Kinh tế

Phát triển ngành dịch vụ logistics

08:38, 24/09/2022 (GMT+7)

Thành phố Đà Nẵng được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics với nhiều lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông phát triển; đặc biệt là điểm kết nối của nhiều tuyến quốc lộ như: 1A, 14B, tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây...

Đà Nẵng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển dịch vụ logistics. Trong ảnh: Cảng Đà Nẵng,  nơi trung chuyển hàng hóa của các địa phương trong khu vực đi các nước. Ảnh: P.V
Đà Nẵng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển dịch vụ logistics. TRONG ẢNH: Cảng Đà Nẵng, nơi trung chuyển hàng hóa của các địa phương trong khu vực đi các nước. Ảnh: P.V

Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Vì vậy, nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Đà Nẵng đang nỗ lực đưa logistics trở thành ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại. Mới đây, Sở Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tọa đàm “Phát triển logistics tại thành phố Đà Nẵng”, nhằm thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn.

Tại tọa đàm, Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT Bùi Hồng Trung nhấn mạnh đến việc triển khai Thông báo số 410/TB-VP ngày 22-8-2022 của Văn phòng UBND thành phố, thông báo ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn tại cuộc họp về xây dựng Đề án phát triển dịch vụ logistics thành phố Đà Nẵng kết nối hiệu quả với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và hành lang kinh tế Đông - Tây giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố về tập trung phát triển dịch vụ logistics theo Chương trình số 41-CTr/TU ngày 5-2-2020 của Thành ủy về triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị, Sở GTVT phối hợp với các đơn vị, tổ chức tọa đàm để thảo luận về các giải pháp phát triển dịch vụ logistics; qua đó nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới.

Theo ông Tô Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp vận tải hàng hóa Đà Nẵng, hiện nay, việc vận chuyển container rỗng sang tỉnh Savanakhet (Lào) để lấy nguồn hàng vận tải đang gặp trở ngại từ các cơ quan hữu trách của địa phương này. Do tốn thêm các chi phí không chính thức nên hiệp hội kiến nghị lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cần làm việc với tỉnh Savanakhet để tháo gỡ vướng mắc. Sắp tới, thành phố triển khai đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu và rút kinh nghiệm từ cảng Tiên Sa, không nên cho phát triển các khu dân cư lân cận cảng Liên Chiểu nhằm tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa ra, vào cảng Liên Chiểu được thuận lợi, an toàn.

Tuyến quốc lộ 14B góp phần quan trọng thúc đẩy dịch vụ logistics của thành phố phát triển. Ảnh: T. LÂN
Tuyến quốc lộ 14B góp phần quan trọng thúc đẩy dịch vụ logistics của thành phố phát triển. Ảnh: T. LÂN

Trong khi đó, ông Lê Quảng Đức, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng đề xuất, thành phố cần có các chính sách ưu đãi đối với hoạt động logistics để tạo sự hấp dẫn, cạnh tranh với các tỉnh, thành phố khác nói chung, khu vực miền Trung nói riêng; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để giảm thời gian tàu bè ra, vào các cảng biển của thành phố; nâng cấp luồng ra, vào cảng biển Tiên Sa. Thành phố cần bố trí quỹ đất cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng kho bãi nói riêng, các công trình hạ tầng logistics nói chung; đẩy mạnh đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông kết nối cảng Tiên Sa nhằm tạo thuận lợi, an toàn cho xe vận chuyển hàng hóa ra, vào cảng này.

Ông Lê Nam Hùng, Phó Giám đốc Công ty CP Logistics Portserco cho rằng, tiền thuê đất làm kho bãi đã tăng gấp 5 lần so với trước, gây thêm áp lực về gia tăng chi phí cho doanh nghiệp logistics bên cạnh áp lực về tăng chi phí nhiên liệu, cầu đường… Do vậy, lãnh đạo thành phố xem xét, điều chỉnh giảm tiền thuê đất tại kho bãi và tại các công trình hạ tầng logistics khác cho doanh nghiệp. Ông Dương Tiến Long, đại diện Văn phòng Hiệp hội các doanh nghiệp logistics Việt Nam tại Đà Nẵng đề xuất lãnh đạo thành phố tiếp tục có các chủ trương, chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển sản xuất cũng như đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là thu hút các tập đoàn lớn trong và ngoài nước đầu tư vào thành phố để tạo nguồn hàng hóa, đặc biệt là nguồn hàng xuất nhập khẩu ổn định và bền vững.

Như vậy, để phát triển ngành dịch vụ logistics, thành phố cần xem xét, ban hành các chủ trương, chính sách phát triển hiệu quả trên lĩnh vực logistics của Đà Nẵng trong thời gian đến. Đồng thời tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp logistics trên địa bàn.

THÀNH LÂN

.