Kinh tế

Ứng dụng công nghệ, bảo đảm an toàn điện mùa mưa bão

14:52, 31/10/2022 (GMT+7)

Mùa mưa bão năm 2022 diễn biến hết sức phức tạp, bên cạnh việc chuẩn bị nhân lực, vật lực để triển khai các biện pháp trong công tác phòng, chống bão lũ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại, Công ty Điện lực Đà Nẵng cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để phục vụ công tác xử lý sự cố, khôi phục lưới điện sớm nhất ngay sau bão.

PC Đà Nẵng ứng dụng công nghệ để bảo đảm an toàn điện mùa mưa bão. Trong ảnh: Trung tâm Điều khiển hệ thống điện PC Đà Nẵng.
PC Đà Nẵng ứng dụng công nghệ để bảo đảm an toàn điện mùa mưa bão. TRONG ẢNH: Trung tâm Điều khiển hệ thống điện PC Đà Nẵng.

Thao tác từ xa

Tối 14-10-2022, trận mưa lớn “kỷ lục” với lượng mưa gần 600mm do ảnh hưởng của cơn bão số 5 đã làm toàn thành phố Đà Nẵng ngập nặng ở một số tuyến đường, thậm chí nhiều khu vực bị chia cắt do nước lũ lên nhanh. Trước tình thế nhiều tuyến đường nước lụt dâng cao, có nguy cơ gây mất an toàn điện, Trung tâm điều khiển hệ thống điện PC Đà Nẵng (gọi tắt là Trung tâm) với sự có mặt của các điều độ viên đã luôn sẵn sàng tinh thần “trực chiến”, thao tác nhanh chóng ngay khi có thông tin ngập nặng ở một số tuyến đường trên địa bàn thành phố.

Lúc 19 giờ 3 phút, khi nhận thông tin nước lụt dâng nhanh trên đường Nguyễn Văn Huề (quận Thanh Khê), Trung tâm đã tiến hành sa thải LBS 26 Yên Khê 2- 475XHA, mất điện 12 TBA tương ứng với 1.596 khách hàng mất điện ở các khu vực Yên Khê 2, Nguyễn Văn Huề, Dệt 29-3.

Chưa dừng lại ở đó, khi các tuyến đường Điện Biên Phủ, Tôn Đức Thắng có nguy cơ ngập sâu, Trung tâm đã tiến hành cắt máy cắt các xuất tuyến 474 XHA, 479 XHA để đảm bảo an toàn điện. Cứ như vậy trong đêm mưa lũ “lịch sử” 14-10 vừa qua, trung tâm đã tiến hành sa thải một số phụ tải đối với một số khu vực ngập sâu trên địa bàn thành phố. Cụ thể, Công ty Điện lực Đà Nẵng đã sa thải luỹ kế 2.524 TBA tương ứng 206.000 khách hàng mất điện.

Để bảo đảm vận hành lưới điện thông suốt an toàn trong thời điểm mưa bão phức tạp, các điều độ viên phải tập trung cao độ, không ngừng theo dõi màn hình sơ đồ điện để theo sát diễn biến các thông số hệ thống, các dấu hiệu bất thường hay sự cố trên lưới điện hiển thị trên hệ thống SCADA.

Khi xảy ra sự cố bất thường, ngay lập tức, những kỹ sư vận hành sẽ thao tác từ xa, cô lập, khoanh vùng sự cố, đảm bảo phạm vi mất điện là nhỏ nhất. Mọi thông số đều được các điều độ viên phân tích, phán đoán nhanh điểm sự cố, điều hành lưới điện thuần thục.

Việc thao tác cô lập sự cố từ xa là một trong những ưu điểm lớn nhất mà Hệ thống tự động hóa lưới điện phân phối (DAS) do công ty xây dựng mang lại. Với sự tham gia của 54 máy cắt xuất tuyến, 61 Recloser, 36 LBS, 18 RMU và vận hành tự động hoàn toàn, hệ thống này đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc vận hành lưới điện phân phối của PC Đà Nẵng một cách hiệu quả, tin cậy, nhất là trong mùa mưa bão.

