Kinh tế
Cần bổ sung các quy định để tháo gỡ vướng mắc về đất đai
Đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ý kiến đề nghị bổ sung các quy định để khắc phục tình trạng chồng chéo, xung đột giữa nội dung về Luật Đất đai với các luật khác và tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật về đất đai trên địa bàn thành phố.
* Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Cần bổ sung quy định về khu công nghệ thông tin tập trung
Sau khi nghiên cứu những nội dung còn vướng mắc, chưa thống nhất giữa Luật Đất đai và nhóm các luật về đầu tư như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu thầu và Luật Doanh nghiệp, cần bổ sung thêm quy định người sử dụng đất được thuê lại đất trong khu công nghệ thông tin hoặc khu công nghệ thông tin tập trung vào (Điều 5) dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho phù hợp với Luật Công nghệ thông tin.
Tương tự, bổ sung loại đất khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao vào nội dung phân loại đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp (Điều 10); bổ sung quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài về sử dụng đất trong khu công nghệ thông tin tập trung (Điều 46); bổ sung tiêu đề tại Điều 195 là đất sử dụng cho khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung...
Đề nghị bỏ nội dung về một phần diện tích đất dự án được chuyển nhượng cùng với chuyển nhượng dự án (Điều 53) để tránh trường hợp nhà đầu tư đầu cơ, thực hiện dự án theo từng phần, chạy thủ tục xong rồi chuyển nhượng lại. Nhưng cần được bổ sung điều khoản hướng dẫn chuyển tiếp về thu hồi đất đối với trường hợp các khu đất đã được cơ quan Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước ngày Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực nhưng không thực hiện theo quy định về đầu tư, đấu thầu.
Ngoài ra, cần thay thế quy định về giá đất khởi điểm để đấu thầu dự án có sử dụng đất bằng quy định về giá gói thầu, là giá trị tiền sử dụng đất được xác định bằng phương pháp xác định giá đất cụ thể theo quy định của pháp luật về đất đai và được ghi trong hồ sơ mời thầu để thống nhất với pháp luật về đầu tư.
Hiện Luật Đất đai đã quy định góp vốn bằng quyền sử dụng đất là việc chuyển giao quyền sử dụng đất từ người này sang người khác. Người nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc này làm thay đổi chủ đầu tư dẫn đến phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, Luật Đất đai hiện nay không quy định thời điểm doanh nghiệp thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và thời điểm thực hiện thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Để tránh rủi ro xảy ra cho doanh nghiệp góp vốn cũng như những tranh chấp có thể xảy ra trong trường hợp này, cần quy định rõ thời điểm thực hiện 2 thủ tục nói trên.
* Ông Nguyễn Hồng An, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Tháo gỡ các vướng mắc về giải phóng mặt bằng và phát triển quỹ đất
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần được bổ sung quy định hỗ trợ đối với trường hợp không thuộc diện thu hồi đất nhưng bị ảnh hưởng khi đầu tư xây dựng công trình, dự án (Điều 77, Điều 78) như: giảm giá trị tiền sử dụng đất do giảm bề rộng lòng đường, hạn chế khả năng sinh lợi, giảm thuận lợi về giao thông (hầm chui, nút giao thông khác mức...) so với trước đây. Bên cạnh đó, cần được bổ sung quy định về bồi thường đất ở đối với tổ chức kinh tế đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân khi triển khai thu hồi đất, giải tỏa đền bù.
