Kinh tế

Giải pháp phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Bài cuối: Đánh thức tiềm năng và phát huy tính liên kết vùng

08:39, 21/09/2022 (GMT+7)

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐMT) đang có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp lớn vào sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, cần sớm có giải pháp khắc phục những tồn tại, phát triển đúng hướng, trở thành vùng động lực, đầu tàu kinh tế mạnh, có sức lan tỏa lớn cho cả Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và cả nước.

Các địa phương Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần xây dựng định hướng, giải pháp liên kết phát triển. Trong ảnh: Quang cảnh tọa đàm “Liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới” tổ chức tại tỉnh Quảng Nam ngày 1-7-2022.  Ảnh: TRIỆU TÙNG
Các địa phương Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần xây dựng định hướng, giải pháp liên kết phát triển. TRONG ẢNH: Quang cảnh tọa đàm “Liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới” tổ chức tại tỉnh Quảng Nam ngày 1-7-2022. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Phát triển chưa tương xứng tiềm năng

Tại tọa đàm khoa học “Liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm trong bối cảnh mới” tổ chức vào tháng 7 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng, nhìn về tổng thể, dù duy trì được mức tăng trưởng cao trong thời gian dài nhưng quy mô nền kinh tế Vùng KTTĐMT còn tương đối nhỏ và chiếm tỷ trọng khá thấp trong nền kinh tế Việt Nam; thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với trung bình của cả nước; nông nghiệp phát triển chưa bền vững, hiệu quả chưa cao, cơ cấu chuyển dịch chậm, chưa rõ nét. Một số địa phương tuy có số thu ngân sách lớn nhưng còn phụ thuộc nhiều vào một số doanh nghiệp lớn đóng trên địa bàn.

Những khó khăn, vướng mắc nhất trong liên kết vùng đã được lãnh đạo 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định đề cập.

Thứ nhất, việc thành lập hội đồng vùng hay tổ điều phối vùng không phải là vấn đề quan trọng mà quan trọng là thể chế, cơ chế để các tổ chức này hoạt động. Bởi khu vực miền Trung đã chủ động thành lập ban điều phối vùng nhưng chỉ hoạt động thực chất được một thời gian, sau đó không phát huy được hiệu quả như kỳ vọng.

Thứ hai, phải có vai trò của Trung ương trong việc điều phối thì mới đủ thẩm quyền, có hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn.

Thứ ba, cần phải có nguồn lực để bảo đảm cho Vùng KTTĐMT, bởi nếu đã xác định vùng trọng điểm thì phải có cơ chế để ưu tiên đột phá phát triển vùng trọng điểm, tạo sức lan tỏa và là động lực kích thích cho vùng kinh tế đã được xác định.

Thứ tư, có nên nghiên cứu phân lại vùng kinh tế trọng điểm, nên chăng phải tính đến cả các tỉnh Tây Nguyên vì hiện nay Vùng TKTĐMT mới chỉ liên kết các tỉnh theo trục dọc, chưa có liên kết ngang...

Tại cuộc tọa đàm này, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nêu vấn đề: “Tại sao không tính toán liên kết với các tỉnh vùng Tây Nguyên với thế mạnh khác biệt, vừa hỗ trợ đáp ứng những cái vùng ven biển cần liên kết, bởi miền Trung là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên, kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông Tây”. 

Trong khi đó, theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân, có Hội đồng vùng là cần thiết nhưng hơn hết là cần có cơ chế hoạt động như thế nào, thực quyền ra sao để điều phối, định hướng, chỉ đạo liên kết phát triển chung; đồng thời cho rằng không có chính sách ưu tiên cho miền Trung thì khó tạo động lực để liên kết phát triển.

Cơ chế hoạt động cho Hội đồng vùng cần phải có nghị quyết để thực thi chính sách thuận lợi. Thẩm quyền đến đâu, nguồn lực điều phối là chuyện đáng bàn vì nếu Hội đồng vùng không có thực quyền thì sẽ không giải quyết chuyện liên kết phát triển Vùng KTTĐMT.

