Kinh tế
Doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động
Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tăng cao, song việc tuyển dụng lao động ở một số ngành nghề vẫn gặp không ít khó khăn, dù doanh nghiệp đã đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ hấp dẫn.
Nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp lớn, nhưng lao động đáp ứng yêu cầu chưa được như mong muốn. TRONG ẢNH: Sản xuất tại Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng (quận Cẩm Lệ). Ảnh: M.Q |
“Đỏ mắt” tìm lao động
Dịch vụ, du lịch, bán hàng, kinh doanh, công nghệ thông tin, thương mại điện tử… luôn là những ngành nghề dẫn đầu về nhu cầu tuyển dụng nhân sự. Doanh nghiệp sẵn sàng đưa ra mức lương hấp dẫn để chiêu mộ nhân sự, tuy nhiên, các công ty cho biết không thể tuyển đủ số lượng mong muốn. Mới đây, Công ty CP Đất Xanh Miền Trung tổ chức ngày hội tuyển dụng với nhu cầu gần 500 vị trí. Mức lương được công ty đưa ra từ 6-50 triệu đồng tùy việc trí việc làm cũng như nhiều chính sách ưu đãi.
Ông Trần Hoài Nam, Giám đốc điều hành Công ty TNHH MTV Smart City (thành viên Công ty CP Đất Xanh Miền Trung) thông tin, kết thúc ngày hội tuyển dụng, công ty nhận 290 hồ sơ ứng tuyển. Số lượng hồ sơ này vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu mở rộng kinh doanh nên công ty vẫn đang tiếp tục tuyển dụng sau ngày hội việc làm, nhất là các nhân sự yêu cầu cao như trưởng, phó phòng, giám đốc sàn kinh doanh.
Trong khi đó, Chi nhánh bưu chính Viettel Đà Nẵng - Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post) đang liên tục tuyển dụng 50-100 vị trí/tháng. Theo ông Phan Hữu Thi, Giám đốc Viettel Post Đà Nẵng, công ty có nhu cầu lớn về nhân sự kinh doanh bưu chính và nhân viên bán hàng bưu chính. “Để có nguồn nhân lực mới, công ty đã giao trưởng các cửa hàng Viettel Post của các quận, huyện phối hợp với địa phương để tìm kiếm nhân lực phù hợp. Bên cạnh đó, đơn vị đăng tuyển dụng qua nhiều kênh như mạng xã hội, chuyên trang tuyển dụng. Song, muốn tìm được ứng viên đáp ứng yêu cầu khá khó khăn”, ông Thi chia sẻ.
Ngoài tham gia các sàn việc giao dịch việc làm để tuyển dụng lao động, rất nhiều doanh nghiệp đã treo bảng thông báo tuyển dụng ở các khu công nghiệp (KCN). Các lĩnh vực sản xuất kinh doanh cần tuyển nhiều: may mặc, da giày, điện tử, cơ khí, thực phẩm... Trong đó, lĩnh vực dệt may vẫn là ngành được các doanh nghiệp tuyển dụng nhiều nhất. Các doanh nghiệp may mặc như Công ty TNHH Max Planning Vina, Công ty TNHH Kim Sora, Công ty TNHH MTV The Blues… có nhu cầu tuyển lượng lao động ở độ tuổi 18-25, mỗi công ty tuyển từ 200 lao động trở lên. Nhu cầu tuyển dụng tương đối lớn, tuy nhiên số lượng người lao động đến đăng ký tìm việc thấp, hầu như không có người trẻ.
Ông Nguyễn Chí Trực, Giám đốc Công ty CP Vinatex Quốc tế - Chi nhánh Đà Nẵng (đường số 3, KCN Hòa Khánh) cho hay, công ty kỳ vọng có thể tuyển được lao động có tay nghề, tuy nhiên điều này khó nên chủ trương của công ty vẫn là tuyển vào rồi đào tạo. Dẫu vậy, việc tuyển dụng vẫn không như mong muốn, nếu tuyển được lao động trẻ thì cũng không lâu dài, hay “nhảy việc” khiến doanh nghiệp mất thời gian cho việc phải tuyển dụng và đào tạo lại.
