Kinh tế
Nông dân vào vụ nuôi trồng thủy sản nước ngọt
Bước vào vụ nuôi thủy sản nước ngọt năm 2023, nhiều hộ nông dân đang tất bật cải tạo, vệ sinh ao hồ, chuẩn bị mọi điều kiện để sẵn sàng cho vụ mới với hy vọng được mùa, được giá.
Công tác chuẩn bị nạo vét ao hồ, nguồn giống, thức ăn được các hộ nuôi thủy sản nước ngọt chuẩn bị kỹ càng. TRONG ẢNH: Một hộ nuôi cá tại thôn Trường Định (xã Hòa Liên) đang cho cá ăn. Ảnh: V.H |
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nhiều hộ nuôi tôm tại thôn Trường Định (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) tập trung triển khai các công đoạn chuẩn bị cải tạo ao nuôi để kịp thời thả giống, bảo đảm đúng khung thời vụ. Ông Nguyễn Trực, Tổ trưởng Tổ nuôi trồng thủy sản thôn Trường Định cho biết, việc thả giống thường bắt đầu từ tháng 2 và kết thúc vào tháng 7 đối với tôm sú và tháng 8 đối với tôm thẻ chân trắng.
Để bắt đầu vụ nuôi tôm mới, ao nuôi với diện tích hơn 8.000m2 của gia đình đang được xử lý và dự kiến hoàn thành trong vài ngày tới. Tại thôn Khương Mỹ (xã Hòa Phong), với diện tích gần 2.200m2, bà Nguyễn Thị Quý chủ yếu nuôi cá koi và ghép thêm cá trắm, cá mè để nâng cao hiệu quả kinh tế. Trong vụ trước, sau khi trừ các chi phí, bà Quý lãi gần 70 triệu đồng. Trước khi bắt đầu vụ, bà cho cải tạo và xử lý ao để tăng hiệu quả nuôi và bảo đảm sự sinh trưởng ổn định của cá.
Trong khi đó, tại vùng nuôi cá nước ngọt xã Hòa Khương, nhiều hộ nuôi trong vùng đang khẩn trương xuống giống để kịp vụ sản xuất. Ông Cao Văn Tới, Giám đốc HTX Làng Phú Sơn cho hay, công đoạn cải tạo ao nuôi, chuẩn bị nguồn giống cá, thức ăn… đã được các hộ dân trong vùng chuẩn bị và triển khai từ đầu năm. Đến nay, khoảng 15.000 con cá thát lát đã được thả giống kèm với nhiều loại cá nước ngọt khác như cá điêu hồng, cá tra, cá mè, cá trắm cỏ…
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Khương Nguyễn Kế Hiệp thông tin, trên địa bàn xã có khoảng 56ha diện tích nuôi thủy sản nước ngọt, thời gian qua đã mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho nhiều hộ dân. Tại khu nuôi tập trung đã hình thành cơ sở sơ chế và chế biến sản phẩm từ cá. Các hộ dân tổ chức thu mua sản phẩm từ cá, cung ứng cho thị trường Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố khác.
Thời gian đến, địa phương sẽ tiếp tục phát triển vùng nuôi cá tập trung tại các thôn Phú Sơn 1, Phú Sơn 2 và các khu vực có tiềm năng theo hướng an toàn sinh học, bảo vệ môi trường kết hợp với du lịch sinh thái; vận động các hộ nuôi cá trê cam kết sử dụng thức ăn qua sơ chế, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Đối với các khu vực nuôi trồng thủy sản có tiềm năng lân cận, xã định hướng hỗ trợ các hộ nuôi an toàn sinh học, kết hợp mở rộng diện tích nuôi trồng theo hướng dịch vụ để phát triển kinh tế, phục vụ nhu cầu khách hàng trong và ngoài thành phố. Bên cạnh đó, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cá nước ngọt Hòa Khương.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Lưu Quang Khánh, hoạt động nuôi trồng thủy sản tại Đà Nẵng được định hướng phát triển theo hướng chất lượng cao, phù hợp với quy hoạch của thành phố; xây dựng mô hình nuôi theo hướng an toàn sinh học; phát triển sản xuất thủy sản theo mô hình liên kết chuỗi thực phẩm thủy sản an toàn, bảo đảm thân thiện môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu…
Hằng năm, Chi cục Thủy sản phối hợp Trung tâm Khuyến ngư nông lâm hỗ trợ giống cá nước ngọt cho các hộ nuôi trồng thủy sản; thực hiện quan trắc môi trường kịp thời cảnh báo cho người nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra trong ao nuôi; kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm...
Tính đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố là 227,7ha, trong đó: diện tích nuôi cá ước đạt 175,2ha; diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ước đạt 33,7ha… |
VĂN HOÀNG