Làm gì để thu hút người dân đi xe buýt trợ giá?

.

Với mục tiêu phát triển hệ thống giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân, giảm áp lực cho hạ tầng giao thông, từ tháng 10-2016 đến năm 2022, thành phố triển khai 12 tuyến xe buýt trợ giá (5 tuyến vừa hết hạn hợp đồng). Hiện thành phố chỉ còn 4 tuyến buýt trợ giá đang hoạt động và thực tế cho thấy, người dân sử dụng phương tiện này còn ít.

Người dân chờ đi xe buýt trợ giá của thành phố. Ảnh: THÀNH LÂN
Người dân chờ đi xe buýt trợ giá của thành phố. Ảnh: THÀNH LÂN

Người dân chưa mặn mà với xe buýt trợ giá

Theo chị Trần Thị Dung (một du khách đến từ Hà Nội), chất lượng dịch vụ xe buýt trợ giá của Đà Nẵng hơn hẳn các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh do sạch sẽ, thoáng mát, tiện nghi tương đối đầy đủ, trong đó có cả thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật, giá vé phù hợp với người lao động là 6.000 đồng/lượt/hành khách. Bên cạnh đó, đơn vị khai thác còn đa dạng hóa hình thức bán vé như: trực tiếp, online, qua các ứng dụng công nghệ... nhưng lại có quá ít người tham gia sử dụng xe buýt trợ giá.

Anh Hồ Tấn Ngọc (một cán bộ làm việc trong Khu Công nghệ cao Đà Nẵng) đánh giá, không chỉ dịch vụ tốt, xe mới, khi sử dụng các tuyến buýt trợ giá của thành phố, nhiều đối tượng còn được miễn phí giá vé như: miễn 100% tiền vé đối với cán bộ lão thành cách mạng; cán bộ tiền khởi nghĩa; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng lực lượng vũ trang; Anh hùng lao động; thương, bệnh binh có tỷ lệ thương tật từ 81% trở lên... Đồng thời giảm 50% giá vé tháng đối với thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp theo chế độ liệt sĩ; thương, bệnh binh có tỷ lệ thương tật dưới 81%; người khuyết tật nhẹ; học sinh, sinh viên (không kể học viên hệ đào tạo vừa học vừa làm); hộ nghèo... Song, người dân vẫn còn thờ ơ với loại hình vận tải này.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, nguyên nhân tỷ lệ người dân đi xe buýt vẫn còn thấp là do thói quen sử dụng xe máy cá nhân; bên cạnh đó, hệ thống mạng lưới xe buýt chưa phủ rộng khắp và phân bố đồng đều trên địa bàn. Nếu như năm 2021, mạng lưới tuyến buýt trợ giá có 11 tuyến với tổng chiều dài khoảng 222km và 147 xe buýt thì hiện nay, Đà Nẵng chỉ còn 4 tuyến buýt trợ giá đang hoạt động với tổng số 26 xe (trong đó, 5 tuyến buýt trợ giá mở từ tháng 12-2016 đã hết thời hạn hợp đồng); một số vị trí điểm dừng còn xa hơn 500m; khu vực vỉa hè dành cho người đi bộ tiếp cận xe buýt chưa được thuận lợi...

Ngoài ra, thành phố cũng chưa có nguồn lực trợ giá một lần cho toàn bộ mạng lưới bao phủ cả khu vực trung tâm thành phố mà phải đầu tư dần dần. Ban đầu, người dân phải đi bộ từ nhà đến điểm đón xe buýt vài trăm mét hoặc đổi 2 đến 3 tuyến mới đến điểm cần đến...

Được biết, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đang tiến hành sắp xếp lại các tuyến cho phù hợp hơn và tổ chức đấu thầu đưa các tuyến buýt hết hạn hợp đồng vào hoạt động trở lại, dự kiến vào quý 3-2023. Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT Bùi Hồng Trung cho biết, trong 5 năm qua, hệ thống xe buýt trợ giá đã vận chuyển hơn 13 triệu lượt hành khách. Sản lượng hành khách ở các tuyến không đồng đều, có tuyến đạt hiệu quả, có tuyến còn thấp.

Đặc biệt, trong 2 năm 2020, 2021, Covid-19 đã ảnh hưởng đến tình hình vận hành xe buýt trợ giá khiến sản lượng hành khách giảm nhưng thành phố vẫn duy trì hệ thống mạng lưới xe buýt công cộng. Theo đó, doanh thu thực tế đạt được thấp hơn nhiều so với dự toán trong hồ sơ hợp đồng thầu vận hành, dẫn đến nhà thầu (Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1) gặp khó khăn trong công tác điều hành hoạt động của dự án.

Khắc phục bất cập, tồn tại để thu hút khách

Để khắc phục các bất cấp, Sở GTVT sẽ điều chỉnh lộ trình đối với một số tuyến buýt có hướng tuyến đi chưa phù hợp, tối ưu lộ trình; tăng khả năng tiếp cận với nhóm đối tượng có nhu cầu sử dụng xe buýt (sinh viên, học sinh, khách du lịch, người lao động ngoài khu vực trung tâm thành phố…); hạn chế lưu thông qua các đoạn đường hẹp (dưới 7,5m). Đồng thời, sở cũng đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân để nhận biết tác động tích cực của loại hình vận tải công cộng.

Hiện Sở GTVT đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân và phân luồng giao thông trên địa bàn thành phố, không cho phép đỗ xe trên một số tuyến đường giao thông, trước hết là trục giao thông chính vào giờ cao điểm; các tuyến đường có tuyến buýt vận hành; các tuyến đường có bề rộng mặt đường nhỏ hơn 5,5-7,5m ở khu vực trung tâm (quận Hải Châu, Thanh Khê)…

Đồng thời làm việc với các trường học để kiểm soát tình trạng học sinh đi xe máy đến trường; vận động công nhân đi xe buýt thay thế xe cá nhân tại các khu vực nhà máy đã có tuyến buýt đi qua. Về lâu dài, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư thêm nhiều tuyến xe buýt, điểm đón rút ngắn còn 100-200m, chuyển 1 hoặc 2 tuyến để thuận lợi cho người dân… Đặc biệt, tăng cường tiếp cận các điểm thu hút; kết nối giữa các tuyến xe buýt với nhau, giữa các điểm đầu - cuối xe buýt đến các đầu mối vận tải chính như bến xe, cảng hàng không, ga tàu…

Bên cạnh đó, rà soát, bố trí điểm dừng tại các điểm thu hút để thuận lợi cho hành khách; đầu tư điểm trung chuyển xe buýt kết nối các tuyến vận tải hành khách công cộng với nhau, giúp hành khách chuyển tuyến một cách dễ dàng. Cùng với đó, đơn vị thường xuyên kiểm tra giám sát các tuyến buýt trợ giá thông qua thiết bị giám sát hành trình trên xe buýt để xử lý các trường hợp vi phạm gồm: bỏ điểm dừng, xuất bến không đúng giờ, chạy sai lộ trình, bỏ lượt… trích xuất dữ liệu qua camera trên xe buýt để kịp thời xử lý các vi phạm liên quan đến thái độ phục vụ của lái phụ xe cũng như các phản ảnh liên quan của hành khách.

THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.