Định hướng, giải pháp liên kết phát triển kinh tế vùng

Tại hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 16-8-2004 và Kết luận số 25-KL/TW ngày 2-8-2012 tổ chức tại thành phố Đà Nẵng vào trung tuần tháng 8-2022, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng kiến nghị Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, đề nghị xem xét việc phân chia vùng cho hợp lý hơn; tích hợp các định hướng phát triển của các địa phương đã có nghị quyết phát triển riêng như Nghị quyết số 43-NQ/TW do Bộ Chính trị ban hành ngày 24-1-2019 về phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vào nghị quyết mới của vùng, hình thành các cụm, nhóm địa phương có những đặc thù về địa lý, có khả năng liên kết tiềm năng, lợi thế có thể hỗ trợ cho nhau.

Chính phủ cần chỉ đạo hoàn thiện thể chế của Hội đồng điều phối Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, trong đó có Vùng KTTĐMT để kịp thời tham gia vào quá trình xây dựng và triển khai quy hoạch vùng; nghiên cứu, rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng điều phối vùng theo hướng trao đủ thực quyền ra quyết định; góp phần giải quyết những bất cập trong thời gian qua, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong điều phối, phát triển vùng. 

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cũng đề nghị các địa phương trong Vùng KTTĐMT chủ động hợp tác, thống nhất về chủ trương, kinh phí và đầu mối cụ thể để xây dựng giải pháp phối hợp hằng năm, tạo không gian kinh tế thống nhất, hạn chế cạnh tranh không hiệu quả giữa các địa phương. Tại mỗi địa phương, các cơ quan quản lý phải hình thành cơ chế trao đổi thông tin; thúc đẩy hợp tác công - tư, cùng nhau giải quyết các vấn đề về hạ tầng, nhân lực, chất lượng dịch vụ, biến động giá cả...

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng theo nguyên tắc cùng nhau vượt qua khó khăn, cùng nhau có lợi, khai thác hiệu quả nhất kết cấu hạ tầng kết nối nội vùng, liên vùng; đồng thời, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh các ngành, lĩnh vực nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương là hết sức cấp thiết. Tuy nhiên, cơ chế, vai trò hoạt động của Hội đồng vùng phải có đủ lực và có nhạc trưởng.

Xây dựng định hướng, giải pháp liên kết phát triển kinh tế Vùng KTTĐMT được đặt ra trong bối cảnh các địa phương đang lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng như lập quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng. Đây là những thời cơ và thách thức trong phát triển kinh tế Vùng KTTĐMT và cũng là bản lề cho động lực phát triển.

Để thắt chặt sợi dây liên kết, tạo động lực phát huy thế mạnh của mỗi địa phương trong vùng đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống từ Trung ương đến cấp ủy, chính quyền các địa phương trong đổi mới cơ chế, chính sách, phát huy hiệu quả, sức mạnh của liên kết vùng.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Kinh tế Việt Nam bày tỏ, cần nhanh chóng xây dựng quy hoạch phát triển Vùng KTTĐMT, trong đó tập trung xác định cấp độ lợi thế vùng của các cảng biển, cảng hàng không, các tài nguyên du lịch vùng, ưu tiên phát triển cho các dự án lớn, chặn trước nguy cơ gây lãng phí tài nguyên và tổn hại quá trình phát triển.

Cùng quan điểm, Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, đề nghị cần khẩn trương lập quy hoạch Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ thời kỳ 2021-2030 và hoàn thiện cơ chế liên kết, điều phối phát triển vùng. Qua đó kiến nghị Trung ương cấp thiết cho phép nghiên cứu, sửa đổi, thí điểm cơ chế chia sẻ nguồn thu và nhiệm vụ chi ở cấp vùng, một mặt vừa bảo đảm nguồn lực hỗ trợ hoạt động của bộ máy điều hành vùng, mặt khác giải quyết bài toán xung đột lợi ích, tập trung phát triển hệ thống hạ tầng dùng chung (sân bay, cảng biển, viễn thông, trung tâm nghiên cứu, đào tạo…).

Để liên kết phát triển miền Trung hiệu quả cần giải quyết 4 vấn đề: quy hoạch phân bố các ngành kinh tế, các lĩnh vực, địa bàn phát triển; liên kết xây dựng kết cấu hạ tầng chung (nhất là giao thông); giải quyết các vấn đề môi trường; phát triển nguồn nhân lực, thị trường lao động chung.

“Tại sao không tính toán liên kết với các tỉnh vùng Tây Nguyên với thế mạnh khác biệt, vừa hỗ trợ đáp ứng những cái vùng ven biển cần liên kết, bởi miền Trung là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên, kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông Tây”. 
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng

TRIỆU TÙNG

.