Kinh tế
Giá vàng thế giới chứng kiến chuỗi ngày giảm dài nhất kể từ tháng 11-2021
Tuần qua chứng kiến diễn biến ảm đạm của thị trường vàng thế giới, khi đồng USD mạnh lên và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tiến hành thêm các đợt nâng lãi suất trong thời gian sắp tới đã đẩy giá vàng vào chuỗi ngày giảm kéo dài nhất kể từ tháng 11-2021.
Vàng miếng được sản xuất tại Nga. Ảnh: TASS/TTXVN |
Mặt hàng kim loại quý này đi xuống ngay trong phiên giao dịch đầu tuần này, cho dù dữ liệu kinh tế Mỹ đã góp phần hạn chế phần nào đà giảm của giá vàng. Cụ thể, chỉ số điều kiện kinh doanh Empire State của chi nhánh Fed tại New York đã giảm mạnh trong tháng Tám khi giảm xuống mức âm 31,3 (điểm). Đây là một trong những mức thấp nhất trong lịch sử của chỉ số này. Ngoài ra, chỉ số niềm tin hàng tháng của Hiệp hội các chủ thầu xây dựng nhà quốc gia của Mỹ (NAHB) giảm 6 điểm xuống 49 điểm trong tháng Tám. Mức 49 điểm được ghi nhận lần đầu tiên kể từ tháng 5-2020.
Phiên tiếp theo (ngày 16-8), đồng USD neo gần mức cao của ba tuần tiếp tục tạo sức ép giảm giá cho vàng. Nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya thuộc công ty môi giới tài chính OANDA (Mỹ) cho hay giá vàng giảm trong bối cảnh đồng USD tiếp tục được củng cố trước biên bản cuộc họp của Fed. Theo ông, thị trường vàng sẽ rất bấp bênh cho đến tháng 9-2022, thời điểm diễn ra cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo của Fed.
Mặc dù sau khi biên bản cuộc họp chính sách tháng Bảy của Fed được công bố cho thấy ngân hàng trung ương này tin rằng cần phải có lập trường chính sách hạn chế hơn để đáp ứng nhiệm vụ kép là kiểm soát lạm phát và thúc đẩy việc làm, đồng thời dự đoán tốc độ tăng lãi suất sẽ chậm hơn vào một số thời điểm, qua đó giúp vàng phục hồi chút ít trong phiên 17-8, song đà phục hồi không duy trì lâu do lợi suất trái phiếu Mỹ tiếp tục tăng mạnh.
Chiến lược gia về hàng hóa của công ty chứng khoán TD Securities (Mỹ), ông Daniel Ghali cho rằng, Fed có thể đẩy lùi quan điểm rằng chu kỳ tăng lãi suất có thể sắp kết thúc tại Hội nghị chuyên đề kinh tế Jackson Hole sắp tới, vì “còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng lạm phát”. Bà Mary Daly, Chủ tịch chi nhánh Fed tại San Francisco, cho biết mức tăng lãi suất 50 hoặc 75 điểm cơ bản vào tháng Chín tới sẽ là “hợp lý”.
Trong khi đó, ông Carsten Menke, người đứng đầu công ty nghiên cứu Next Generation Research (Mỹ) cho rằng giả sử Fed có thể chống lạm phát mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái, nhu cầu với các loại tài sản trú ẩn an toàn như vàng sẽ giảm xuống hơn nữa, từ đó đẩy giá vàng giảm dần trong trung hạn đến dài hạn.
Phiên giao dịch cuối tuần ngày 19-8, giá vàng giảm phiên thứ 5 liên tiếp, đánh dấu chuỗi lao dốc dài nhất kể từ tháng 11-2021, giữa bối cảnh đồng USD chạm mức cao nhất ba tuần làm giảm sức hấp dẫn của vàng.
Kết thúc phiên giao dịch này, giá vàng giao ngay giảm 0,6% xuống 1.748,58 USD-ounce và chạm mức thấp nhất kể từ ngày 28-7 vào đầu phiên. Giá vàng giao kỳ hạn cũng mất 0,5%, xuống còn 1.762,9 USD-ounce.
Sau khi tăng trong 4 tuần trước, giá vàng đã giảm 2,9% trong tuần này, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 8-7-2022.
Jim Wyckoff, chuyên gia phân tích cấp cao tại Kitco Metals, nhận định: “Yếu tố chính gây áp lực đi xuống cho thị trường vàng là sự hồi sinh của đồng USD… Vàng và đồng USD cạnh tranh là những tài sản trú ẩn an toàn, lãi suất Mỹ cao hơn dẫn đến đồng USD mạnh hơn, điều này sẽ góp phần làm vàng giảm giá hơn nữa”.
Chỉ số đồng USD tăng mạnh khiến vàng trở nên kém hấp dẫn hơn đối với những nhà đầu tư đang nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Một loạt quan chức Fed ngày 18-8 cho hay, ngân hàng này cần tiếp tục nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát, , ngay cả khi họ tranh luận về việc nâng lãi suất nhanh và cao như thế nào.
Rupert Rowling, chuyên gia phân tích thị trường tại Kinesis Money, nhận định rằng nhà đầu tư sẽ nhìn xuống mức giá 1.700 USD/ounce như mốc hỗ trợ quan trọng tiếp theo của giá vàng, thay vì bất kỳ mốc tăng nào.
Theo TTXVN