Tìm giải pháp thu hút, giữ chân lao động
Là doanh nghiệp có số lượng lao động lớn nhất KCN Hòa Khánh với 4.300 người, Công ty TNHH Daiwa Việt Nam vẫn gặp khó trong việc giữ chân lao động, dù chế độ đãi ngộ tương đối tốt so với nhiều doanh nghiệp trong KCN, đặc biệt là ưu tiên tạo việc làm cho lao động nữ.
Bà Nguyễn Thị Tú Uyên, Trưởng phòng nhân sự công ty thông tin, doanh nghiệp muốn tăng số lượng lao động lên 4.500 người và đã đăng tuyển từ đầu năm đến nay nhưng mãi vẫn không đủ số lượng. Nguyên nhân là khi tuyển được người mới thì lao động cũ lại nghỉ việc để chuyển sang làm ngành dịch vụ hoặc về quê để làm việc tại các KCN của địa phương. Để người lao động gắn bó với công ty, từ ngày 1-7, doanh nghiệp đã tăng toàn bộ lương của người lao động ở mức 6,5%, tương đương mức chi cho quỹ lương tăng thêm 1,2 tỷ đồng/tháng. Tương tự, ông Dương Tuệ, Giám đốc Công ty TNHH Kim Sora chia sẻ, công ty đang có các chế độ phụ cấp thâm niên, thưởng hiệu suất công việc mỗi tháng để khuyến khích và giữ chân người lao động.
Theo số liệu của Cục Thống kê, trong tháng 7, thành phố tổ chức 4 phiên giao dịch việc làm, thu hút 458 lượt doanh nghiệp tham gia với 20.272 lượt lao động có nhu cầu tuyển dụng, nhưng số lượng khớp nối chỉ là 253 lao động (tỷ lệ khớp nối 1,24%). Tổng các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố ước tạo việc làm cho 3.284 lao động; trong đó có 2.334 vị trí việc làm tăng thêm. Có thể thấy, nhu cầu tìm lao động của doanh nghiệp là rất lớn nhưng không tìm thấy lao động.
Ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng cho hay, lý do thiếu hụt lao động hiện nay là sau Covid-19, một bộ phận người lao động trở về quê và đã tìm được việc làm mới ở quê nhà. Ngoài ra, lao động trẻ có xu hướng thích làm công việc tự do như: chạy xe ôm công nghệ, giao hàng… Đó là những công việc nhận tiền ngay chứ không phải đợi cả tháng mới có lương.
Theo ông Diệp, do lao động tham gia sàn giao dịch việc làm đáp ứng rất ít so với nhu cầu tuyển của doanh nghiệp nên trung tâm đã kết nối với các tỉnh, thành phố hỗ trợ tuyên truyền thông tin tuyển dụng và tư vấn cho lao động phổ thông tại các địa phương đến Đà Nẵng làm việc. Với những doanh nghiệp và người lao động không thể tham gia phỏng vấn trực tiếp tại sàn, trung tâm hỗ trợ tư vấn, cung cấp thông tin tuyển dụng; đồng thời, phối hợp với trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố tư vấn việc làm cho lao động ngoài tỉnh được biết, đăng ký tham gia và kết nối phỏng vấn trực tuyến; phối hợp các trường cao đẳng, đại học, các quận huyện trên địa bàn tổ chức các phiên giao dịch việc làm di động…
Theo Cục Thống kê, lũy kế 7 tháng năm 2022, thành phố đã tổ chức 22 phiên giao dịch việc làm thu hút 2.345 lượt doanh nghiệp tham gia; đã khớp nối, giải quyết cho 1.731 lao động. Tổng các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố giải quyết việc làm đến tháng 7-2022 ước 25.918 lao động, trong đó số lao động tăng thêm là 18.817 người. |
MAI QUẾ