Kinh tế

Nâng cao năng suất lao động góp phần nâng cao hiệu quả, thúc đẩy kinh tế phát triển

16:17, 04/04/2023 (GMT+7)

ĐNO - Nâng cao năng suất lao động xã hội trong một ngành/lĩnh vực là phát triển ngành/lĩnh vực đó theo hướng sử dụng ít hơn số lao động nhưng tạo ra cùng một quy mô giá trị hoặc sử dụng cùng một số lượng lao động nhưng tạo ra quy mô giá trị cao hơn. Năng suất, chất lượng lao động có vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, là một trong những giải pháp đưa kinh tế thành phố phát triển bền vững.

Công nhân làm việc tại Nhà máy ươm tạo, nghiên cứu sản xuất điện tử công nghệ cao.
Công nhân làm việc tại Nhà máy ươm tạo, nghiên cứu sản xuất điện tử công nghệ cao.

Nhìn chung, mô hình tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng vẫn chủ yếu dựa trên khai thác các đầu vào truyền thống là lao động và nguồn vốn; yếu tố công nghệ và marketing vẫn chưa được chú trọng để bảo đảm tính cạnh tranh của hàng hóa. Để nâng cao năng suất lao động bền vững tại Đà Nẵng cần tập trung vào phát triển khu vực doanh nghiệp sản xuất tư nhân của địa phương và thu hút nguồn vốn FDI có tính bền vững hơn.

Tại Đà Nẵng, công nghiệp chế biến chế tạo (mà chủ yếu là gia công và lắp ráp) đang là ngành chiếm tỷ trọng chi phối trong lĩnh vực công nghiệp, do đó, trong ngắn hạn và trung hạn, nâng cao năng suất lao động của doanh nghiệp trong ngành này sẽ có vai trò quyết định nâng cao năng suất lao động của toàn lĩnh vực.

Trong dài hạn, nâng cao năng suất lao động xã hội trong lĩnh vực công nghiệp cần hướng đến các giải pháp bền vững như vừa đề cập ở trên; đồng thời tập trung phát triển những ngành (có thể đang có tỷ trọng thấp) có tiềm năng tăng trưởng bền vững, có giá trị gia tăng cao và có năng suất lao động tốt như công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghiệp hỗ trợ và công nghệ thông tin.

Thực tế cho thấy, ảnh hưởng của dịch bệnh trong 2 năm 2020-2021 đã chứng minh tính bền vững và hợp xu thế phát triển của những ngành vừa kể trên; trong khi công nghiệp chế biến chế tạo bị ảnh hưởng thì những ngành này liên tục tăng trưởng dương và là điểm sáng trong thu hút đầu tư của Đà Nẵng.

Đối với công nghiệp chế biến chế tạo, tất cả các doanh nghiệp lớn và đóng góp phần lớn giá trị gia tăng cho thành phố Đà Nẵng đều tập trung trong các khu công nghiệp (KCN). Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp chế biến chế tạo bên ngoài KCN là rất lớn nhưng quy mô rất nhỏ, năng lực hạn chế và trình độ công nghệ rất thấp. Do đó, trước mắt, các giải pháp nâng cao năng suất lao động xã hội trong lĩnh vực công nghiệp tại Đà Nẵng cần gắn liền với việc phát triển các khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên địa bàn.

Sở hữu cảng biển tổng hợp – container lớn, hiện đại nhất của khu vực miền Trung là một lợi thế vô cùng lớn của Đà Nẵng để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư chiến lược có khả năng tạo sức ảnh hưởng lan tỏa đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân tại địa phương và cả khu vực.

Tuy nhiên, thành phố Đà Nẵng chưa thực sự tận dụng lợi thế này trong thời gian qua khi quá tập trung phát triển du lịch và dịch vụ. Do đó, với mục tiêu nâng cao năng suất lao động xã hội, tăng cường thu hút đầu tư có chất lượng dựa trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế to lớn này nên là một định hướng cần cân nhắc.

Nghị quyết 43-NQ/TW 2019 của Bộ Chính Trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hai trong số năm lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của thành phố được nêu ra trong Nghị quyết này là: Công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; (ii) Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số.

Trong đó, đối với công nghiệp công nghệ cao, Bộ Chính trị cũng đã xác định phải phát triển khu công nghệ cao có sức cạnh tranh cao và đẳng cấp quốc tế và xây dựng được trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tầm cỡ quốc gia của khu vực miền Trung – Tây Nguyên đặt tại Đà Nẵng. Về các ngành công nghệ cao, Nghị quyết đã chỉ ra cần tập trung đầu tư phát triển công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, vật liệu mới, tự động hóa,…

Như vậy, có thể nhìn thấy rất rõ trong bối cảnh có những cơ hội và thách thức, trong tương quan nguồn lực với ưu điểm và nhược điểm của Đà Nẵng, việc nâng cao năng suất lao động xã hội của lĩnh vực công nghiệp phải gắn bó chặt chẽ với định hướng phát triển công nghiệp đã được lựa chọn rất đúng đắn của các cấp chính quyền đối với thành phố Đà Nẵng. Nói cách khác, nếu định hướng được đưa ra là đã phù hợp nhất với nguồn lực và bối cảnh phát triển, thì năng suất lao động cũng sẽ được cải thiện một cách tốt nhất.

Tuy nhiên, do quá tập trung nguồn lực vào phát triển du lịch, việc quy hoạch và triển khai xây dựng các khu công nghiệp và cụm công nghiệp mới tại Đà Nẵng diễn ra còn chậm. Trong khi đó, các khu công nghiệp tại Đà Nẵng đã sớm có tỷ lệ lấp đầy cao.

Vì vậy, trong năm 2022, khi nền kinh tế mở cửa trở lại, Đà Nẵng đã thiếu hụt mặt bằng với hạ tầng kỹ thuật đầy đủ để thu hút các nhà đầu tư; dẫn đến kết quả thu hút đầu tư của Đà Nẵng năm 2022 giảm sút mạnh về cả số lượng dự án và suất đầu tư trên mỗi dự án. Bên cạnh đó, thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao của Đà Nẵng hiện nay chưa đạt được kỳ vọng do Đà Nẵng thiếu sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao; thậm chí, đến nay thành phố vẫn chưa xác định được những lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ này nên được ưu tiên phát triển.

Do đó, nhằm phục vụ mục đích nâng cao năng suất lao động xã hội, đạt được các mục tiêu đã đặt ra, trong năm 2022, thành phố cần đẩy nhanh việc triển khai đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới với hạ tầng đầy đủ để sớm thu hút các nhà đầu tư công nghiệp theo đúng định hướng ưu tiên. Đồng thời, để thu hút được các dự án công nghiệp công nghệ cao có khả năng tạo được giá trị gia tăng cao, thành phố cần sớm xác định lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ưu tiên và đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao.

HỐNG SEN

.