Chủ động để ứng phó với thiên tai

Hiện nay, PC Đà Nẵng đang quản lý vận hành 10 TBA 110kV với gần 200km đường dây 110kV; 107 xuất tuyến 22kV, cung cấp điện cho hơn 356 ngàn khách hàng sử dụng điện; do vậy đơn vị đã xây dựng phương thức vận hành lưới điện cho các tình huống khi có thiên tai xảy ra, đặc biệt có phương án, kiểm tra và xử lý các tồn tại đối với hệ thống Tự động hóa lưới điện DAS, nguồn tín hiệu tại các TBA 110kV.

Trước mùa mưa bão, Công ty đã chỉ đạo các điện lực, lưới điện cao thế triển khai phát quang hành lang tuyến, vệ sinh bảo dưỡng đường dây, TBA, tổ chức bố trí lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm tra các vị trí cột, dây, trạm biếp áp… gần công trình đang xây dựng, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm hành lang tuyến để xử lý.

PC Đà Nẵng khẩn trương xử lý sự cố sau cơn bão số 4 (Noru) vào cuối tháng 9-2022.
PC Đà Nẵng khẩn trương xử lý sự cố sau cơn bão số 4 (Noru) vào cuối tháng 9-2022.

Công ty cũng triển khai kiểm tra rà soát kỹ lưỡng hệ thống điện trên địa bàn thành phố theo các chuyên đề trong các quý bao gồm cả lưới điện 110kV và 22kV. Đối với mạng viễn thông dùng riêng phục vụ điều khiển, vận hành lưới điện cũng được giám sát theo dõi chặt chẽ, bảo đảm liên lạc thông suốt tại các TBA 110kV và các thiết bị đóng cắt được kết nối về Trung tâm điều khiển luôn ổn định, nhất là khi có thiên tai xảy ra.

Theo ông Nguyễn Đình Tuân - Phó Giám đốc Kỹ thuật PC Đà Nẵng, bên cạnh việc lập phương án và chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, nhân lực thì điểm mới so với các năm trước đây chính là ứng dụng mạnh mẽ hơn các công nghệ hiện đại vào điều hành quản lý lưới điện. Cụ thể, Công ty đã và đang đầu tư hoàn thiện hơn về cơ cấu tổ chức trung tâm điều khiển lưới điện Đà Nẵng, Đội quản lý vận hành lưới điện cao thế (110kV)… Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã tăng cường đầu tư Hệ thống tự động hóa lưới điện phân phối (DAS) qua đó góp phần xử lý cô lập điểm sự cố nhanh hơn so với trước đây.

“Cùng với đó, Công ty đang phát triển và hoàn thiện hơn chương trình cảnh báo mất điện hạ áp, để có thể phát hiện nhanh nhất các trường hợp mất điện khách hàng kịp thời xử lý khôi phục điện phục vụ khách hàng. Việc ứng dụng công nghệ vào quản lý lưới điện, nhất là trong mùa mưa bão đã phát huy hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại trong bão lụt và khôi phục lưới điện sớm nhất đảm bảo cấp điện an toàn, liên tục phục vụ đời sống nhân dân thành phố" ông Tuân cho biết.

Năm 2016, PC Đà Nẵng bắt đầu thực hiện công tác tự động hóa lưới điện bằng việc đưa vào hoạt động Trung tâm điều khiển lưới điện Đà Nẵng tháng 9-2016. Đến nay, PC Đà Nẵng đã tự động hóa toàn bộ các TBA 110kV, kết nối khoảng hơn 500 thiết bị phân đoạn trên lưới điện phục vụ thao tác xa tại Trung tâm điều khiển. Năm 2018, Công ty đã đưa vào vận hành tự động hóa lưới điện phân phối DAS. Quá trình điều khiển, giám sát thiết bị được thực hiện ngay tại Trung tâm thay vì phải điều nhân viên vận hành đến trực tiếp tại thiết bị. Hệ thống tự động phát hiện, cô lập và khôi phục dịch vụ sau sự cố được đưa vào vận hành đã  nhanh chóng cung cấp điện trở lại cho khách hàng (chỉ từ 10 - 40 giây), phạm vi cô lập bởi sự cố là nhỏ nhất nên việc phát hiện sự cố cũng nhanh chóng hơn so với trước đây.

K.T

.