Kinh tế

Đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế Đà Nẵng

16:08, 13/03/2023 (GMT+7)

ĐNO - Được xác định là thành phố động lực của khu vực miền Trung, Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ đóng góp một cách đáng kể vào tiến trình thoát bẫy thu nhập trung bình này của Việt Nam. Do đó, hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế của thành phố cần được quan tâm đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.

Các kỹ sư đang làm việc tại Khu Công nghiệp cao Đà Nẵng.
Các kỹ sư đang làm việc tại Khu Công nghiệp cao Đà Nẵng.

Trong những năm qua, Đà Nẵng đã liên tục sắp xếp lại cơ cấu sản xuất, tái cấu trúc kinh tế theo hướng chú trọng phát triển các ngành dịch vụ, du lịch chất lượng cao; công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin; nông nghiệp đô thị, nông nghiêp ứng dụng công nghệ cao.

Theo đó, dịch vụ du lịch phát triển vượt bậc, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và quan trọng, bước đầu đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch lớn của khu vực và cả nước, có khả năng cạnh tranh quốc tế với nhiều sự kiện lớn, mang tầm quốc tế, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng; dịch vụ thương mại phát triển nhanh, là một trung tâm mua sắm, phân phối, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ lớn của khu vực.

Các ngành công nghiệp, công nghiệp công nghệ thông tin và công nghiệp công nghệ cao được chú trọng phát triển. Kinh tế biển và cảng biển có bước phát triển, hạ tầng kỹ thuật phục vụ kinh tế biển được đầu tư xây dựng và khai thác hiệu quả. Lĩnh vực nông nghiệp phát triển khá ổn định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tập trung phát triển các sản phẩm hữu cơ phục vụ du lịch và đô thị, chú trọng nông nghiệp công nghệ cao; hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cơ cấu nền kinh tế hiện nay của Đà Nẵng vẫn còn một số hạn chế. Nền kinh tế có khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng chi phối (65%) nhưng thị trường các ngành dịch vụ chủ chốt của thành phố (dịch vụ lưu trú và ăn uống; dịch vụ lữ hành; dịch vụ thương mại…) đang phụ thuộc lớn vào thị trường khách quốc tế.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và với việc đã xác định du lịch là mũi nhọn kinh tế hàng đầu, việc phụ thuộc vào thị trường khách du khách quốc tế là không thể tránh khỏi; tuy nhiên, chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang một số ngành hoặc phát triển một số dịch vụ ít phụ thuộc vào thị trường bên ngoài có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao khả năng ứng phó và chống chịu của khu vực dịch vụ nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.

So với nhiều ngành dịch vụ, các ngành sản xuất mặc dù vẫn phụ thuộc vào thị trường bên ngoài nhưng sự liên tục ít bị gián đoạn hơn khi xãy ra các vấn đề xuyên biên giới liên quan đến an ninh, an toàn về con người. Tuy nhiên, khu vực công nghiệp – xây dựng có xu hướng thu hẹp dần tỷ trọng trong nền kinh tế trong thời gian qua do thành phố tập trung phần lớn nguồn lực cho việc phát triển du lịch và dịch vụ.

Phụ thuộc vào thị trường bên ngoài cũng là một đặc điểm khó tránh khỏi của các ngành sản xuất, nhưng việc tham gia chủ yếu vào công đoạn hạ nguồn của chuỗi cung ứng toàn cầu và thiếu các sản phẩm có chỗ đứng tại thị trường nội địa đang khiến nền kinh tế trở nên dễ tổn thương.

Thành phố đã có chủ trương phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đã ban hành chính sách hỗ trợ để thu hút đầu tư nhưng còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai. Do vậy, mặc dù quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt nhưng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn chưa hoàn thành các thủ tục để đưa vào hoạt động và thu hút các nhà đầu tư. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tuy được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đồng bộ do nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chủ yếu từ nguồn ngân sách có hạn, quy mô đầu tư còn thấp so với nhu cầu.

Các nguyên nhân khách quan về rủi ro trong hoạt động đầu tư nông nghiệp khiến việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế. Công tác hiện đại hóa nghề cá còn nhiều khó khăn, chưa hình thành được chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thủy sản khai thác. Các cơ sở làng nghề và hợp tác xã, tổ hợp tác chưa có nhiều chủ động trong việc phát triển sản phẩm hướng tới thị trường…

Do vậy, nhằm đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế để đạt được chất lượng tăng trưởng cao hơn, thành phố cần có các giải pháp đồng bộ thúc đẩy việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Trong đó, cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo cung lao động đáp ứng được cầu lao động cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực.

Đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp đã xây dựng và thúc đẩy hơn nữa phong trào khởi nghiệp trên toàn địa bàn nhằm ươm tạo những hạt giống mới cho thời kỳ phát triển mới. Thu hút được các nhà đầu tư chiến lược có khả năng lan tỏa công nghệ và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nội địa cũng cần được xem là giải pháp để nâng cao năng suất lao động xã hội của địa phương. Đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công với vai trò là vốn mồi của nền kinh tế, nhằm huy động tốt hơn các nguồn lực xã hội khác cho việc phát triển kinh tế.

QUỐC TOÀN

.