Tăng giá điện: Cần lộ trình sớm và mức tăng phù hợp

.

Dù mới có thông tin về điều chỉnh khung giá bán lẻ điện bình quân, nhiều doanh nghiệp sản xuất, người dân đều tỏ rõ lo lắng vì hiện nay, đầu ra sản phẩm đang rất khó khăn, nếu giá điện sắp tới được điều chỉnh tăng sẽ là thách thức lớn với họ.

Sản xuất tại Công ty Cơ khí Hà Giang Phước Tường. Ảnh: QUỲNH TRANG
Sản xuất tại Công ty Cơ khí Hà Giang Phước Tường. Ảnh: QUỲNH TRANG

Theo quyết định của Chính phủ vừa ban hành, từ ngày 3-2, khung giá bán lẻ điện bình quân (chưa gồm thuế GTGT) tối thiểu là 1.826,22 đồng/KWh, giá tối đa là 2.444,09 đồng/KWh. So với mức khung cũ được quy định tại Quyết định 34/2017, giá tối thiểu tăng 220 đồng, giá tối đa tăng 538 đồng/KWh. Giá bán lẻ điện bình quân hiện ở mức 1.864,44 đồng/KWh (chưa gồm thuế GTGT), duy trì từ tháng 3-2019 đến nay.

Với khung giá bán lẻ điện bình quân đã nêu trên, giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng hiện thấp hơn mức trần là 579,65 đồng và cao hơn mức sàn 38,22 đồng. Tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hồi giữa năm 2022 cho thấy để hòa vốn, giá bán lẻ điện bình quân phải đạt 1.915,59 đồng/KWh, tăng hơn 2,74% so với giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng.

Doanh nghiệp: mong tăng ở mức thấp nhất

Trước thông tin khung giá điện bán lẻ được điều chỉnh tăng, ông Lý Phước Anh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Phúc Châu Anh (huyện Hòa Vang) bày tỏ: “Sản phẩm đinh và dây thép của chúng tôi chỉ mới có mặt trên thị trường vài năm trở lại đây nên việc cạnh tranh giá thành với các DN lâu năm là quan trọng.

Trong khi đó, việc sản xuất thép lại đang sử dụng nguồn năng lượng điện rất lớn, chi phí điện hằng tháng chiếm 4-5% chi phí sản xuất. Dĩ nhiên, khi chi phí sản xuất tăng thì sẽ được cơ cấu vào giá bán lẻ. Chỉ cần sản phẩm của chúng tôi tăng 100 đồng/kg đinh là đã khó cạnh tranh trên thị trường. Chưa kể, sắp tới, chúng tôi sẽ đưa vào vận hành dàn máy kéo liên hoàn 5 đầu và lò ủ mềm, dự kiến lượng tiêu thụ điện sẽ lớn hơn nữa.

Trong tình hình kinh doanh khó khăn thì việc tăng giá bán là điều hết sức bất đắc dĩ. Nếu bắt buộc phải tăng giá điện thì tôi đề xuất nên điều chỉnh ở mức thấp nhất để DN dễ thở. Chứ tăng cao quá thì rất khó khăn cho DN trong giai đoạn hiện nay”.

Tương tự, đại diện Chi nhánh Công ty CP Acecook Việt Nam tại Đà Nẵng cho biết, bình quân mỗi tháng, đơn vị chi trả hơn 600 triệu đồng tiền điện; chi phí này chiếm 5% chi phí sản xuất. Giá điện tăng lên bao nhiêu phần trăm thì DN phải trả thêm từng đấy. Công ty này bày tỏ mong muốn nếu giá điện trong nước bắt buộc phải tăng trong thời gian tới thì cần có lộ trình sớm cho DN chuẩn bị và tăng với mức độ phù hợp với sức chịu đựng của DN.

Thực tế, việc tăng giá điện sẽ kéo các chi phí sản xuất khác tăng theo, trong khi các DN đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, lãi suất ngân hàng cao. Chi phí tăng khiến sức cạnh tranh của DN xuất khẩu yếu, gây khó khăn kép cho DN. Nếu chi phí sản xuất tiếp tục tăng cao trong khi khách hàng không chấp nhận tăng giá, DN sẽ đối mặt bài toán: một là chịu lỗ, hai là giảm đơn hàng, nguy cơ mất thị trường.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Thuận Phước cho biết, hiện nay các DN đứng trước nhiều khó khăn: suy thoái kinh tế thế giới, xung đột Nga - Ukraine, lãi xuất ngân hàng tăng… Tình trạng này đang làm cho ngành xuất khẩu thủy sản đi xuống. Nhất là DN xuất khẩu tôm khó khăn kéo dài từ quý 3-2022 đến nay. Việc tăng giá điện thời điểm này sẽ “đè bẹp” sức phục hồi của DN.

Giá điện cần phù hợp với thu nhập người dân

Việc tăng giá điện không chỉ ảnh hưởng đến các DN mà còn ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đặc biệt là công nhân, lao động phổ thông, sinh viên. Anh Phan Chung (thợ cắt tóc, đường Nguyễn Duy Hiệu, quận Sơn Trà) bày tỏ: “Bình quân, mỗi gia đình công nhân, lao động tự do thuê trọ, dù đã cắt giảm tối đa mọi thiết bị sinh hoạt như điều hòa, máy giặt, ti-vi… mỗi tháng họ vẫn phải trả 200.000-400.000 đồng tiền điện.

Trong khi thu nhập không tăng, thậm chí, nhiều công nhân thuê cùng dãy nhà trọ chúng tôi bị cắt giảm giờ làm; chưa kể hàng chục khoản chi phí sinh hoạt khác. Vì vậy, việc giá điện rục rịch tăng khiến chúng tôi rất lo lắng”. Còn bà Thu Hương (mở quán bún tại nhà, cùng tuyến đường Nguyễn Duy Hiệu) than thở: “Mấy năm trước, tôi nấu bún bằng than tổ ong nhưng lớn tuổi, hít khí than độc hại nên tôi đầu tư nồi hầm xương bằng điện. Từ đó, tiền điện mỗi tháng cũng tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba nhưng dùng nồi điện thì an toàn nên tôi cũng cố gắng duy trì, lấy công làm lời. Mấy ngày ni nghe râm ran điện tăng giá mà lo vô cùng. Mỗi ngày bán chỉ 10kg bún trở lại thì lấy đâu bù vô chi phí điện”.

Điện cũng như xăng, là những nguồn năng lượng thiết yếu, được sử dụng hằng ngày, nhất là ở những nơi nắng nóng. Đặc biệt, vào mùa cao điểm, nhu cầu sử dụng rất lớn, kéo theo đó giá cũng sẽ thay đổi và tăng cao. Anh Viết Lợi (giáo viên, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) đề nghị: “Sắp bước vào mùa nắng nóng. Dự kiến lượng tiêu thụ điện năng của mỗi gia đình sẽ tăng cao. Tôi nghĩ, cơ quan chức năng cần kiểm soát, giám sát chặt chẽ giá điện, tránh tình trạng tăng giá không hợp lý, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của DN cũng như chi phí sinh hoạt của người dân”.

Các chuyên gia quản lý lao động, tổ chức công đoàn cho rằng, trước thực trạng công nhân, người lao động đang bị ảnh hưởng thu nhập, việc làm, thời gian tới, nếu tăng giá điện, cần có chính sách cụ thể để người lao động thu nhập thấp được hưởng giá điện theo những bậc giá thấp theo quy định hiện hành.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.