Kinh tế
Những thách thức từ an ninh phi truyền thống
ĐNO - An ninh phi truyền thống đang là vấn đề được quan tâm trong bối cảnh hiện nay. Tại Đà Nẵng, các áp lực an ninh phi truyền thống có xu hướng gia tăng, đặt ra thách thức phải nâng cao năng lực chống chịu của nền kinh tế.
Công tác chuẩn bị cơ sở để đưa người dân đến tránh trú bão trong năm 2022 được lực lượng chức năng thành phố triển khai một cách nhanh chóng, tránh thiệt hại. Ảnh: B.L |
Thời gian vừa qua, dưới sự tác động đột ngột của một số vài hiện tượng an ninh phi truyền thống (ANPTT) như: Covid-19 và mưa lũ, kinh tế thành phố Đà Nẵng đã chịu những ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt, Đà Nẵng có quy mô kinh tế còn khá khiêm tốn so với cả nước nhưng với độ mở lớn và khá phụ thuộc vào thị trường bên ngoài (đặc biệt là đối với du lịch và sản xuất công nghiệp), nền kinh tế thành phố cũng trở nên rất dễ bị tổn thương trước các rủi ro ANPTT có tính xuyên quốc gia.
Năm 2020, do sự xuất hiện đột ngột của Covid-19, Đà Nẵng đã lần đầu tiên có mức tăng trưởng âm (-7,8%); trong đó, khu vực Công nghiệp - Xây dựng giảm sâu 11,13% và khu vực dịch vụ giảm 5,53%. Năm 2021, mặc dù đã có thời gian thích ứng nhất định, nhưng chịu tác động tiêu cực của tình hình dịch bệnh kéo dài, quy mô nền kinh tế chỉ phục hồi ở mức hơn 1% so với năm 2020.
Bên cạnh đó, trong tháng 10-2022, Đà Nẵng đã trải qua một trận lũ lịch sử với lượng mưa lên tới 780 mm xảy ra đúng lúc triều cường và làm 52/56 xã, phường thuộc 7 quận, huyện bị ngập, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội.
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng (2022), có 7 vấn đề ANPTT đã được nhận diện đối với nền kinh tế Đà Nẵng, bao gồm: đại dịch bệnh; an ninh nguồn nước; an ninh mạng, tội phạm công nghệ cao; xung đột xã hội; an ninh môi trường; an ninh kinh tế và an ninh năng lượng.
Nhìn chung, với thực trạng “sức khỏe” và mức độ phát triển của nền kinh tế hiện nay, khả năng xảy ra cú sốc của nhiều vấn đề ANPTT được đánh giá chỉ ở mức rất thấp hoặc thấp nhưng áp lực tạo ra đối với nền kinh tế của một số vấn đề vẫn được đánh giá ở mức cao, đặc biệt là đối với an ninh nguồn nước và an ninh môi trường; áp lực mưa lớn, ngập lụt gây ảnh hưởng các khu vực kinh tế; áp lực xử lý chất thải rắn…
Thành phố cần đối phó với an ninh phi truyền thống, tức là phải xây dựng chiến lược, ứng phó với từng mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Nếu các thách thức của an ninh phi truyền thống không được giải quyết, không được ứng xử đúng, không được ngăn ngừa, ngăn chặn thì sẽ chuyển hóa thành vấn đề an ninh truyền thống.
Trước những rủi ro/áp lực này, gia tăng năng lực chống chịu của nền kinh tế thông qua đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế gắn liền với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh là điều cần thiết. Một khi nền kinh tế phát triển theo chiều sâu với năng suất lao động xã hội và năng lực cạnh tranh cao, tính bền vững của các hoạt động kinh tế - xã hội cũng sẽ gia tăng.
Nhờ đó, khi xảy ra các tác động từ bên ngoài hay những cú sốc đến từ nội tại nền kinh tế, mức độ bị tổn thương có thể được tiết giảm trong khi khả năng phục hồi có thể được nâng cao. Đặc biệt, một khi được cơ cấu kinh tế phù hợp với mô hình tăng trưởng hiện đại và có tính bền vững, khả năng thành phố có thể hạn chế được áp lực đến từ các vấn đề ANPTT hoặc giảm được nguy cơ xãy ra các cú sốc ANPTT cũng sẽ được cải thiện.
THU THẢO