Doanh nghiệp thu hút nhân lực công nghệ thông tin

.

Từ nay đến năm 2025, thành phố cần đến 77.000 nhân lực công nghệ thông tin (CNTT). Bên cạnh nỗ lực của các trường trong việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT, thành phố và các doanh nghiệp cần đẩy mạnh thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu.

Các kỹ sư phần mềm đang làm việc tại một doanh nghiệp công nghệ thông tin ở quận Hải Châu. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Các kỹ sư phần mềm đang làm việc tại một doanh nghiệp công nghệ thông tin ở quận Hải Châu. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Ngày 18-6, Công ty TNHH Phần mềm FPT Đà Nẵng tổ chức sự kiện mừng tân gia tập thể cho gần 400 cán bộ, nhân viên đã mua căn hộ, định cư tại Khu chung cư FPT Plaza 1 (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) theo chính sách “an cư, lạc nghiệp” của công ty. Cùng với Khu chung cư FPT Palza 2 (25 tầng nổi và 1 tầng hầm) đang xây dựng, vào ngày 24-5, Công ty CP Đô thị FPT Đà Nẵng cũng đã khởi công xây dựng tổ hợp hạ tầng tại Khu đô thị FPT với các dự án: Khu phức hợp FPT Complex giai đoạn 3 (bảo đảm nơi làm việc của 10.000 kỹ sư CNTT), Trường Đại học FPT giai đoạn 2 (bảo đảm tiếp nhận 5.000 sinh viên cùng 5.000 học sinh liên cấp học tập), Trung tâm dữ liệu (Data Center), Khu chung cư FPT Plaza 3 (863 căn hộ)... với tổng giá trị đầu tư 2.600 tỷ đồng.

Tổng Giám đốc Công ty CP Đô thị FPT Đà Nẵng Nguyễn Văn Lộc cho rằng: “Sau khi hoàn thành, Khu phức hợp FPT Complex sẽ là nơi làm việc của 10.000 kỹ sư CNTT với kỳ vọng mang lại doanh thu về xuất khẩu phần mềm cho Đà Nẵng gần 200 triệu USD. Khi dự án Trường Đại học FPT hoàn thành, mỗi năm, chúng tôi sẽ cung cấp khoảng 2.000-3.000 nhân lực CNTT”.

Giám đốc Công ty TNHH Phần mềm FPT miền Trung Lê Hồng Lĩnh thông tin: “Nguồn nhân lực CNTT ở miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng đang thiếu nên việc “cầu hiền” về Đà Nẵng làm việc là rất cấp thiết. Cùng với việc đào tạo, chúng tôi đang áp dụng nhiều chính sách ưu đãi thu hút nguồn nhân lực trong, ngoài nước về Đà Nẵng làm việc”.

Theo đó, bên cạnh việc hỗ trợ kỹ sư được tuyển mới, thuyên chuyển, chuyển vùng và hỗ trợ tiền thuê nhà, phí đi lại, công tác phí..., những kỹ sư mới về làm việc tại Đà Nẵng ở những vị trí quan trọng sẽ được xem xét hỗ trợ mua nhà tại các khu chung cư FPT Plaza với giá ưu đãi. Trong năm 2022, Công ty TNHH Phần mềm FPT Đà Nẵng để dành gần 100 căn hộ ở Khu chung cư FPT Plaza 2 để “cầu hiền” (bàn giao vào tháng 3-2023). Ngoài ra, còn được hỗ trợ lãi suất tối đa 4% khi vay tiền ngân hàng mua nhà, mua đất, xây nhà, sửa nhà, mua ô-tô...

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, Công ty TNHH Phần mềm FPT Đà Nẵng đang cần 10.000 nhân lực CNTT trong những năm đến, vượt quá năng lực đào đạo của các cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố. Trong khi đó, sắp đến, Khu CNTT tập trung Đà Nẵng (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) cần đến 2.000 nhân lực CNTT; Khu Công viên phần mềm số 2 (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) dự kiến đưa vào sử dụng từ tháng 8-2022 cũng cần đến 6.000 nhân lực CNTT... Ngoài ra còn có nhu cầu rất lớn về nhân lực CNTT làm việc tại các dự án đang chuẩn bị đầu tư như: Trung tâm Phần mềm và công nghệ cao Viettel Đà Nẵng, dự án Không gian sáng tạo tại phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), dự án Khu CNTT Đà Nẵng Bay (quận Liên Chiểu)...

Trong khi đó, trên địa bàn thành phố hiện có 38 cơ sở đào tạo về CNTT, trong đó 20 trường đại học, cao đẳng và 18 trường trung cấp, trung tâm đào tạo nghề và trung tâm đào tạo phi chính quy. Trong năm 2021, tổng số chỉ tiêu tuyển sinh chuyên ngành CNTT trên địa bàn thành phố chỉ hơn 6.000 học sinh, sinh viên, trong đó có 4.500 chỉ tiêu đào tạo trình độ đại học, cao đẳng.

“Từ nay đến năm 2025, thành phố đang cần đến 77.000 nhân lực CNTT. Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố chưa đáp ứng được nhu cầu về nguồn lực CNTT”, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Ngọc Thạch thông tin.

Xuất phát từ thực trạng đó, ông Trần Ngọc Thạch cũng cho biết thời gian đến, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực CNTT, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Cùng với đó, sở phối hợp với các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút nguồn nhân lực CNTT từ các địa phương khác, đặc biệt là từ nước ngoài về Đà Nẵng làm việc.

Ông Nguyễn Văn Chương, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng, đề xuất việc hợp tác đào tạo giữa 3 “nhà” gồm: doanh nghiệp, trường học, chính quyền theo đơn đặt hàng. Các doanh nghiệp cần chuyển từ tư duy “săn đầu người“ sang ươm mầm, nuôi dưỡng, tạo nguồn, chủ động đào tạo. Doanh nghiệp phối hợp với nhà trường triển khai các chương trình on-job-training (đào tạo - huấn luyện), cùng tham gia công tác giảng dạy để tiếp cận và đào tạo sinh viên ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, rút ngắn khoảng cách chất lượng đầu ra với nhu cầu đầu vào của doanh nghiệp... Ngoài ra, các doanh nghiệp và thành phố cần hợp tác thu hút nguồn nhân lực, thúc đẩy khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT, chuyển đổi số (bao gồm hỗ trợ nghiên cứu khoa học, chuyển giao đổi mới công nghệ...). Thực tế, kết quả hoạt động các công ty khởi nghiệp đã thu hút số lượng lớn các nhân tài CNTT, nhà đầu tư, các chuyên gia... từ các nước phát triển, tiên tiến về sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.