Kinh tế
Sẵn sàng khai thác dịch vụ xe đạp công cộng
Với mong muốn đưa mô hình xe đạp cộng cộng phục vụ tốt hơn du khách và người dân, ngành giao thông đang gấp rút hoàn thành cơ sở hạ tầng để đưa dịch vụ cho thuê xe vào hoạt động cuối tháng 3-2023 tới.
Một điểm thử nghiệm mô hình xe đạp công cộng ở Đà Nẵng và ứng dụng dịch vụ thuê xe TNGo trên điện thoại di động (ảnh nhỏ). Ảnh: THÀNH LÂN |
Theo Sở Giao thông vận tải, đây là dự án được sở triển khai theo chủ trương Nghị quyết số 103/NQ-HĐND ngày 15-12-2022 của HĐND và UBND thành phố về triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng trên địa bàn. Theo đó, thành phố sẽ có 61 trạm với khoảng 600 xe đạp được phân bổ trên khắp địa bàn, trong đó quận Hải Châu 32 trạm, Thanh Khê 5 trạm, Sơn Trà 16 trạm, Ngũ Hành Sơn 5 trạm và Cẩm Lệ 3 trạm.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bùi Hồng Trung cho biết, công tác hoàn thiện các trạm xe đạp công cộng đang được đơn vị thi công tích cực triển khai. Vị trí đặt trạm xe đạp công cộng đã được nghiên cứu lựa chọn ưu tiên gần trạm xe buýt để kết nối hệ thống vận tải hành khách công cộng, không cản trở người đi bộ, bảo đảm an toàn giao thông, cảnh quan đô thị, phù hợp với tình hình thực tế”.
Ông Hồ Nguyễn Quốc Cường, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và Vận tải công cộng thành phố Đà Nẵng (DATRAMAC) thông tin, việc triển khai dịch vụ xe đạp đô thị do Công ty CP Tập đoàn Trí Nam cung cấp và khai thác. Các xe đạp được gắn hệ thống khóa thông minh. Người dùng sử dụng ứng dụng TNGo trên điện thoại thông minh để mở, khóa xe.
Trong thời gian thí điểm 12 tháng kể từ ngày vận hành, giá thuê mỗi lượt 5.000 đồng/30 phút và vé ngày là 50.000 đồng/ngày cho tất cả người sử dụng. Trong quá trình thuê, người dùng có thể khóa xe tạm thời và mở lại khi có nhu cầu. Việc hoàn tất lượt thuê xe được tính khi người dùng trả xe tại trạm bất kỳ. Người thuê xe cần cài đặt ứng dụng về điện thoại rồi đăng ký và đăng nhập tài khoản bằng số điện thoại. Việc thanh toán thực hiện qua các ví điện tử MoMo, Zalo, Viettel, VTCPay.
Ngoài ra, xe đạp được thiết kế có chiều cao phù hợp cho các độ tuổi và giới tính. Xe được trang bị khóa chống mất cắp, chống tháo trộm các bộ phận của xe như ghi đông, yên xe, bánh xe, hộp xích…; được lắp đặt thiết bị định vị, thiết bị sạc và bộ thu năng lượng mặt trời. Lốp xe là loại lốp đặc tổ ong chống bị thủng, bảo đảm độ êm ái khi di chuyển.
Đặc biệt, mỗi xe đạp được gắn một thẻ ID định danh, thông qua hệ thống phần mềm trung tâm, nhân viên vận hành có thể giám sát được xe đang ở vị trí nào hoặc khách hàng nào đang sử dụng. Để sử dụng xe đạp, người dùng sử dụng điện thoại thông minh tải ứng dụng TNGo, đăng ký theo các bước hướng dẫn, tìm xe thông qua bản đồ số và mở khóa bằng mã QR Code.
Người dùng có thể đi xe đạp đến bất cứ nơi đâu trên địa bàn thành phố và trả xe ở bất cứ trạm nào để sẵn sàng cho người dùng kế tiếp. Số lượng xe đạp được giám sát để chia sẻ hợp lý giữa nhiều người có nhu cầu sử dụng.
Điểm thử nghiệm mô hình xe đạp công cộng ở Đà Nẵng vừa hoàn thiện hạ tầng. Ảnh: T.L |
Chị Đỗ Quỳnh Anh, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, dịch vụ này đã triển khai ở Thành phố Hồ Chí Minh và bước đầu thu hút được khá đông người sử dụng, nhất là du khách. Tuy nhiên, để phát huy hết công năng của dịch vụ, nhà đầu tư và các cơ quan chức năng cần “phủ sóng” kết nối rộng khắp trên địa bàn để người sử dụng xe đạp có thể đi đến mọi điểm mình ưu thích.
Trong khi đó, sinh viên Lê Hà Trang (Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng) bày tỏ sự háo hức muốn sớm được trải nghiệm dịch vụ này. Bởi theo giá thành 5.000 đồng/30 phút là chấp nhận được, nếu các bạn trẻ đi theo nhóm đông vừa có cơ hội dạo phố, vừa có thể trải nghiệm những món ăn đường phố mà mình ưa thích, lại khá riêng tư…
Ông Lê Văn Thanh, đại diện Công ty dịch vụ du lịch Phương Thanh (quận Sơn Trà) cho biết, dịch vụ xe đạp công cộng đã triển khai ở 2 địa phương lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với mục tiêu góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguồn nhiên liệu để hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp.
Tuy nhiên trên thực tế, sau thời gian triển khai thực hiện, các điểm cho thuê xe đạp chỉ hoạt động trong một thời gian rất ngắn rồi “đắp chiếu” do ế khách và thiếu nguồn lực để duy trì dịch vụ. Vì vậy, để không “dẫm lại vết xe đổ”, các cơ quan chức năng của thành phố cũng như nhà đầu tư cần nghiên cứu cụ thể những bất cập, rút ra những bài học kinh nghiệm, áp dụng hiệu quả vào thành phố.
Ông Đỗ Bá Quân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ vận tải số Trí Nam (nhà đầu tư) đánh giá khả quan thị trường xe đạp tại Đà Nẵng với lý do diện tích thành phố bằng phẳng, đường sá rộng rãi thuận tiện cho giao thông, đặc biệt Đà Nẵng đang là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch. Bên cạnh đó, công ty đã triển khai ở 4 thành phố rồi nên có rất nhiều kinh nghiệm; đồng thời nhân viên chăm sóc khách hàng có kinh nghiệm của công ty sẽ hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ tốt hơn…
Được biết, sau một năm thí điểm tại Đà Nẵng, Sở Giao thông vận tải sẽ tổng kết, đánh giá, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định nhân rộng mô hình nếu dịch vụ xe đạp công cộng đạt hiệu quả, góp phần hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân gây ô nhiễm môi trường, hướng tới một hệ thống giao thông xanh, bền vững.
Hiện sở đang đôn đốc các đơn vị hoàn thiện các trạm xe để khai trương dịch vụ xe đạp công cộng trước ngày 29-3, nhằm chào mừng 48 năm ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng.
THÀNH LÂN