Kinh tế

Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất vượt khó

07:02, 09/03/2023 (GMT+7)

2 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) thành phố giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước do nhiều nguyên nhân như: nhu cầu tiêu dùng giảm sút, giá nguyên vật liệu đầu vào duy trì ở mức cao, thị trường xuất khẩu không thuận lợi. Vì vậy, các sở, ban, ngành đang tăng cường thực hiện giải pháp hỗ trợ sản xuất công nghiệp.

Tình hình sản xuất công nghiệp qua chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm 2023. (Nguồn: Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng; Đồ họa: ANH DUY)
Tình hình sản xuất công nghiệp qua chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm 2023. (Nguồn: Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng; Đồ họa: ANH DUY)

Tiêu thụ giảm, tồn kho tăng

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội thành phố tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2023 của Cục Thống kê, chỉ số IIP 2 tháng đầu năm giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, 7/22 phân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số IIP tăng như: sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 128,52%; sản xuất đồ uống tăng 63,99%... tuy nhiên, có tới 15/22 phân ngành giảm so với cùng kỳ như: sản xuất sản phẩm từ khoáng sản phi kim loại khác giảm 36,73%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 35,85%; dệt giảm 21,51%...

Bên cạnh chỉ số IIP, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 2 tháng giảm 15,2% và chỉ số sử dụng lao động 2 tháng giảm 2,8% so với cùng kỳ. Điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, điều chỉnh thời gian làm việc, tạm ngừng dây chuyền sản xuất để duy trì bộ máy hoạt động.

Thông tin về nhóm ngành sản xuất sản phẩm từ cao su, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) cho biết, chỉ số sản xuất giảm do yếu tố thời vụ và nhu cầu sụt giảm trước những khó khăn của thị trường vĩ mô.

Đối với DRC, doanh thu thuần tháng 1 của công ty là 301 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước, mục tiêu quý đầu năm 2023 doanh thu thuần của DRC là 1.100 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 70 tỷ đồng, giảm hơn  14% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy vậy, thị trường đang có những dấu hiệu phục hồi trong tháng 2 và 3, cụ thể là đơn hàng lốp bias được cải thiện tại thị trường các nước như: Myanmar, Ai Cập và Trung Đông từ tháng 2. Doanh thu xuất khẩu tháng 2 cũng đạt mức 12 triệu USD, tăng 11,4% so với tháng 1-2023 (10,5 triệu USD).

Mặc dù nhiều chỉ số sản xuất giảm, vẫn có một số ngành có tín hiệu tích cực, trong đó, chỉ số IIP phân ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế), sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện tăng 63,28%.

Ông Huỳnh Trinh, Giám đốc Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng cho hay, dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng ngành sản xuất gỗ đã có dấu hiệu khởi sắc hơn so với quý 4-2022. Hiện tại, nguồn hàng tồn trước đó cơ bản đã được giải phóng gần hết nên các nhà nhập khẩu đang bắt đầu nhập hàng trở lại. Cùng với đó, phí vận chuyển hàng hóa trên thế giới đang giảm cũng là động lực thúc đẩy xuất khẩu đồ gỗ.

Các sở, ban, ngành đang tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ sản xuất công nghiệp.  Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng. Ảnh: M.Q
Các sở, ban, ngành đang tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ sản xuất công nghiệp. TRONG ẢNH: Sản xuất tại Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng. Ảnh: M.Q

Tăng cường hỗ trợ sản xuất công nghiệp

Trước thực tế trên, ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê đề xuất thành phố cần có giải pháp phát triển nguồn nhân lực và  chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư đối với ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; qua đó từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu; thực hiện các chính sách hỗ trợ thuế, phí; kích cầu tiêu thụ trong nước... để tăng khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp khu vực, trong và ngoài nước.

Ông Trần Văn Tỵ, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp cho biết, ban quản lý đang tiếp tục thực hiện các phần việc để sớm đưa vào hoạt động các khu công nghiệp (KCN) mới. Cụ thể, ban quản lý đã làm việc với các nhà đầu tư quan tâm, làm rõ các nội dung để hoàn thiện việc đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Hòa Cầm giai đoạn 2 và trình UBND thành phố phê duyệt.

Đối với KCN Hòa Nhơn, ban quản lý đề nghị Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch xây dựng hỗ trợ, lập kế hoạch triển khai và dự trù kinh phí lập quy hoạch điều chỉnh ranh giới KCN Hòa Nhơn theo chỉ đạo của UBND thành phố. Đối với KCN hỗ trợ Khu Công nghệ cao, ban quản lý đề nghị Ban Quản lý các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp và công nghệ cao Đà Nẵng báo cáo tình hình triển khai dự án từ khi chuẩn bị đầu tư cho đến nay để có cơ sở tiếp tục tham mưu UBND thành phố trong việc quản lý, khai thác khu phụ trợ.

Hiện nay Sở Công Thương thành phố tiếp tục triển khai chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố năm 2023 (đợt 1) và năm 2024, theo Nghị quyết số 53/2021/NQ-HĐND của HĐND thành phố và các Quyết định số 1927/QĐ-UBND, số 1928/QĐ-UBND ngày 20-7-2022 của UBND thành phố về quy chế xây dựng kế hoạch, phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2025.

Cùng với đó, sở tiếp tục triển khai Nghị quyết số 324/2020/NQ-HĐND ngày 9-12-2020 của HĐND thành phố về chính sách khuyến công và phát triển sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch thành phố Đà Nẵng, qua đó giúp doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất.

Với những giải pháp nêu trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục vượt qua khó khăn, nâng cao năng lực sản xuất các sản phẩm công nghiệp, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế thành phố trong năm 2023 và những năm đến.

MAI QUẾ

.