên quan đến xung đột ở Ukraine. Theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản lượng của OPEC+ đã giảm 2,8 triệu thùng-ngày so với mức thỏa thuận vào tháng Năm.
Nhà phân tích hàng hóa Carsten Fritsch tại Commerzbank nhận xét: “Chỉ có rất ít nước thành viên có khả năng sản xuất đủ hạn ngạch. Câu hỏi đặt ra là liệu các quốc gia có năng lực dự phòng như Saudi Arabia hay Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất có được phép để thay các nước kia hoàn thành mục tiêu hay không”.
Đổ lỗi cho chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine là nguyên nhân khiến giá năng lượng toàn cầu tăng, tại hội nghị thượng đỉnh của Nhóm bảy nền kinh tế hàng đầu thế giới (G7) diễn ra trong tuần này, Mỹ đã gây sức ép lên các đối tác thiết lập một giá trần đối với dầu Nga. Washington hy vọng rằng cách làm này vừa duy trì được nguồn cung dầu toàn cầu vừa hạn chế được nguồn thu của Moskva.
Liên minh châu Âu cũng đã thông qua lệnh cấm đối với 90% lượng dầu nhập khẩu của Nga vào cuối năm nay.
Theo Báo Tin tức