Giải pháp hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp

.

Đà Nẵng là 1 trong 3 thành phố trực thuộc Trung ương được Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ xác định trở thành Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Vì vậy, thành phố cần có những giải pháp, chính sách thiết thực, cụ thể; đồng thời tận dụng các lợi thế có sẵn để thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn và khu vực.

Thành phố cần có những giải pháp, chính sách thiết thực để thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn. Trong ảnh: Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng tiếp đón và làm việc với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và Dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC). (Ảnh do DNES cung cấp)
Thành phố cần có những giải pháp, chính sách thiết thực để thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn. TRONG ẢNH: Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng tiếp đón và làm việc với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và Dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC). (Ảnh do DNES cung cấp)

Nỗ lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp

Theo Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng (Sở Khoa học và Công nghệ), hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố được chia thành 3 giai đoạn dựa trên mức độ phát triển. Cụ thể, giai đoạn từ năm 2014-2015 là giai đoạn truyền cảm hứng, khát vọng với sự quan tâm, chú trọng, đầu tư của thành phố; hoạt động tích cực của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, không gian làm việc chung; các quỹ đầu tư có hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp; nhiều chương trình ươm tạo doanh nghiệp cũng được triển khai… nhằm tạo ra môi trường khuyến khích tinh thần sáng tạo và khởi nghiệp. Giai đoạn từ năm 2016-2019: định hình và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với nhiều chính sách, đề án; sự hình thành và hoạt động hỗ trợ ươm tạo của các tổ chức, vườm ươm doanh nghiệp… góp phần thúc đẩy hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp phát triển. Nhiều sự kiện quan trọng đã được tổ chức, đặc biệt là việc phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Ngày hội khởi nghiệp quốc gia - Techfest 2018.

Trong giai đoạn 2020-2022, thành phố tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tăng cường kết nối mạng lưới hệ sinh thái khởi nghiệp. Bên cạnh đó, thành phố đầu tư, phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng, kỹ thuật phục vụ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ kinh phí cho nhiều doanh nghiệp/dự án khởi nghiệp.

Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Sở Khoa học và Công nghệ) Võ Đức Anh cho biết, tính đến nay, Đà Nẵng có 1 trung tâm tham mưu hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 4 quỹ đầu tư, 6 vườn ươm doanh nghiệp, 10 câu lạc bộ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 2 không gian sáng tạo, 9 không gian làm việc chung; 22 trường đại hoc, cao đẳng có các hoạt động khởi nghiệp… Hiện các hệ thống vườn ươm doanh nghiệp đã ươm tạo gần 150 dự án; 57 doanh nghiệp được hình thành; 50 sản phẩm thương mại hóa… Thành phố đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp với tổng kinh phí hơn 2,8 tỷ đồng thông qua việc tài trợ trực tiếp cho các chương trình đào tạo của các vườn ươm.

Nhiều giải pháp thiết thực

Giám đốc điều hành Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) Nguyễn Văn Chương cho hay, hiện nhiều dự án, startup đã khởi nghiệp thành công, kết nối và nhận được sự đầu tư từ các quỹ, nhà đầu tư như: Datbike, Cashbag, BotStar, Hekate, EM&AI…; hình thành nên mạng lưới founders Đà Nẵng. “Sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương là yếu tố nền tảng và cần thiết giúp DNES góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Vườn ươm cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp rất cần sự đồng hành, chia sẻ và hỗ trợ của các chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp, các founders khởi nghiệp công nghệ thành công cũng như các nhà đầu tư thiên thần”, ông Nguyễn Văn Chương chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Ân Điển cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Đà Nẵng gặp nhiều thách thức với mạng lưới các nhà đầu tư, cố vấn khởi nghiệp hỗ trợ liên tục cho hoạt động startup còn hạn chế; sự đầu tư, hỗ trợ của các tập đoàn cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo còn ít. Nhiều trường đại học vẫn chưa có hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, số lượng sinh viên tiếp cận còn hạn chế; một số dự án còn xa vời, chưa phù hợp thực tế; thiếu các liên kết hỗ trợ giữa doanh nghiệp và các trường cho startup. Vì vậy, cần chú trọng đến vấn đề giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho khởi nghiệp.

Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố Lê Minh Phúc đề xuất, Đà Nẵng cần bổ sung thêm các trường công nghệ đổi mới sáng tạo với số lượng ít nhất từ 3-5 trường quốc tế nằm trong top của châu Á. Vì vậy, cần có cơ chế khuyến khích, chính sách hỗ trợ để quá trình hình thành các trường công nghệ được thuận lợi; góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Đà Nẵng và miền Trung. Những chính sách đồng bộ liên quan của thành phố sẽ khuyến khích, thu hút và tạo động lực cho các tập đoàn trong nước, trung tâm hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư phát triển, thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không chỉ trên địa bàn mà còn mang tầm khu vực.

Ông Aaron Everbart, đại diện Draper Startup House (DSH - mạng lưới toàn cầu các không gian kết nối dịch vụ lưu trú, đào tạo và đầu tư) tại Việt Nam cho biết, DSH đã xây dựng quỹ đầu tư riêng biệt và mạng lưới đầu tư với hơn 550 đối tác đầu tư, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp startup tiếp cận với các quỹ đầu tư trên toàn thế giới. Đà Nẵng là địa điểm mới nhất được DSH đầu tư, tiếp sau các thành phố như: Austin (Mỹ), Bali (Indonesia), Bangalore (Ấn Độ), Buenos Aires (Argentina), Chiang Mai (Thái Lan), Lisbon (Bồ Đào Nha), Singapore… “Các quỹ đầu tư của DSH sẵn sàng hỗ trợ các startup Đà Nẵng trong quá trình khởi nghiệp. Chúng tôi sẵn sàng kết nối, chia sẻ các startup ở Đà Nẵng với các nhà đầu tư ở Silicon Valley”, ông Aaron Evebart chia sẻ.

Theo ông Võ Đức Anh, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển các thành tố trong hệ sinh thái. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, đẩy mạnh các chương trình trao đổi startup, thu hút các quỹ đầu tư về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo thương hiệu và kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp. Đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhanh chóng vận hành không gian đổi mới sáng tạo tại Khu công viên phần mềm số 2; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thúc đẩy hình thành Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng.

VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.