Đồng thời, bổ sung quy định bồi thường đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp ổn định lâu dài đối với trường hợp tổ chức kinh tế đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp ổn định lâu dài của hộ gia đình, cá nhân theo quy định và sử dụng đến khi thu hồi đất, nhằm giải quyết vướng mắc này tại nhiều dự án. Tuy nhiên, dự thảo cũng cần bổ sung thêm quy định cụ thể những trường hợp không được bồi thường về đất ở để có cơ sở giải quyết bồi thường, bố trí tái định cư phù hợp.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa quy định về quỹ đất được tạo lập từ dự án lấn biển được đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân (Điều 101), việc này không khuyến khích được các nhà đầu tư lấn biển để tạo quỹ đất, trong khi dự án lấn biển thường có vốn đầu tư rất lớn, việc triển khai lấn biển bằng ngân sách Nhà nước là rất khó. Do đó, để huy động nguồn lực của tư nhân, cần xem xét, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư lấn biển để tạo quỹ đất. Đối với quỹ đất chưa giao, cho thuê để thực hiện các dự án đầu tư thì tổ chức phát triển quỹ đất được cho các tổ chức, cá nhân thuê ngắn hạn để khai thác thông qua hình thức đấu giá (Điều 114).
* Ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Khắc phục chồng chéo giữa pháp luật về đất đai và Luật Lâm nghiệp
Về thống kê, kiểm kê đất đai và rừng, theo quy định hiện nay có 3 loại đất rừng là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất. Trên thực tế hiện nay, có một số diện tích rừng được giao cho lực lượng vũ trang quản lý có hiện trạng là rừng đặc dụng và phòng hộ. Theo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì diện tích đất này thuộc nhóm sử dụng đất quốc phòng và an ninh, nên cần phải xem xét và điều chỉnh mục đích sử dụng đất đối với diện tích nói trên trong thời gian đến có sự đồng bộ, phù hợp giữa pháp luật về đất đai với Luật Lâm nghiệp năm 2017.
Về thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang các loại đất khác theo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng có sự chồng chéo với Luật Lâm nghiệp 2017, nên cần nghiên cứu điều chỉnh để có sự đồng bộ, thống nhất giữa pháp luật về đất đai với Luật Lâm nghiệp. Theo dự thảo của Luật Đất đai (sửa đổi) chỉ cho phép chuyển nhượng đất nông nghiệp cho người ở trong cùng một địa phương sẽ gây hạn chế sự đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp vì có nhiều nhà đầu tư có đủ tiềm năng, tâm huyết, năng lực ở ngoài địa phương nhưng ở trong một tỉnh, thành phố thì không có cơ hội được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp này để đầu tư. Do đó, cần nghiên cứu việc này để điều chỉnh cho phù hợp nhằm phát triển ngành nông nghiệp.
* Ông Trương Văn Hòa, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Hòa Vang: Chỉ cần bố trí tối thiểu 1 suất tái định cư trước khi thu hồi đất
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định rõ về trường hợp tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hướng nêu rõ tỷ lệ đồng thuận của số hộ dân để cơ quan chức năng có thể hoàn chỉnh phương án nói trên và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm có cơ sở triển khai dự án. Người dân rất tán đồng việc thu hồi đất được thực hiện sau khi hoàn thành bố trí tái định cư, trừ trường hợp tái định cư tại chỗ hoặc người có đất bị thu hồi đồng ý nhận tiền bồi thường để tự lo chỗ ở, nhưng cần bổ sung thêm nội dung cần bố trí tối thiểu 1 suất tái định cư.
Nhiều hộ gia đình có đất bị thu hồi được bố trí nhiều lô đất tái định cư, nhưng quỹ đất tái định cư thì phải mất một thời gian dài thi công mới đủ nên chỉ cần bố trí 1 suất tái định cư để người dân nhận đất, xây dựng nhà ở sớm và cơ quan có thẩm quyền có thể ban hành quyết định thu hồi đất ngay để triển khai thi công dự án. Bên cạnh đó, dự thảo cũng cần được bổ sung thêm nội dung xem xét giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân có nhà ở thực sự trên thửa đất của người khác bởi thực tế nhiều hộ nghèo, khó khăn không có thửa đất ở nào nên xin làm nhà để tá túc trên đất ở của bà con, người thân, nhưng khi giải tỏa thì không được bố trí suất tái định cư.
HOÀNG HIỆP (lược ghi)