Ngành dệt may hướng đến sản xuất xanh

.

Xanh hóa ngành dệt may là xu thế tất yếu, bởi sự chuyển đổi này sẽ giúp giảm nhẹ phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, cũng như giảm thiểu các tác động xấu của quá trình sản xuất đến môi trường.

Sản xuất tại Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ. Ảnh: Q.T
Sản xuất tại Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ. Ảnh: Q.T

Xu thế tất yếu

Hiện nay toàn thành phố có 9 doanh nghiệp (DN) tham gia sản xuất ngành hàng dệt may, sản xuất vải, sợi. Đây là nhóm ngành có tỷ trọng tương đối thấp trong ngành công nghiệp hỗ trợ, nhưng nhóm ngành này có các DN lớn như: Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty CP Dệt may 29-3, Công ty TNHH Dệt Hòa Khánh… và một số DN vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nổi bật như: Công ty TNHH Advance Nonwoven Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Cầm) chuyên sản xuất vải không dệt, Công ty TNHH Kane-m Đà Nẵng chuyên sản xuất phụ kiện quần áo, túi xách...

Theo tìm hiểu, hiện nay, đa số DN ngành hàng dệt may trên địa bàn đã tiếp nhận những yêu cầu “xanh hóa trong sản xuất” về thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm phát thải. Nhiều DN đã coi trọng xây dựng hệ thống điện mặt trời áp mái, hệ thống tái sử dụng nước, điện…; thay lò hơi dùng than đá trong các nhà máy nhuộm bằng các nguyên liệu sinh khối khác như trấu để giảm phát thải và nâng cao hiệu quả; ứng dụng phần mềm đo lường tác động môi trường trong nhà máy sản xuất ngay từ khâu phát triển mẫu để có thể đánh giá được các loại nguyên liệu, công nghệ tác động đến môi trường ra sao. Từ đó, đề ra kế hoạch sử dụng nguyên liệu và công nghệ ít ảnh hưởng đến môi trường.

Ông Nguyễn Chí Trực, Giám đốc Công ty CP Vinatex quốc tế - Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, các đối tác, khách hàng của đơn vị yêu cầu ngày càng cao về hóa chất nhuộm, ngoài việc bảo đảm sức khỏe cho người lao động còn phải rõ ràng về xuất xứ cũng như khả năng xử lý hóa chất sau nhuộm. Đơn vị đã đầu tư lắp đặt hệ thống thu hồi xút (Caustic Soda) - hóa chất xử lý nước thải có khả năng khử sạch nước sinh hoạt, nước trong các nhà máy trước khi đổ ra môi trường. Ngoài ra, công ty dự kiến sẽ cải tạo lò hơi 18 tấn đốt than đá bằng nhiên liệu sinh khối Biomass (có nguồn gốc từ phế phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp...) thân thiện với môi trường, giảm khí thải CO2 và tháng 6 tới sẽ đi vào hoạt động chính thức.

Theo Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, đối với DN dệt may, lượng điện sử dụng rất lớn. Vì vậy, việc đầu tư điện mặt trời áp mái tại các nhà máy là một trong những giải pháp hướng đến nhà máy xanh. Tuy chi phí đầu tư ban đầu lớn nhưng khấu hao nhanh, với nhà máy đặt ở khu vực miền Trung mất khoảng 5 năm có thể khấu hao xong chi phí đầu tư ban đầu, khu vực miền Nam thời gian khấu hao còn nhanh hơn.

Hiện Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ đã đầu tư hệ thống điện mặt trời tại 3 nhà máy may với 100% thiết bị nhập khẩu từ Đức, hằng tháng đáp ứng được khoảng 15-20% tổng nhu cầu điện nhà máy. Điện mặt trời có thể giảm nguy cơ thiếu điện sản xuất trong những tháng cao điểm, giúp nhà máy “xanh” hơn. Việc “xanh hóa” nhà máy là một xu hướng tất yếu nếu doanh nghiệp muốn giữ chân khách hàng cũng như người lao động.

Sản xuất tại Công ty CP Dệt may 29-3. Ảnh: QUỲNH TRANG
Sản xuất tại Công ty CP Dệt may 29-3. Ảnh: QUỲNH TRANG

Mang lại lợi ích cho doanh nghiệp

Đầu tháng 4-2022, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất áp dụng một số quy định sinh thái mới đối với hàng dệt may tiêu thụ tại thị trường châu Âu nhằm thực hiện chiến lược về hàng dệt may bền vững và tuần hoàn tầm nhìn 2030. Theo đề xuất của EC, mặt hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường này phải có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng và tái chế,...

Theo  ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may 29-3, nhằm kiên định với mục tiêu phát triển bền vững và định hướng xanh hóa, công ty đã đưa ra kế hoạch dài hạn đến năm 2025 sẽ đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng đạt tất cả các chuẩn mực về xanh hóa, chuẩn mực về môi trường để được công nhận là nhà máy xanh. “Công ty tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý theo tiêu chuẩn ISO 900-2015, trách nhiệm xã hội WRAP, bảo đảm tiêu chuẩn trong chuỗi cung ứng hàng hóa và tiêu chuẩn chất lượng khác của khách hàng...”, ông Chính cho biết thêm.

Ông Nguyễn Đức Trị, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ cho biết, các quy chuẩn và đánh giá sự phát triển bền vững của DN ngày càng cao dựa trên mức độ tuân thủ của các DN về trách nhiệm đối với người lao động, môi trường, xã hội và người tiêu dùng toàn cầu trước khi các sản phẩm được đưa ra tiêu thụ trên thị trường.

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới Việt Nam ký đều có các quy tắc, cam kết về bảo vệ môi trường và phát thải thấp. Điều này bắt buộc DN phải triển khai bằng việc đầu tư công nghệ sản xuất, tự động hóa, xây dựng môi trường làm việc an toàn cho người lao động, giúp tăng tính cạnh tranh đối với khách hàng và người tiêu dùng.

“Muốn phát triển bền vững ngành dệt may theo hướng “xanh hóa”, đòi hỏi các DN phải đẩy mạnh đầu tư, đổi mới trang thiết bị hiện đại; đồng thời tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu, đa dạng hóa thị trường... nhằm nâng cao sức cạnh tranh. Chính quyền cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, quỹ tài chính về môi trường... để các DN theo hướng xanh có thể tiếp cận quỹ, giúp DN có nguồn tài chính thuận lợi, giá hợp lý hơn, đẩy nhanh quá trình đầu tư và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, ông Trị đề xuất.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.