Kinh tế
Đà Nẵng hướng đến hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung
ĐNO - Ngày 22-9, tại Đà Nẵng, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) tổ chức hội nghị thường niên 2022 với sự tham dự của gần 500 đại biểu đến từ 79 cảng thành viên.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam cho biết, với vị trí trọng yếu về kinh tế, chính trị và quốc phòng - an ninh, Đà Nẵng đang được chọn và định hướng phát triển trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển không chỉ ở Việt Nam mà còn mang tầm khu vực.
Nghị quyết của Đảng bộ thành phố đặt tầm nhìn đến năm 2030 xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, hướng đến đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống; người dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc và sáng tạo; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm.
Đà Nẵng có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển. Để phát triển du lịch biển, thành phố đã chú trọng đầu tư hạ tầng, ưu tiên đầu tư các khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao; đồng thời xây dựng Cảng Tiên Sa phục vụ du lịch đường biển; xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch biển Đà Nẵng mang tầm đẳng cấp quốc tế.
Ngoài ra, thành phố còn hướng đến hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung; xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics với hệ thống các cảng biển Tiên Sa, Liên Chiểu; hình thành các trung tâm logistics cảng Liên Chiểu, Hòa Vang...
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam cho rằng, “chìa khóa” phát triển bền vững kinh tế biển ở Đà Nẵng chính là tăng trưởng xanh, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, phát triển trên nền tảng tăng trưởng xanh, khai thác có hiệu quả và bền vững tài nguyên biển, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển.
Đồng thời mong muốn các cảng biển của Đà Nẵng kết nối thêm với các cảng biển trong khu vực và trên thế giới; Hiệp hội Cảng biển Việt Nam hỗ trợ phát triển, kết nối rộng hơn cho mục tiêu phát triển kinh tế biển của thành phố.
Đà Nẵng sẽ hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối giữa đường biển, đường bộ, đường sắt và đường hàng không thuận tiện hơn trong thời gian tới. Qua đó, tạo điều kiện cho việc phát triển thêm dịch vụ logistics và hệ thống cảng biển tại miền Trung Việt Nam; kết hợp với nhiều cơ chế, điều kiện thuận lợi khác để thu hút đầu tư trong và ngoài nước tham gia phát triển sản xuất kinh doanh tại Đà Nẵng, song song với mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế biển của thành phố.
Theo báo cáo tại hội nghị, hàng hóa, số lượng container thông qua cảng biển trong năm 2021 giảm gần 1% so với năm trước, nhưng sản lượng container tăng được khoảng 8%. Dự kiến cả năm 2022, sản lượng hàng qua cảng tăng khoảng 6- 8% so với 2021.
Tại miền Trung, cảng Đà Nẵng và cảng Quy nhơn dẫn đầu với hơn 10 triệu tấn hàng thông qua năm 2021. Riêng cảng Đà Nẵng có sản lượng container cao nhất, với hơn 668.000 TEU (tăng 20%). Cảng Đà Nẵng đứng thứ 8 trong danh sách 20 cảng dẫn đầu về sản lượng thông qua và hàng container trong năm 2021.
Tại hội nghị, VPA kiến nghị với Nhà nước và các cơ quan chức năng liên quan điều chỉnh giá dịch vụ biển sát với quy mô đầu tư và nhu cầu phát triển của từng cảng biển để phát huy tiềm năng để cạnh tranh của toàn khối cảng biển, thu hút đầu tư vào kết cấu hạ tầng cảng biển Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần xem công tác nạo vét, duy tu cảng biển là hoạt động công ích; ưu tiên đầu tư cho luồng lạch, giao thông kết nối cảng biển với hâu phương theo quy mô thiết kế và tiềm năng phát triển của từng khu vực cảng biển; có nghị định hướng dẫn thực hiện cơ chế đổi mới phá triển cảng biển theo mô hình cơ quan quản lý cảng biển vùng miền theo quy định của Bộ Luật hàng hải năm 2015…
VĂN HOÀNG