Thiếu đá xây dựng các công trình trọng điểm

.

Dự báo trữ lượng đá phục vụ nhu cầu xây dựng các công trình, nhà ở tư nhân và công trình trọng điểm, động lực trên địa bàn thành phố trong thời gian đến là rất lớn. Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị và địa phương nghiên cứu, khảo sát đề xuất UBND thành phố cho phép, tăng cường khai thác bảo đảm cung ứng nhu cầu đá xây dựng cho các công trình.

Mỏ đá Sơn Phước (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) được thăm dò nâng trữ lượng để khai thác trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu đá xây dựng các công trình trên địa bàn thành phố. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Mỏ đá Sơn Phước (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) được thăm dò nâng trữ lượng để khai thác trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu đá xây dựng các công trình trên địa bàn thành phố. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Thiếu đá xây dựng

Thành phố đang đôn đốc các đơn vị thi công hoàn thành các công trình trọng điểm, động lực như: Tuyến đường vành đai phía tây đoạn từ tuyến quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh; tuyến đường vành đai phía tây 2 thuộc Dự án Cải thiện hạ tầng giao thông đô thị..., đồng thời thành phố cũng chuẩn bị triển khai, khởi công nhiều công trình, dự án lớn, đặc biệt là dự án cảng Liên Chiểu và tuyến đường ven biển nối cảng Liên Chiểu. Đây đều là những công trình trọng điểm có nhu cầu đá với trữ lượng rất lớn để làm vật liệu xây dựng.

Ông Lê Thành Hưng, Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng cho hay: “Chúng tôi đã tổng hợp, gửi số liệu về trữ lượng đá xây dựng cần đáp ứng để thi công các công trình trọng điểm, động lực của thành phố, nhất là cảng Liên Chiểu, đến Sở Tài nguyên và Môi trường để báo cáo, đề xuất UBND thành phố có chỉ đạo giải pháp bảo đảm nhu cầu đá xây dựng cho các công trình”.

Còn một số chủ mỏ đá đang cải tạo, phục hồi môi trường để đóng cửa mỏ tại quận Liên Chiểu cho rằng, do trong năm 2021, UBND thành phố có chủ trương tạm dừng hoạt động các mỏ đá có thời hạn khai thác đến hết năm 2020 cùng các mỏ đá chờ gia hạn giấy phép khai thác và yêu cầu nhiều mỏ đá trong năm cải tạo môi trường, đóng cửa mỏ nên nguồn cung về đá xây dựng sụt giảm.

Tuy nhiên, trong 2 năm 2020 và 2021, do tác động của Covid-19, tình hình xây dựng các công trình có giảm. Chính vì vậy, trữ lượng đá xây dựng đã khai thác, đang còn tồn ở các mỏ chỉ đáp ứng đủ nhu cầu về đá xây dựng trên địa bàn đến hết năm 2022. Nhưng đến năm 2023, nhu cầu về đá để xây dựng rất lớn, riêng công trình cảng Liên Chiểu khởi công trong thời gian tới sẽ có nhu cầu ít nhất là 1 triệu m3 đá xây dựng.

Trong khi đó, một số chủ mỏ đá tại huyện Hòa Vang bày tỏ lo lắng bởi sau một thời gian dài tạm dừng khai thác, mặt bằng phía trước mỏ không còn rộng như trước đây để có thể tập kết máy móc, thiết bị chế biến do bị một số người lấn chiếm và trồng cây keo lá tràm ở khu vực khai thác đá... Việc này gây khó khăn trong việc triển khai chuẩn bị đưa mỏ vào hoạt động trở lại, gây nguy cơ chậm trễ trong việc cung ứng đá xây dựng cho các công trình trên địa bàn thành phố.

Tăng cường khai thác

Hiện nay, trong các mỏ đá đang hoạt động theo giấy phép khai thác, có 2 mỏ đá Trường Bản (xã Hòa Sơn) và Sơn Phước (xã Hòa Ninh) đã được thăm dò nâng trữ lượng và được UBND thành phố phê duyệt trữ lượng đá xây dựng và khoáng sản đi kèm. Để bảo đảm nhu cầu đá xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các sở, ban, ngành đề xuất UBND thành phố cho phép một số mỏ đá vừa có trữ lượng còn lại lớn, vừa có công suất khai thác đá thấp hơn 100.000m3/năm (như các mỏ đá: Hố Bạc 3, Phước Thuận, Phước Nhân) được nâng công suất khai thác, tối đa là 200.000m3/năm. Đồng thời, cho phép 4 mỏ đá Hố Bạc, Hố Bạc 2, Hố Trầu, Hốc Khế 2 nằm trong ranh giới sử dụng đất thuộc dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn xã Hòa Nhơn trước đây (huyện Hòa Vang) được gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản đến hết năm 2025 (như các mỏ đá ở lân cạnh như: Hố Bạc 3, Suối Mơ 2...) với tổng sản lượng đá khai thác hằng năm được bổ sung là 352.000m3.

Cùng với đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình UBND thành phố cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án khai thác các mỏ đá Hốc Khế, Hốc Khế 1 và Phước Sơn, làm cơ sở để doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị UBND thành phố chấp thuận kế hoạch thăm dò nâng trữ lượng một số mỏ đá để đưa khoáng sản đá vào khai thác nhằm bổ sung một phần khối lượng đá cho các công trình trong giai đoạn tới; yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý các dự án lập hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản trong đất dự án, công trình nếu trong hồ sơ thiết kế công trình có phát sinh khối lượng đá thừa, đề xuất công trình cụ thể được sử dụng trữ lượng đá này...

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng thông tin thêm, trước tình hình công suất khai thác các mỏ hiện tại không đáp ứng được nhu cầu vật liệu xây dựng cho các công trình trọng điểm của thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND thành phố thêm một số biện pháp trước mắt như: đẩy nhanh đấu giá, cấp quyền khai thác để tiến hành khai thác các mỏ khoáng sản theo quy hoạch; cho phép một số ban quản lý dự án khai thác đá trong phạm vi dự án nếu đủ điều kiện theo quy định... Về lâu dài, trên cơ sở quy hoạch thăm dò khoáng sản làm vật liệu thông thường, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thực hiện khoanh định vùng, khu vực có tiềm năng để tích hợp vào Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục triển khai đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường...

Mỗi năm cần 1,7 triệu m3 đá đáp ứng nhu cầu xây dựng tại các dự án
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, từ nay đến năm 2030 sẽ là thời kỳ triển khai mạnh các dự án trên địa bàn thành phố, dẫn đến nhu cầu đá xây dựng tăng cao, trung bình mỗi năm khoảng 1,7 triệu m3 đá. Trong khi đó, theo quy hoạch sau năm 2020, hiện nay còn lại 10 mỏ đá được tiếp tục hoạt động, gồm: Phước Thuận, Suối Mơ 2, Hố Bạc 3, Trường Bản, Hóc Già Hạnh, Hố Mùn 2, Sơn Phước, Hố Chuồn, Hố Lưỡi Mèo 1, Phước Nhân với tổng trữ lượng đá hằng năm là 808.000m3 (trong đó, các mỏ Phước Thuận, Hố Chuồn đang lập hồ sơ gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản). Nhu cầu đá xây dựng các công trình trên địa bàn thành phố còn thiếu với trữ lượng lớn, thiếu khoảng 400.000-900.000m3/năm.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.